Bí thư Thanh Hóa kiểm tra hiện trường tuyến kênh hơn 4.300 tỷ đồng vỡ toác
(Dân trí) - Sáng 1/1/2021, ông Đỗ Trọng Hưng, Bí thư Tỉnh ủy Thanh Hóa đã đi kiểm tra, chỉ đạo công tác khắc phục sự cố vỡ kênh Bắc sông Chu - Nam sông Mã, thuộc Dự án hồ chứa nước Cửa Đạt.
Theo ghi nhận của phóng viên, mặc dù là ngày nghỉ Tết dương lịch năm 2021, nhưng việc thi công khắc phục sự cố vỡ kênh Bắc sông Chu - Nam sông Mã, đoạn giáp ranh giữa xã Phùng Giáo và xã Phùng Minh, huyện Ngọc Lặc diễn ra rất khẩn trương.
Trao đổi với phóng viên Dân trí, ông Cao Văn Cường, Giám đốc Sở NN&PTNT cho biết, ngày 1/1/2021, 10 máy xúc, 2 máy lu, 3 máy ủi và 35 ô tô các loại được huy động thi công khắc phục sự cố tại hiện trường. Tổng khối lượng đắp tại hiện trường sự cố dự kiến là 18.000 m3 (trong đó đắp đá 10.000m3, đắp đất 8.000m3).
Đến 16h ngày 1/1/2021, khối lượng đá đắp đạt khoảng 4.000m3, hố móng đắp đến cao trình +28,00, khối lượng 4.000m3/18.000m3 (đạt 22%).
Ông Cường cho biết thêm, dự kiến đến ngày 5/1/2021, khối lượng đắp đạt 100% và trải vải chống thấm lòng, mái kênh để đến chiều cùng ngày sẵn sàng dẫn nước.
Ông Đồng Văn Tự, Phó Tổng Cục trưởng Tổng cục Thủy lợi, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT), chuyên gia hàng đầu Việt Nam về xử lý, khắc phục sự cố công trình thủy lợi trực tiếp chỉ huy thi công hiện trường.
Theo báo cáo của Ban quản lý Đầu tư và Xây dựng thủy lợi 3 - Đơn vị quản lý, giám sát công trình kênh Bắc sông Chu - Nam sông Mã, đoạn kênh xảy ra sự cố thuộc gói thầu có giá trị đầu tư 65 tỷ đồng, khởi công xây dựng từ năm 2011, hoàn thành đưa vào sử dụng năm 2013.
Tại buổi kiểm tra, ông Đỗ Trọng Hưng ghi nhận, đánh giá cao sự vào cuộc kịp thời và nỗ lực của các đơn vị trong việc khắc phục sự cố. Ông Hưng cho rằng, đây là sự cố hết sức đáng tiếc, xảy ra vào đúng thời điểm bà con nông dân đang chuẩn bị bước vào sản xuất vụ chiêm xuân 2021.
Theo Bí thư Tỉnh ủy Thanh Hóa, sự cố được khắc phục sớm ngày nào, bà con nông dân ở 5 huyện thuộc vùng tưới của kênh Bắc sông Chu - Nam sông Mã sẽ yên tâm ngày đó, không còn lo lắng về việc đảm bảo nước tưới cho hơn 30.000 ha đất canh tác.
Từ đó, ông Đỗ Trọng Hưng đề nghị, Tổng cục Thủy Lợi, Ban Quản lý Đầu tư và Xây dựng thủy lợi 3 và UBND tỉnh Thanh Hóa, các ngành, đơn vị, địa phương cần phối hợp chặt chẽ, giải quyết kịp thời những khó khăn vướng mắc, bám sát hiện trường để chỉ đạo nhà thầu đẩy nhanh tiến độ thi công, khắc phục sự cố.
Ông Hưng cho rằng, cùng với việc huy động thêm nhân lực, vật tư, phương tiện, cần phải có phương án thi công tốt nhất, phấn đấu cơ bản khắc phục sự cố và đưa đoạn kênh vận hành trở lại vào ngày 5/1, không để ảnh hưởng đến lịch thời vụ sản xuất vụ chiêm xuân của bà con nhân dân.
Bí thư Tỉnh ủy Thanh Hóa đã chỉ đạo Sở NN&PTNT cử cán bộ bám sát hiện trường, phối hợp với các đơn vị liên quan cập nhật tiến độ thi công, báo cáo Thường trực Tỉnh ủy, UBND tỉnh và Bộ NN&PTNT vào 16h hàng ngày.
Đồng thời, ông Hưng lưu ý các đơn vị chuyên môn cần tham mưu cho Bộ NN&PTNT và UBND tỉnh Thanh Hóa kiểm tra toàn tuyến kênh Bắc sông Chu - Nam sông Mã; rà soát, đánh giá hiện trạng công tác bảo đảm an toàn vận hành công trình, nhằm phát hiện và xử lý kịp thời các nguy cơ mất an toàn, tránh để xảy ra sự cố đáng tiếc như vừa qua.
Nhân dịp này, Bí thư Tỉnh ủy Thanh Hóa đã đến thăm hỏi, động viên gia đình thiệt hại sau sự cố vỡ kênh Bắc sông Chu - Nam sông Mã.
Trước đó, ngày 29/12/2020, đoàn công tác của Bộ NN&PTNT do Thứ trưởng Nguyễn Hoàng Hiệp dẫn đầu đã trực tiếp đến hiện trường kiểm tra, chỉ đạo khắc phục sự cố vỡ kênh.
Sau khi kiểm tra và làm việc với các bên liên quan, Thứ trưởng Nguyễn Hoàng Hiệp đã yêu cầu trong vòng 3 ngày (từ 29/12/2020), Ban Quản lý Đầu tư và Xây dựng thủy lợi 3 cần huy động máy móc, vật liệu triển khai khắc phục sự cố cả ngày lẫn đêm, nhanh chóng cấp lại nước để phục vụ tưới tiêu.
Như Dân trí đã phản ánh, ngày 27/12/2020 xảy ra sự cố vỡ kênh Bắc sông Chu - Nam sông Mã, đoạn giáp ranh giữa xã Phùng Giáo và xã Phùng Minh, huyện Ngọc Lặc, với chiều dài 70 m.
Sau khi sự cố xảy ra, UBND tỉnh, các ngành, địa phương của tỉnh Thanh Hóa đã phối hợp với Bộ NN&PTNT và các đơn vị liên quan khẩn trương kiểm tra, đánh giá nguyên nhân, tính chất, mức độ của sự cố, xác định phương án khắc phục.