DMagazine

"Bí thư không gây áp lực để người dân phải làm theo"

(Dân trí) - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Sơn La, ông Nguyễn Thành Công phân tích, bí thư chi bộ không lấy vai chi bộ ra "ép" người dân phải cùng làm việc này, việc kia, chỉ tuyên truyền mô hình kinh tế của mình.

Thực tế cho thấy, việc "mở cửa" cho Đảng viên làm kinh tế những năm trước đã giúp những Đảng viên, bí thư chi bộ dám nghĩ, dám làm vượt lên trong làm kinh tế hộ, lan tỏa những mô hình mới tới cộng đồng…

Bí thư không gây áp lực để người dân phải làm theo - 1
Bí thư không gây áp lực để người dân phải làm theo - 3

Đến huyện Trấn Yên, Yên Bái, chúng tôi nhận thấy điểm chung của không ít bí thư chi bộ ở đây là đều có kinh tế hộ khá giả nhờ nguồn thu từ diện tích lớn trồng tre Bát Độ, quế trên đồi núi.

Chia sẻ về việc này, ông Nguyễn Quốc Toản, Phó Bí thư thường trực, Chủ tịch Hội đồng nhân dân huyện Trấn Yên, nguyên Trưởng ban chỉ đạo tre măng Bát Độ của huyện cho biết, chương trình trồng tre măng Bát Độ trước đây vốn "nhắm" đến các đối tượng có sức lan tỏa.

Theo ông Toản, trồng tre măng Bát Độ lúc đó là chương trình mới và việc vận động người dân trồng rất khó khăn. Ông Toản và các cán bộ ban phải trực tiếp xuống các thôn bản vận động và đối tượng được "nhắm" tới đầu tiên chính là cán bộ xã, bí thư chi bộ, trưởng thôn, già làng, người có uy tín. Lúc đầu, những người này có thể chỉ trồng nửa ha, 1ha rồi vận động, hướng dẫn người dân trồng. Qua thời gian, những người đi tiên phong tiếp tục mở rộng diện tích trồng của mình...

Theo ông Toản, nếu không có bí thư chi bộ, đảng viên, trưởng thôn làm trước thì huyện Trấn Yên không thể có được những vùng trồng măng tre tập trung và kinh tế phát triển như giờ đây. "Như xã Kiên Thành, 90% là người dân tộc Mông, Dao, Tày, kinh tế hiện rất phát triển, dù đây là xã sâu, vùng đồi núi", ông Toản cho hay.

Bí thư không gây áp lực để người dân phải làm theo - 5

Có cùng quan điểm với ông Nguyễn Quốc Toản về đóng góp quan trọng của bí thư chi bộ ở cơ sở, ông Vũ Đức Thuận, Bí thư Huyện ủy Mường La, tỉnh Sơn La nhấn mạnh: "Vai trò của bí thư chi bộ là chuyển tải toàn bộ cơ chế, chủ trương chính sách cũng như mô hình kinh tế tốt đến với cộng đồng".

Ông Thuận dẫn chứng, Bí thư bản Nang Phai (xã Mường Bú, Mường La) Lèo Văn Ky đã sớm khẳng định được đường đi với mô hình kinh tế hộ của mình, tạo mẫu cho bà con trong bản phấn đấu. Mô hình của Bí thư Ky không chỉ lan tỏa trong bản mà còn được các bản của huyện bạn đến tham quan, học hỏi. 

Bí thư không gây áp lực để người dân phải làm theo - 7

Không chỉ tạo dựng được mô hình kinh tế, Bí thư Lèo Văn Ky còn đi đầu trong thực hiện chủ trương khác là xã hội hóa việc làm đường, xây dựng các công trình chung của bản. Với uy tín của mình, vị bí thư này đã huy động được nhiều nguồn lực xã hội đóng góp cho cộng đồng.

Chung quan điểm "nhắm" đến bí thư, trưởng bản, người uy tín trong lan tỏa chính sách, tạo dựng các mô hình kinh tế, Phó Chủ tịch UBND huyện Đồng Văn, Hà Giang, ông Nguyễn Văn Chinh dẫn chứng về vai trò của bí thư, trưởng bản Lô Lô Chải. Theo ông Chinh, bí thư, trưởng bản ở đây là những đầu tàu kéo cả bản đi lên, tạo ra một mô hình được du khách trong nước, quốc tế đánh giá cao, tạo tiếng vang cho huyện Đồng Văn, tỉnh Hà Giang những năm qua và hiện nay, họ tiếp tục là nhân tố đi đầu.

