Băn khoăn… vui về cổng chào mừng đại lễ

(Dân trí) - Chỉ còn ít tháng nữa là Hà Nội đón đại lễ 1000 năm Thăng Long. Trong khi không ít những tin không vui nơi này không kịp hoàn thành các công trình chào mừng, nơi kia đang làm chào mừng lại phải dừng thì hay tin mới: Hà Nội có 5 cổng chào...

Từ cổng chào ngày khải hoàn…
 
Đó là các cổng chào của người Hà Nội dựng cách đây 56 năm, ngày 10/10/1954, cái ngày “trùng trùng quân đi như sóng, lớp lớp đoàn binh tiến về...”. Từng ngôi nhà, góc phố, người Hà Nội hân hoan bày tỏ lòng ngưỡng mộ tới những ngưòi con của Thủ đô anh dũng, đêm nào rút quân qua gầm cầu, bỏ lại sau lưng kinh thành đỏ lửa, hẹn ngày trở lại...
 
Băn khoăn… vui về cổng chào mừng đại lễ - 1
Những cổng chào Hà Nội năm 1954.
 
Những cổng chào trên từng ngõ phố được dựng lên. Đầu phố Hàng Đào là màu lụa đỏ lấp lánh sao vàng, ảnh Bác Hồ trang nghiêm bên cạnh cờ Tổ quốc. Phố Hàng Bạc mang bóng dáng cổng kinh thành với dòng chữ chân phương gợi lại lời thề “Cảm tử cho tổ quốc quyết sinh” ngày nào.
 
Phố Hàng Thiếc không nói đã biết: những tấm tôn ngay ngắn dựng lên nhắn nhủ về nơi chốn Hà Thành dành riêng lời mời gọi. Hào hoa hơn cả là phố Hàng Bông với những bông hoa trắng tết bằng bông gòn kết lên trụ cổng thay lời âu yếm nhớ nhung…
 
Nhưng ngày vui mấy rồi có lúc cũng phải về với cuộc sống thường nhật. Những hân hoan lễ hội mãi rồi cũng kết thúc, 5 - 7 cái cổng chào rất ý nghĩa ấy biến mất trên đường phố một cách diệu kỳ đúng như cách nó sinh ra.
 
Đại lễ 1000 năm Thăng Long đang tiến gần, có rực rỡ cờ hoa, âm vang kèn trống đến mấy thì cũng chỉ sau 10 - 15 ngày là kết thúc. Hà Nội sẽ lại quay về với đời thường nhưng thêm vô vàn công việc.
 
Bước sang thiên niên kỷ thứ hai với diện tích mở rộng mấy lần, biết bao con đường phải mở, bao công trình phải xây, bao cây cầu phải bắc, bao ô tô máy tính phải lắp ráp… Vì thế cổng chào mừng đại lễ ở 5 hướng cửa ngõ Thủ đô cũng cần “thích ứng” với thời cuộc.
 
... Đến biểu tượng niềm vui ngày Đại lễ
 
“Vui quá là vui” là ấn tượng đầu tiên khi xem các hình mẫu cổng chào Hà Nội. Mỗi hướng mỗi vẻ: cánh chim Lạc, cột gỗ cổ truyền kết hợp cột buồm, 8 con rồng chầu, trống đồng cách điệu và cả trống đồng mọc lên từ đất và nước... Tất cả những biểu tượng linh thiêng đất Việt được huy động hết để tạo ấn tượng sâu sắc cửa ngõ Thủ đô.
 
Đã có những phản biện về sự lãng phí, hấp tấp vội vàng đâm ra nghĩ ẩu làm ẩu, mẫu mã tính nghệ thuật thấp... Cũng giống như nhiều luồng dư luận về những việc làm vô nghĩa “dán nhãn” đại lễ như kiểu gốm hoá thân đê, bôi sơn tường, cậy gạch vỉa hè lên lát đá...
 
Băn khoăn… vui về cổng chào mừng đại lễ - 2
Mô hình 2 trong số 5 cổng chào mừng đại lễ sắp triển khai.
 
Nhưng chứng kiến quyết tâm cao của các cấp các ngành, sự khẩn trương của các đơn vị tham gia, lại thêm những sản phẩm từ trí tưởng tượng phong phú của những ngưòi khéo vẽ, cũng nên... vui lây, hòa cùng nhịp vui với cái nhiệt tâm của người khởi xướng.
 
Dù vậy vẫn khó gạt hết băn khoăn. Hình tượng cổng chào mang tính biểu tượng cao, sẽ thực sự có giá trị khi người thụ cảm hiểu biết hết những ý nghĩa triết học sâu xa tác giả muốn truyền tải. Cần có cách nào để trong thời gian ngắn nhất, du khách trong và ngoài nước hiểu được thông điệp của tác phẩm.
 
Hà Nội đã có nhiều kinh nghiệm khốn khổ vì những sản phẩm nửa tượng đài, nửa tranh cổ động, nửa phù điêu làm ra vội vàng nhân dịp này kia. Không có kế hoạch tháo dỡ, những thứ rác nghệ thuật ấy long lở, mốc meo, tàn tạ, trơ ra những vị trí đập vào mắt rất lâu, tổn hại đến nhiều người.
 
Gom những băn khoăn hỏi một ông giáo già dạy kiến trúc, người đã từng vẽ nhiều cái cổng, cái nhà đẹp cho Hà Nội - những công trình xây từ những năm 70 - 80 của thế kỷ trước, khi thành phố còn nghèo lắm nhưng đến giờ vẫn đẹp vẫn cảm lòng người. Thay vì trả lời, thầy hỏi lại:“Liệu ngưòi Hà Nội có vui hơn khi có những cái cổng này không, có buồn khi không có nó hay không “. Câu hỏi này thì… chịu.
 
Trần Huy Ánh

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm