1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM
  3. Phóng hỏa quán cà phê làm 11 người chết

Bí thư Đà Nẵng kiểm tra “điểm nóng” môi trường

(Dân trí) - Sáng nay 17/5, Bí thư Thành ủy Đà Nẵng Nguyễn Xuân Anh đã tái kiểm tra công tác xử lý môi trường tại khu vực bãi rác Khánh Sơn (quận Liên Chiểu). Cách đây 6 tháng, Bí thư Thành ủy cũng đã kiểm tra "điểm nóng" môi trường này và chỉ đạo xử lý ráo riết.

Xây dựng bãi rác mới

Báo cáo với lãnh đạo thành phố, ông Dương Thành Thị, Phó Bí thư Thường trực quận ủy Liên Chiểu cho biết, sau khi có chỉ đạo của Bí thư Thành ủy, chính quyền địa phương cũng như các đơn vị quản lý, vận hành bãi rác đã đầu tư hệ thống bể phốt để xử lý chất thải. Việc chôn lấp rác được xử lý bài bản, nâng tần suất phun chế phẩm sinh học lên 4 lần/ngày và phủ bạt HPDE bãi rác với diện tích lên đến 55.440m². Bên cạnh đó, nạo vét và xử lý 3.373m³ bùn kỵ khí; đầu tư xây mới 3 bể phốt xử lý bùn bể phốt có thể tiếp nhận và xử lý 66.000m³/ngày.

Bí thư Thành ủy Đà Nẵng Nguyễn Xuân Anh kiểm tra bãi rác Khánh Sơn
Bí thư Thành ủy Đà Nẵng Nguyễn Xuân Anh kiểm tra bãi rác Khánh Sơn

“Vì vậy, đã nhiều tháng qua, bãi rác Khánh Sơn không còn mùi hôi thối và dân không còn phàn nàn nữa”, ông Thị nói.

Theo Bí thư Thành ủy Nguyễn Xuân Anh, thành phố đầu tư để xử lý rác tại bãi rác Khánh Sơn hiện nay chỉ là việc làm trước mắt nhằm đảm bảo vệ sinh môi trường tại khu vực bãi rác, đảm bảo sức khỏe của người dân.

Còn về lâu dài, hiện nay thành phố đã quy hoạch bãi rác mới tại một khu vực khác rộng 100ha. Thành ủy đã giao cho UBND TP Đà Nẵng chỉ đạo các sở, ban, ngành, địa phương khẩn trương hoàn thành các thủ tục cần thiết trong năm 2016 để năm 2017 bắt đầu kêu gọi đầu tư xây dựng bãi rác mới, đấu thầu các công nghệ tiên tiến nhất.

“Sắp tới sẽ có nhiều nhà máy xử lý rác nữa chứ không chỉ dừng lại 1 nhà máy xử lý rác như hiện nay và trên 90% rác phải được xử lý chứ không chôn lấp như hiện nay”, Bí thư Nguyên Xuân Anh cho biết.

Cũng theo Bí thư Thành ủy Đà Nẵng, trong tương lai, bãi rác Khánh Sơn sẽ đóng cửa và hướng tới đầu tư xây dựng công viên, trồng cây xanh vì bãi rác hiện nay nằm bên tuyến đường du lịch. Đây là một trong những dự án trọng điểm của thành phố. Tuy nhiên để xử lý dứt điểm thì cần phải có thời gian.

Trước đó, vào khoảng tháng 10/2015, người dân sống gần bãi rác Khánh Sơn (phường Hòa Khánh Nam, quận Liên Chiểu) liên tục chặn xe rác của công ty môi trường đô thị để phản đối việc các đơn vị quản lý, vận hành bãi rác gây ô nhiễm môi trường, ảnh hưởng đến sức khoẻ, đời sống người dân.

Ngày 23/102015, chỉ sau vài ngày nhậm chức Bí thư Thành ủy, ông Nguyễn Xuân Anh đã trực tiếp đi kiểm tra tình trạng ô nhiễm môi trường tại bãi rác Khánh Sơn và chỉ đạo xử lý ráo riết tình nhằm cải thiện tình trạng ô nhiễm môi trường ở đây.