Bí thư không gây áp lực để người dân phải làm theo - 9

Đề cập về ý kiến còn băn khoăn với việc bí thư chi bộ làm kinh tế cũng như vai trò của bí thư chi bộ trong phát triển kinh tế, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Sơn La Nguyễn Thành Công phân tích, đảng viên hay bí thư chi bộ thường là trụ cột gia đình, cũng phải cùng các thành viên trong gia đình làm kinh tế hộ, trồng xoài, trồng nhãn, chăn nuôi…

Theo ông Công, người bí thư chi bộ thực hiện tốt vai trò, trách nhiệm của mình, tận tụy với công việc được giao, đồng thời làm kinh tế giỏi, sẽ là gương điển hình cho người dân noi theo và ở đây, không nên tư duy theo hướng, bí thư chi bộ chỉ tập trung thực hiện cương vị bí thư "công vụ".

"Chúng ta tập trung hỗ trợ cho các bí thư, trưởng bản, nhất là vùng đặc biệt khó khăn, vùng sâu, vùng xa, vùng biên giới vừa làm tốt nhiệm vụ chính trị vừa dám nghĩ, dám làm, dám phát triển để rồi họ sẽ là những gương điển hình khơi dậy phong trào tự thân sản xuất kinh tế giỏi", ông Công lập luận.

Theo ông Công, người bí thư chi bộ không lấy vai chi bộ ra "ép" người dân phải cùng làm việc này, việc kia, mà từ trách nhiệm người đảng viên, người bí thư tuyên truyền mô hình do chính mình làm trước chi bộ, cộng đồng. Bà con có thể xem, noi gương, nghiên cứu làm theo một cách lành mạnh, đúng quy định pháp luật và không có việc bí thư chi bộ gây áp lực để người dân phải làm theo.

Bí thư không gây áp lực để người dân phải làm theo - 11

Vị Phó Chủ tịch tỉnh Sơn La phân tích thêm, bí thư chi bộ không được phép lấy bất kì khoản nào của tổ chức đảng để sử dụng cho việc phát triển kinh tế hộ, không lấy vai trò của mình để làm kinh tế. Họ phải làm sòng phẳng, làm đúng các quy định hiện hành để phát triển kinh tế.

Giải đáp câu hỏi, khi đảng viên hay bí thư chi bộ làm kinh tế tư nhân, có hay không việc chạy theo lợi nhuận, lợi ích mà có những vi phạm, sai phạm, ông Lý Xuân Lù - Phó Bí thư Huyện ủy Vị Xuyên khẳng định, thực tế triển khai chủ trương trên địa bàn huyện không có bí thư chi bộ, đảng viên nào sai phạm trong làm kinh tế hộ phải xử lý.

Ông Nguyễn Quốc Toản, Phó Bí thư thường trực, Chủ tịch Hội đồng nhân dân huyện Trấn Yên (Yên Bái) cũng cho biết, trong nhiệm kỳ vừa qua, trên địa bàn không có bí thư chi bộ nào sai phạm khi làm kinh tế tư nhân. "Họ cũng phải giữ uy tín với cộng đồng. Nếu kinh doanh thì phải sòng phẳng, bằng không họ sẽ bị người dân phản ánh", ông Toản cắt nghĩa.

Lãnh đạo các huyện như Quỳnh Nhai, Mường La (Sơn La), Đồng Văn (Hà Giang) cũng có câu trả lời tương tự như nhận định đưa ra tại Vị Xuyên, Trấn Yên.

Bí thư không gây áp lực để người dân phải làm theo - 13

Đề cập vấn đề này, Phó Trưởng ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Hà Giang Đặng Ái Xoan cho rằng, thực tế đời sống xã hội nói chung có những trường hợp Đảng viên, bí thư chi bộ vi phạm trong quá trình làm kinh tế. Trước thực trạng chung đó, Hà Giang nhấn mạnh việc các tổ chức đảng yêu cầu Đảng viên làm kinh tế tư nhân phải đảm bảo hợp pháp, chính đáng và có báo cáo với cấp ủy, chính quyền.

