1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM
  3. Phóng hỏa quán cà phê làm 11 người chết

Ninh Bình:

Bệnh viện 2.700 tỷ vi phạm môi trường: UBND tỉnh phạt "con đẻ"

(Dân trí) - Chủ đầu tư dự án bệnh viện Sản Nhi Ninh Bình vừa bị UBND tỉnh này phạt 400 triệu đồng vì thiếu báo cáo đánh giá tác động môi trường khi xây dựng. Điều đặc biệt, việc UBND tỉnh Ninh Bình quyết định phạt chính “con đẻ” của mình khiến đơn vị này đang loay hoay tìm nguồn nộp phạt.

Như Dân trí đã đưa tin, ông Nguyễn Ngọc Thạch – Phó Chủ tịch UBND tỉnh Ninh Bình vừa ra quyết định xử phạt Ban quản lý (BQL) Dự án đầu tư xây dựng công trình Dân dụng và Công nghiệp tỉnh Ninh Bình số tiền 400 triệu đồng. Đơn vị nhận phạt là chủ đầu tư dự án Bệnh viện Sản Nhi Ninh Bình không có báo cáo đánh giá tác động môi trường (ĐTM).

Quyết định xử phạt nêu rõ, dự án Bệnh viện Sản Nhi Ninh Bình đã vi phạm quy định tại Điểm d, Khoản 5, Điều 11, Nghị định số 155/2016/NĐ-CP ngày 18/11/2016 của Chính phủ. Đồng thời, đình chỉ hoạt động xây dựng đối với dự án điều chỉnh, bổ sung đầu tư xây dựng Bệnh viện Sản Nhi tỉnh Ninh Bình để khắc phục các lỗi vi phạm.

Quyết định xử phạt được ký từ cuối tháng 6/2017, tuy nhiên đến nay đơn vị bị xử phạt là BQL Dự án đầu tư xây dựng công trình Dân dụng và Công nghiệp tỉnh Ninh Bình vẫn đang loay hoay tìm nguồn vốn để nộp phạt.

Chủ đầu tư dự án bệnh viện sản Nhi Ninh Bình bị phạt 400 triệu vì thiếu báo cáo đánh giá tác động môi trường.
Chủ đầu tư dự án bệnh viện sản Nhi Ninh Bình bị phạt 400 triệu vì thiếu báo cáo đánh giá tác động môi trường.

Trao đổi với PV Dân trí, một lãnh đạo BQL Dự án đầu tư xây dựng công trình Dân dụng và Công nghiệp tỉnh Ninh Bình thừa nhận việc không biết lấy đâu ra 400 triệu để nộp phạt theo quyết định của UBND tỉnh Ninh Bình. Vị này cho biết thêm, Ban do UBND tỉnh thành lập và trực thuộc UBND tỉnh.

Việc UBND tỉnh Ninh Bình xử phạt “con đẻ” số tiền 400 triệu đồng khiến đơn vị này đang không biết lấy tiền đâu nộp vào kho bạc, loay hoay tìm nguồn nộp. Nhiều phương án cũng được lãnh đạo Ban này tính toán tuy nhiên đều không phù hợp.

“Việc lấy tiền ngân sách để nộp phạt thì không thể được, lấy tiền lương của anh em trong Ban để nộp phạt lại càng không được. Cán bộ, nhân viên trong ban số ít là công chức, còn lại là hợp đồng nên đồng lương cũng rất thấp. Những năm gần đây các dự án gặp khó khăn nên đời sống của anh em cũng chịu tác động chung. Vì thế không thể lấy lương của anh em trong Ban nộp xử phạt được. Việc lấy tiền đâu để nộp phạt là rất khó cho anh em chúng tôi trong thời điểm này”, một lãnh đạo BQL Dự án đầu tư xây dựng công trình Dân dụng và Công nghiệp tỉnh Ninh Bình nói.

Được biết, trực tiếp Chủ tịch UBND tỉnh Ninh Bình ông Đinh Văn Điến cũng đã tổ chức cuộc họp bàn cách giải quyết việc lấy tiền đâu để nộp phạt sau quyết định xử phạt 400 triệu đồng đối với “con đẻ” của mình. Tuy nhiên, cũng chưa tìm được giải pháp và cách xử lý hợp lý.

