1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM
  3. Phóng hỏa quán cà phê làm 11 người chết

Bệnh nhân cúm A/H1N1 tử vong do nhập viện muộn

(Dân trí) - Theo Thứ trưởng Bộ Y tế Trịnh Quân Huấn, trường hợp tử vong tại Khánh Hòa có khả năng rất lớn là do tới bệnh viện khi tình trạng bệnh đã quá nặng và cơ thể người bệnh không đáp ứng tốt với thuốc điều trị.

Tamiflu hiệu quả nhất trong 24h đầu

Bệnh nhân cúm A/H1N1 tử vong do nhập viện muộn - 1
Thứ trưởng Bộ Y tế khẳng định: Tamiflu vẫn là thuốc đặc trị hiệu quả đối với cúm A/H1N1
 
Về ca tử vong tại Khánh Hoà do nhiễm cúm A/H1N1, ông Huấn cho biết, khả năng rất lớn là bệnh nhân này tới viện khi tình trạng bệnh đã quá nặng. Bệnh khởi phát từ ngày 25/7, đến ngày 29/7, khi vào Viện Quân y 87 khám, bệnh nhân đã có dấu hiệu khó thở. Chụp X-quang tim phổi thấy dấu hiệu viêm phổi nhưng bệnh nhân không vào viện điều trị. Ngày 30 trở lại Viện Quân y 87, bệnh nhân đã có biểu hiện khó thở. Dù chưa có kết quả xét nghiệm cúm A/H1N1 nhưng nghi ngờ nên Viện cũng đã cho điều trị ngay bằng Tamiflu và kháng sinh hỗ trợ nhưng do đáp ứng không tốt nên đã tử vong.

Theo ông Huấn, điều trị cúm A/H1N1 bằng Tamiflu hiệu quả nhất là trong 24h đầu. Càng điều trị muộn, nguy cơ tử vong càng cao. Vì thế, trong hơn 1.000 ca bệnh ở Việt Nam, ngoài ca đã tử vong, chưa có ca nào nặng đến mức thở máy, nhưng việc phát hiện sớm có ý nghĩa rất quan trọng, vì thế cả người dân và cán bộ y tế không được chủ quan trước dịch bệnh.

"Cúm A/H1N1 chưa lan rộng ra cộng đồng", là lời khẳng định của ông Trịnh Quân Huấn, Thứ trưởng Bộ Y tế, tại cuộc họp ban chỉ đạo quốc gia phòng chống cúm chiều 5/8.
 
Theo đó, Việt Nam mới có 25 tỉnh thành ghi nhận bệnh nhân cúm A/H1N1, trong đó chỉ có 4 tỉnh phát hiện chùm ca bệnh. “Vì thế, trong thời điểm này, việc phát hiện sớm, giám sát trọng điểm để dịch không tiếp tục lan rộng là rất quan trọng”, ông Huấn nói.
Trên thế giới, đã xuất hiện 6 ca kháng Tamiflu (cả cúm mùa và cúm A/H1N1). Điều này cho thấy, tần suất sử dụng Tamiflu càng nhiều thì nguy cơ kháng thuốc càng tăng lên. Hiện nay, Hà Nội, TPHCM có nhiều ca điều trị dài ngày mà xét nghiệm vẫn dương tính. Hay như tại Tây Nguyên ,có một trường hợp 3 lần xét nghiệm vẫn dương tính, phải tìm hiểu xác định có gen kháng thuốc hay không, kháng ở mức độ nào.

Liên quan đến vi rút cúm, ông Nguyễn Trần Hiển, Viện trưởng Viện Vệ sinh dịch tễ TƯ, cho biết: Viện thường xuyên tiến hành phân lập vi rút cúm, cho thấy chủng vi rút cúm A/H1N1 chưa có sự thay đổi về kháng nguyên, chưa kháng thuốc. Trước đây 3 ngày, Tổ chức Y tế thế giới (WHO) cũng thông báo, các chủng vi rút trên toàn cầu đều giống nhau về kháng nguyên và di truyền học.

Thiếu sinh phẩm xét nghiệm khẳng định cúm A/H1N1

Tại cuộc họp, PGS Hiển cho biết, trong tình hình dịch cúm A/H1N1 tiếp tục tăng nhanh ở Việt Nam thì điều đáng lo ngại, đó là ở các viện, từ Vệ sinh dịch tễ TƯ, Paster Nha Trang, TPHCM đến các bệnh viện lớn trên toàn quốc đều đã gần hết sinh phẩm cho xét nghiệm PCR. Khi đó, việc khẳng định chắc chắn bệnh nhân nhiễm cúm A/H1N1 sẽ rất khó khăn.

TS Nguyễn Văn Kính, Viện trưởng Viện Các bệnh Truyền nhiễm và Nhiệt đới cho biết, tại Viện cũng đang gần hết sinh phẩm cho xét nghiệm PCR. Trong khi đó, số bệnh nhân đổ tới viện khám vì cúm ngày một đông. Mỗi ngày có tới 300-350 người đến khám, gây ra tình trạng quá tải. Với 2 máy PCR ở viện, không đủ sức làm 300 mẫu/ngày. Chi phí cho xét nghiệm tốn kém, khoảng hơn 3 triệu đồng. Vì thế, TS Kính khuyến cáo bệnh nhân chỉ nên xét nghiệm khi có chỉ định của bác sĩ, không nên “đòi” xét nghiệm dịch vụ để vừa đỡ tốn kém, vừa giảm gánh nặng cho ngành y tế.

Về vấn đề này, ông Hiển cho biết, hiện Viện Vệ sinh dịch tễ cũng nhận được 500 sinh phẩm chẩn đoán nhanh, cho phép test nhanh cúm A trong 15 phút, có hiệu quả tới 98% do WHO hỗ trợ. Viện sẽ phân bổ cho các bệnh viện lớn, để test nhanh, nếu xác định dương tính cúm A mới tiến hành làm PCR để giảm tải.

Trước một số ý kiến cho rằng nên điều trị cúm A/H1N1 tại nhà, ông Kính cho rằng, hiện các ca bệnh ở nước ta, đại bộ phận vẫn là những ca xâm nhập, việc áp dụng điều trị cách ly tại nhà cần xem xét lại. Trong khi các điểm điều trị dã chiến, bệnh viện vệ tinh chưa được thực hiện, nhiều nơi còn chưa đưa bệnh vào. Nếu bệnh nhân ở nhà, chỉ khi triệu chứng nặng thì mới đến viện thì hiệu quả điều trị kém. Vì thế, cần phải có hướng dẫn cụ thể, ví như tại Mỹ, dịch đã lan ồ ạt ra cộng đồng thì việc điều trị tại nhà dưới sự giám sát của y tế rất hiệu quả.
 
Ngày 5/8/2009, Việt Nam đã ghi nhận thêm 9 trường hợp dương tính với cúm A/H1N1 (miền Nam: 3 ca, miền Bắc: 4 ca, miền Trung: 2 ca).
 
Như vậy, tính đến 17h ngày 5/8/2009, Việt Nam đã ghi nhận 1004 trường hợp dương tính, 1 ca tử vong. Số bệnh nhân đã ra viện là 588; 415 trường hợp còn lại hiện đang được cách ly, điều trị tại các bệnh viện, cơ sở điều trị, giám sát cộng đồng trong tình trạng sức khỏe ổn định, không có biến chứng nặng.

Hồng Hải