Hàng năm, Tỉnh ủy có văn bản lãnh đạo chỉ đạo chung về nâng cao chất lượng sinh hoạt chi bộ, định hướng xây dựng chi bộ theo những yêu cầu cụ thể, đồng thời có hướng dẫn chi tiết để làm hành lang cho các Đảng viên làm kinh tế, giúp bí thư chi bộ, Đảng viên không vướng vào sai lầm đáng tiếc.

Bí thư không gây áp lực để người dân phải làm theo - 15

Các tỉnh chúng tôi có dịp đến như Sơn La, Hà Giang, Yên Bái đều không có cơ chế, chính sách riêng hoặc quy định đặc biệt cho các bí thư thôn bản.

"Chính sách riêng cho các bí thư chi bộ là không có. Bí thư chi bộ hoặc trưởng thôn đang thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia cũng không được hưởng phụ cấp riêng gì. Phải ghi nhận họ thực sự là những người tận tâm, cống hiến không tính toán", ông Nguyễn Văn Chinh, Phó Chủ tịch UBND huyện Đồng Văn cho biết.

Cùng đề cập về vấn đề này, ông Nguyễn Quốc Toản, Phó Bí thư thường trực, Chủ tịch Hội đồng nhân dân huyện Trấn Yên (Yên Bái) cho biết, nếu bí thư chi bộ kiêm nhiệm cả trưởng thôn phụ cấp cao cũng chỉ hơn 5 triệu đồng/tháng nên với việc phát triển kinh tế hộ gia đình, nhiều bí thư chi bộ đã yên tâm, tự tin gánh vác công việc xã hội, cộng đồng.

Thực tế, các bí thư chi bộ làm kinh tế giỏi chúng tôi có dịp tiếp cận đều không bận lòng nhiều về việc này. Nói về mức phụ cấp của mình, Bí thư kiêm Trưởng bản Nang Phai, xã Mường Bú, huyện Mường Lan, Sơn La Lèo Văn Ky khéo léo, "nếu cứ tính chi li sẽ không làm được mà cần phải... phóng khoáng".

Điều các địa phương có thể làm được chính là tạo cơ hội để các bí thư, trưởng thôn tham gia các lớp tập huấn, đi tham quan, học tập các mô hình ở các huyện lân cận hoặc các tỉnh bạn, đồng thời tổ chức biểu dương, ghi nhận đóng góp của các bí thư chi bộ tiêu biểu…

Để nâng cao và phát huy hơn nữa vai trò của các bí thư ở cơ sở theo ông Bùi Thái Sơn, Phó Bí thư Huyện ủy Quỳnh Nhai, bên cạnh tổ chức, tập huấn có thể tổ chức thi bí thư chi bộ giỏi, tạo các sân chơi, diễn đàn để các bí thư đến học hỏi lẫn nhau, chia sẻ kinh nghiệm, mô hình làm…

Bí thư không gây áp lực để người dân phải làm theo - 17

Cũng theo ông Sơn, tháng 11 này các địa phương sẽ bắt đầu triển khai quy hoạch nhân sự khóa mới và huyện Quỳnh Nhai dự kiến năm tới sẽ tập huấn toàn diện bí thư chi bộ và trưởng bản mới.

Ông Sơn cho biết, huyện cũng định hướng việc trẻ hóa đội ngũ bí thư chi bộ. "Với bí thư chi bộ trẻ, các hoạt động cũng phong phú, năng động hơn", ông Sơn bày tỏ.

Chia sẻ về việc bầu mới các bí thư chi bộ, ông Nguyễn Thanh Xuân, Phó trưởng Ban tổ chức Tỉnh ủy Yên Bái cho biết, công tác nhân sự phải đảm bảo tiêu chuẩn, quy định của Trung ương, tỉnh.

Với câu hỏi về việc các ứng viên làm kinh tế tốt, có uy tín, ảnh hưởng trong cộng đồng có lợi thế hơn so với ứng viên khác trong đại hội bầu các bí thư chi bộ tới đây, ông Xuân cho rằng, các đảng viên, các bí thư chi bộ làm kinh tế giỏi, làm đúng chủ trương của Đảng thì uy tín sẽ cao.

"Làm bí thư chi bộ mà nghèo thì nói người ta không nghe nên anh phải làm kinh tế được đã", ông Xuân kết lại.

Bí thư không gây áp lực để người dân phải làm theo - 19

Nội dung: Cấn Cường, Phương Thảo, Thế Hưng

Thiết kế: Thủy Tiên