Bí mật của những cư dân ở ngôi làng không nhìn thấy rác ngoài đường
(Dân trí) - Được mệnh danh là ngôi làng "không rác", cư dân sống ở đây thích nghi với thói quen phân loại rác rất kỹ càng.
Làng Kamikatsu nằm giữa những cánh đồng lúa và rừng cây xanh tươi ở miền tây Nhật Bản. Ngôi làng nhỏ bé với chỉ khoảng 1700 cư dân.
Những người dân ở đây đã dành 2 thập kỷ để tái chế rác chấm dứt sự phụ thuộc vào các lò đốt rác để giải quyết tình trạng khẩn cấp về vấn đề khí hậu cùng cuộc khủng hoảng rác thải nhựa.
Rác thải sinh hoạt ở làng này được phân thành 45 loại trước khi được chuyển đến trung tâm thu gom.
Tại đây, các tình nguyện viên sẽ bỏ từng loại vào thùng. Những thứ còn sử dụng được sẽ chuyển đến cửa hàng Kuru Kuru. Người dân có thể lấy miễn phí quần áo, đồ sứ, đồ trang trí.
Ngoài ra, còn có một trung tâm đồ thủ công, khi các cư dân mang những bộ kimono cũ đến, người già trong làng sẽ làm ra các sản phẩm từ đồ bỏ đi.
Hồi năm 2000, ngôi làng này buộc phải thay đổi cách quản lý chất thải sau khi luật mới nghiêm ngặt về phát thải dioxin ra môi trường được ban hành dẫn tới phải đóng cửa 2 lò đốt rác nhỏ.
Cộng đồng dân cư bị già hóa không có kinh phí xây các lò đốt rác mới hoặc vận chuyển chất thải đến vùng ngoại ô, nên lựa chọn duy nhất là thải ra ít rác hơn và tái chế càng nhiều thứ càng tốt.
Ba năm sau, ngôi làng này trở thành nơi đầu tiên ở Nhật Bản thông qua tuyên bố không rác thải. Các cư dân của làng đã phải mất một thời gian thích nghi với việc rửa, phân loại, mang rác đến trung tâm phân loại.
Học viện Zero Waste do Akira Sakano đứng đầu đã ra đời tại làng. Ý tưởng đơn giản là rác thải được phân loại và tái sử dụng, tái chế...
Rác thải được chia thành rác thực phẩm, kim loại, giấy, nhựa, chai thủy tinh, khay đựng thực phẩm, đồ dùng, máy móc...
Đi kèm với đó là danh mục phụ như kim loại được phân loại thành nhôm, thép riêng, còn giấy được chia thành giấy báo, bìa cứng, thùng giấy, cốc giấy, giấy vụn…
"Đó là một sự thay đổi thực sự trong lối sống. Nhiều người phản đối hệ thống thu gom kiểu mới, thắc mắc tại sao phải mang rác đến địa điểm quản lý rác thải. Họ cho rằng chính quyền thành phố không làm tròn công việc", Akira Sakano cho hay. Vì vậy, chính quyền địa phương đã tiến hành các buổi đối thoại và giải thích.
Trong khi một số người còn phản đối thì một phần của cộng đồng dân cư hiểu và hợp tác. Giờ đây phân loại rác đã trở thành thói quen hằng ngày của người dân. Cách đây vài năm, có đến 80% lượng rác ở Kamikatsu được tái sử dụng, tiết kiệm 1/3 chi phí dùng cho lò đốt rác.