Bị UBND tỉnh phạt, con để là BQL Dự án đầu tư xây dựng công trình Dân dụng và Công nghiệp tỉnh Ninh Bình đang loay hoay tìm nguồn nộp phạt.
Bị UBND tỉnh phạt, "con để" là BQL Dự án đầu tư xây dựng công trình Dân dụng và Công nghiệp tỉnh Ninh Bình đang loay hoay tìm nguồn nộp phạt.

“Chưa nộp phạt, chưa hoàn thành nghĩa vụ với nhà nước nên đến nay chúng vẫn chưa thể hoàn thiện hồ sơ để trình Bộ Tài nguyên và Môi trường xem xét thẩm định báo cáo đánh giá tác động môi trường cho dự án bệnh viện Sản Nhi Ninh Bình. Dự án vẫn đang dừng thi công chờ ĐTM và chờ nguồn vốn”, vị lãnh đạo BQL cho biết thêm.

Theo Luật sư Nguyễn Danh Huế, Đoàn Luật sư thành phố Hà Nội, BQL Dự án đầu tư xây dựng công trình Dân dụng và Công nghiệp tỉnh Ninh Bình là chủ đầu tư đương nhiên về nguyên tắc phải nộp phạt theo quyết định xử phạt hành chính của UBND tỉnh Ninh Bình. Nếu không có nguồn tiền để nộp phạt thì UBND tỉnh Ninh Bình phải có trách nhiệm “xử lý” vì là đơn vị chủ quản của Ban này.

“Sau khi UBND tỉnh Ninh Bình thực hiện việc nộp phạt thì áp dụng theo Luật Trách nhiệm bồi thường của Nhà nước năm 2009 (luật Trách nhiệm bồi thường của Nhà nước năm 2017 chưa có hiệu lực) để xác định lỗi, trách nhiệm của người thi hành công vụ, gây ra hậu quả. Từ đó xác định trách nhiệm bồi thường, hoàn trả tiền cho Nhà nước”, Luật sư Huế nói.

Cũng theo luật sư Huế, ngoài ra còn phải xem xét đến việc truy cứu trách nhiệm hình sự vì nếu BQL Dự án đầu tư xây dựng công trình Dân dụng và Công nghiệp tỉnh Ninh Bình không được Bộ Tài nguyên và Môi trường phê duyệt hồ sơ ĐTM, thì dự án sẽ tiếp tục “đắp chiếu”, gây lãng phí lớn tiền của Nhà nước và mất niềm tin của người dân.

Dự án bệnh viện Sản Nhi Ninh Bình được đầu tư nguồn vốn là 2.700 tỷ đồng hiện đang đắp chiếu vì thiếu ĐTM và đói vốn.
Dự án bệnh viện Sản Nhi Ninh Bình được đầu tư nguồn vốn là 2.700 tỷ đồng hiện đang "đắp chiếu" vì thiếu ĐTM và "đói" vốn.

Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng Công trình dân dụng và Công nghiệp tỉnh được thành lập theo Quyết định 356/QĐ-UBND ngày 27/2/2017 của UBND tỉnh Ninh Bình do ông Đinh Văn Điến – Chủ tịch UBND tỉnh ký, trên cơ sở kiện toàn, đổi tên và ban hành lại chức năng, nhiệm vụ của Ban Quản lý Dự án các công trình trọng điểm tỉnh Ninh Bình.

Ban có chức năng giúp UBND tỉnh Ninh Bình thực hiện chức năng của chủ đầu tư và trực tiếp tổ chức quản lý thực hiện các dự án thuộc các lĩnh vực xây dựng dân dụng, công nghiệp, hạ tầng đô thị và một số dự án khác do UBND tỉnh quyết định đầu tư; chịu trách nhiệm trước pháp luật và tổ chức, cá nhân quyết định đầu tư về các hoạt động của mình; quản lý vận hành, khai thác sử dụng công trình hoàn thành khi được người quyết định đầu tư giao.

Thái Bá