Bí thư Hà Nội: Cần "cảnh báo" những cán bộ chỉ lo vun vén cho bản thân
(Dân trí) - Đề cập đến việc lấy phiếu tín nhiệm tại HĐND TP Hà Nội, Bí thư Thành ủy Phạm Quang Nghị cho rằng, cán bộ ngại va chạm, chỉ lo an toàn, vun vén cho bản thân, đặt lợi ích riêng lên trên lợi ích chung cần phải được nhắc nhở, cảnh báo.
Phát biểu tại buổi khai mạc HĐND thành phố Hà Nội ngày 2/12, ông Phạm Quang Nghị - Bí thư Thành ủy Hà Nội - cho rằng, nội dung quan trọng trong kỳ họp này là việc đại biểu thay mặt cử tri Thủ đô thực hiện đánh giá tín nhiệm đối với các chức danh lãnh đạo chủ chốt do HĐND thành phố bầu. “Đây là chủ trương đúng đắn của Đảng được nhân dân rất đồng tình, có tác dụng tích cực, góp phần đánh giá, nhận xét kết quả hoàn thành nhiệm vụ của đội ngũ cán bộ chủ chốt giữ các trọng trách trong bộ máy chính quyền Thủ đô. Đây cũng là hoạt động nhằm thực hiện chức năng giám sát của cơ quan quyền lực nhà nước ở địa phương”, ông Nghị nói.
Theo ông Nghị mỗi lá phiếu là một nhận xét, đánh giá chân thành và thực sự khách quan với các chức danh lãnh đạo chủ chốt do HĐND thành phố bầu. Do vậy, mỗi đại biểu cần thể hiện sự công tâm, sáng suốt, động viên, khuyến khích lãnh đạo chủ chốt tận tụy, gương mẫu, dám chịu trách nhiệm cá nhân.
Bí thư Hà Nội cho rằng, với những cán bộ trong công việc dù có va chạm, làm mất lòng ai đó, nhưng toàn tâm, toàn ý vì công việc chung, vì lợi ích chung thì vẫn cần được biểu dương, đánh giá tốt. Ngược lại, người cán bộ ngại va chạm, chỉ lo an toàn, vun vén cho bản thân, đặt lợi ích riêng lên trên lợi ích chung thì cần phải được nhắc nhở, cảnh báo.
Tại buổi khai mạc HĐND, ông Nghị cũng quán triệt việc tổ chức lấy phiếu tín nhiệm là công việc rất quan trọng, do vậy, đòi hỏi mỗi đại biểu phải nêu cao tinh thần trách nhiệm, việc đánh giá những người được đưa ra lấy phiếu tín nhiệm phải hết sức thận trọng, công tâm, khách quan, vì lợi ích chung. Các đại biểu cần căn cứ trên 2 tiêu chí cơ bản là năng lực lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành, gắn với kết quả hoàn thành nhiệm vụ được giao và phẩm chất chính trị, tư tưởng, đạo đức, lối sống của cá nhân cán bộ.
Bí thư Hà Nội cho rằng, đối với những cán bộ được đánh giá, việc lấy phiếu tín nhiệm là thử thách, đồng thời cũng là cơ hội giúp mỗi người hiểu rõ hơn về uy tín, trách nhiệm của mình trước công việc và lĩnh vực mình phụ trách.
“Kết quả lấy phiếu tín nhiệm là sự ghi nhận, động viên, khích lệ những việc làm tốt, có lợi cho sự nghiệp chung, đồng thời cũng là sự nhắc nhở, lưu ý kịp thời đối với những người có khuyết điểm, yếu kém về năng lực, phẩm chất, để toàn thể đội ngũ cán bộ ai cũng phải rèn luyện, phấn đấu, không ngừng nâng cao trình độ, năng lực và trau dồi phẩm chất đạo đức”, ông Phạm Quang Nghị nói.
Tới dự phiên khai mạc HĐND thành phố Hà Nội, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân thông tin, Quốc hội đã tổ chức lấy phiếu tín nhiệm đối với những người giữ chức vụ do Quốc hội bầu hoặc phê chuẩn. Việc lấy phiếu tín nhiệm được đồng bào, cử tri cả nước tin tưởng, đồng tình, ủng hộ, khẳng định chủ trương đúng đắn của Đảng và Nhà nước.
Bà Ngân cũng đề nghị Hà Nội tổ chức lấy phiếu tín nhiệm đảm bảo đúng quy trình theo hướng dẫn của Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Đại biểu HĐND thông qua việc đánh giá khách quan, công tâm, đúng thực chất kết quả thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn và phẩm chất chính trị, đạo đức, lối sống của người được lấy phiếu tín nhiệm để giúp người được lấy phiếu tín nhiệm tiếp tục phấn đấu, rèn luyện phẩm chất, năng lực nhằm hoàn thành tốt nhiệm vụ được Đảng, Nhà nước và nhân dân giao phó.
Quang Phong