Bi hài chuyện khấn thuê ở “ngân hàng địa phủ”
Ở đền thờ Bà Chúa Kho (Bắc Ninh) tồn tại hàng chục người làm nghề khấn thuê. Chủ yếu là đàn bà, nhưng cũng có cả vài ba người đàn ông. Khối chuyện bi hài nảy sinh từ chính “đội quân” này.
Khấn như... “tằm ăn rỗi”
Đền Bà Chúa Kho những ngày cuối tháng Giêng âm lịch vẫn đông kín người đi lễ. Sau khi vào đền Trình, chúng tôi hòa vào dòng người lên đền chính Bà Chúa. Rất vất vả để chen bước và tránh những lời chào mời mua gà xôi, lộc oản, vàng hương dọc hai bên lối đi.
Vượt qua cổng tam quan, chúng tôi đứng đợi cánh phụ nữ đi cùng sắp lễ rồi thành kính đứng trước lư hương to giữa sân, chắp tay, nhưng không sao khấn nổi vì xung quanh ào ào tiếng khấn, rất nhanh và rất to.
Quay ra nhìn, thấy 5-6 người phụ nữ một tay cầm đĩa con, tay còn lại cầm 2 đồng tiền âm dương, mồm khấn ào ào như... “tằm ăn rỗi”, to hơn cả tiếng trẻ con học thuộc lòng.
Một chị mặc áo xanh nhàu nhĩ chen vào đứng cạnh: “Chú để chị khấn cho nhé, theo bài bản mới xin được lộc Bà Chúa”. Tôi đành chấp nhận.
Ngay lập tức, chị áo xanh “mở máy phát thanh” một lèo, nhanh và chuyên nghiệp không kém mấy chị kia: “Con Nam mô a di đà Phật! Con Nam mô a di đà Phật! Con lạy chín phương trời, con lạy mười phương đất. Hôm nay là ngày lành tháng tốt, gia chủ con là...”.
Chị liếc tôi, hỏi như quát: “Tên gì?”... Rồi khấn tiếp: “Gia chủ con là... lòng thành vất vả hành hương; cầu bà ban cho lộc rơi lộc vãi, lộc buôn lộc bán, lộc làm lộc ăn; cầu bà cho anh chị con cầu tài đắc tài; cầu lộc đắc lộc; đi tươi về tốt; có hạn được giải...”.
Tôi nghe bùng nhùng hết hai lỗ tai. Chưa đầy 2 phút chị đã khấn xong bài khấn mà nếu người thường chắc phải nhẩm nửa ngày mới thuộc rồi chị kéo tôi qua ban Tứ Phủ Công Đồng. Chị giục: “đặt tiền lễ đi em”, rồi lại mở máy bài cũ “Con Nam mô a di đà Phật...”.
Đến đây thì tôi đã thuộc sơ sơ bài khấn vì nghe loáng thoáng mấy người khấn thuê xung quanh cũng vậy, cùng là một bài, chắc truyền miệng nhau. Đúng lúc đó, lại thấy một chị khác chui vào, nhìn tôi nói: “Tôi khấn giúp chú nhá...!”.
Ngay lập tức, chị áo xanh đứng bên phải nhoài hẳn người ra cho kẻ “cạnh tranh không lành mạnh” nhìn thấy, gân ở cổ chị nổi lên còn to hơn lúc khấn: “Cái bà này, tôi đang khấn cho chú í. Mời mời cái gì?”. Chị bên trái mới đến, thấy thế nguýt dài một cái rồi lủi mất.
Lơ ngơ mất cả tiền trăm!
Vẫn còn mấy ban nữa, chị áo xanh kéo tôi vào cung Bà Chúa. Cửa đang đóng, chỉ có thể đứng ngoài vái vọng vào. Rất nhanh nhẹn, chị híc rất mạnh để dãn mọi người ra, lấy một chỗ sát cánh cửa gỗ rồi ẩn dúi tôi vào. Chị lại giục: “Chú thả tiền qua song cửa đi”, rồi lại khấn...
Cuối bài khấn, chị cầm hai đồng tiền âm dương gieo quẻ. Vừa tung lên chưa kịp rơi trúng đĩa thì có người chen ra, va phải chị, làm một đồng tiền lăn xuống đất.
“Mắt mũi để trên trán hả, rơi bố nó mất đồng xu của người ta rồi” - gân cổ chị lại nổi, chẳng cần biết cái người vừa va vào chị là ai.
Lại vẫn rất chuyên nghiệp, chị móc túi lấy một đồng xu khác (lúc ấy thì có tài thánh cũng không tìm được đồng xu bị rơi giữa rừng chân người) gieo quẻ lại. Lần tung thứ nhất chưa được, chị đọc “chúa cười là tươi là tốt…” rồi lại gieo lại cho kỳ được thì thôi.
Chúng tôi sang nốt ban Sơn Trang, rồi sang ban Cô, ban Cậu. Đến ban Sơn Trang tôi đi trước, chị theo sau. Đến nơi thấy hai người đàn ông đứng trước hòm công đức, tôi lấy tiền định nhét vào liền bị một ông đón lấy: “Để anh khấn cho!”. Vừa hay, chị áo xanh sấn tới: “Không khiến, tôi khấn gần xong cho chú í rồi, cứ đứng một chỗ mà đòi ăn sẵn!”. Ông kia cũng chẳng buồn đáp trả, vẫn đứng tại chỗ ngáp ruồi. Chị áo xanh lại “mở máy”.
Sau 20 phút, chị dẫn tôi đi xong các nơi. Giờ đến khâu quan trọng là trả tiền khấn thuê; chị nhẩm tính: “Của chú đi 4 ban, vị chi là bốn chục!”. Tôi đưa tờ 50 nghìn đồng chờ chị trả lại, chị nhét tất vào túi, rồi nói: “Thôi năm mới, gọi là lộc rơi lộc vãi. Mừng tuổi chị chục bạc nhé!”.
Mỏi nhừ người vì phải chen lấn, tôi ngồi xuống ghế đá ở ngoài sân sắp lễ, bên cạnh là một chị bán sách tử vi. Thấy tôi nói chuyện mấy người khấn thuê, chị bảo: “Đội ấy toàn người quanh đây thôi, chú chỉ mất có năm chục chứ nhiều ông bà ở xa về, lơ ngơ không biết bị chém cả trăm nghìn”.
Chị nói thêm, khối khách khờ quá, còn bị họ dắt mũi đi mua thêm đồ “cho đúng thủ tục” mất cả bạc triệu.
“Tôi là tôi không có làm ăn thất đức kiểu buôn nước bọt ấy được, dù bán sách chỉ lãi có vài nghìn đồng/cuốn tôi cũng cam; mình mà lấy của Bà Chúa, sau này con cháu mình lại phải còng lưng mà trả nợ...” - chị bán sách nói.
Hỏi ra mới biết, bán sách là nghề phụ, nghề chính của chị là quét rác bên ngoài bãi gửi xe ô tô đền bà Chúa.
Theo Vietnamnet