Nhà máy nước liên tục bị nhiễm mặn

Cũng trong sáng nay 17/5, Bí thư Thành ủy Nguyễn Xuân Anh đã đi kiểm tra Nhà máy nước Cầu Đỏ (thuộc Công ty TNHH MTV Cấp nước Đà Nẵng - Dawaco).

Ông Nguyễn Trường Ảnh, Giám đốc Dawaco cho biết, theo số liệu thống kê, từ năm 2000 đến năm 2007 (trước khi có thủy điện), trong vòng 7 năm chỉ có 26 ngày nhà máy nước Cầu Đỏ bị nhiễm mặn (trừ năm 2001, sông Vu Gia bị cứt dòng tại Đại Cường). Trung bình mỗi năm có 3,7 ngày bị nhiễm mặn. Nhưng chỉ 7 năm trở lại đây, từ khi có thủy điện hoạt động trên hệ thống sông Vu Gia, có đến 661 ngày bị nhiễm mặn, trung bình mỗi năm có 77,8 ngày bị nhiễm mặn, gấp 21 lần so với điều kiện tự nhiên khi không có thủy điện.

Đặc biệt, từ khi thủy điện Đắk Mi 4 đi vào hoạt động năm 2012, đến nay đã có 588 ngày bị nhiễm mặn. Trung bình mỗi năm có 131 ngày bị nhiễm mặn, gấp 35 lần so với điều kiện tự nhiên trước đây.

Qua đánh giá, từ sau năm 2010, hạ lưu sông Vu Gia luôn thiếu nước trong tất cả các mùa cạn. Đặc biệt, có năm bị thiếu nước, nhiễm mặn ngay cả trong mùa mưa (tháng 11, 12 năm 2012).

Riêng từ đầu năm 2016 đến nay, nhà máy nước Cầu Đỏ có 82 ngày bị nhiễm mặn phải vận hành trạm bơm cấp nước thô từ trạm bơm An Trạch cách nhà máy 8km.

Theo ông Ảnh, nguyên nhân của việc thiếu nước là do các thủy điện ở thượng nguồn hệ thống sông Vu Gia cắt dòng và chuyển về Thu Bồn khiến thiếu hụt nguồn nước ở hạ du Vu Gia dẫn đến mặn xâm nhập sâu vào sông.

Bí thư Thành ủy Nguyễn Xuân Anh kiểm tra Nhà máy nước Cầu Đỏ
Bí thư Thành ủy Nguyễn Xuân Anh kiểm tra Nhà máy nước Cầu Đỏ

Ông Ảnh đề nghị Thành ủy Đà Nẵng chỉ đạo các sở, ban, ngành của TP Đà Nẵng phối hợp với các sở, ban, ngành của tỉnh Quảng nam, Tập đoàn Điện lực Việt Nam, Bộ Công thương để đảm bảo ổn định nguồn nước thô tại đập An Trạch và Nhà máy nước Cầu Đỏ. Về lâu dài, Dawaco đề nghị nghiên cứu phương án xây dựng đập ngăn mặn sau cửa thu của nhà máy nước Cầu Đỏ để hạn chế xâm nhập mặn, tận dụng khai thác nguồn nước của sông Yên và Túy Loan. Đề nghị cho xây dựng Nhà máy nước Hòa Trung có công suất từ 10.000m³ đến 15.000m³ nước/ngày và sớm triển khai nhà máy nước Hòa Liên có công suất từ 120.000 m³/ngày để đảm bảo cấp nước đủ cho toàn thành phố.

Bí thư Thành ủy Đà Nẵng ghi nhận các ý kiến của Dawaco và đề nghị các sở ngành liên quan nghiên cứu kỹ các phương án đầu tư đảm bảo nguồn cấp nước cho TP Đà Nẵng trong tương lai. Tuy nhiên, Bí thư Thành ủy Nguyễn Xuân Anh lưu ý việc nghiên cứu xây đập trên sông vì một bên là sử dụng hiệu quả nguồn nước và một bên là giao thông đường thủy.

Khánh Hồng