1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM

Bát nháo, loạn giá gửi xe ngày lễ tại Thủ đô

(Dân trí) - Hàng loạt du khách, người dân khi tham gia vào các hoạt động vui chơi, giải trí tại Thủ đô đã phải “kêu trời” khi những phương tiện ô tô, xe máy của họ đã bị “chặt chém” lên gấp nhiều lần với giá “cắt cổ” trong dịp nghỉ lễ năm nay.

Tự ý thu vượt quy định gấp 2, 3 lần
 
Trong dịp nghỉ lễ quốc khánh năm nay, giá gửi xe tại các điểm vui chơi, giải trí đột nhiên “đội giá bất ngờ” khiến nhiều chủ phương tiện chỉ còn biết kêu trời?! Các nhân viên tại bãi giữ xe luôn miệng thúc giục và quát mắng không quên kèm theo những lời dọa nạt cả khách nếu như ai đó phản ứng việc thu tiền vé không đúng theo quy định, nhiều khách hàng chỉ biết “ngậm bồ hòn làm ngọt” không muốn đôi co thêm.
 
Theo tìm hiểu của PV Dân trí, dịp lễ năm nay tại Khu vực lăng Bác và Quảng trường Ba Đình là điểm thu hút khách tham quan đông nhất. Ngay đầu lối vào khu vực gửi xe, một tấm biển “mời gọi” gửi xe vào thăm quan Quảng trường. Tấm biển gửi xe bằng tôn lớn có hai mặt, một mặt ghi rõ gửi xe máy 2.000đ, xe đạp 1.000đ; mặt kia lại ghi: gửi xe máy 3.000đ, xe đạp 2.000đ.
 
Bát nháo, loạn giá gửi xe ngày lễ tại Thủ đô - 1
Bãi gửi xe đến Quảng trường niêm yết trên vé là 2.000đ nhưng thu khách đến 5.000đ. (Chụp sáng 3/9, ảnh: Anh Thế)
 
Tuy nhiên, khi dắt xe vào ghi vé gửi thì tấm biển hoàn toàn trở nên vô giá trị, nhân viên khu vực gửi xe lại yêu cầu khách trả ngay 5.000đ. Hơn nữa, sau khi ghi vé, các nhân viên đều mặc cả với khách gửi xe chỉ trông đến 12 giờ cùng ngày. Nếu quá giờ sang đầu chiều sẽ tính giá 20.000đ một xe máy.
 
Anh Nguyễn Văn Tiến, ở Linh Đàm, Hà Nội bức xúc: “Họ ghi giá gửi xe ngoài biển để đánh lừa khách. Tôi thắc mắc, họ quát tháo và đẩy tôi ra ngoài kiên quyết không cho gửi nữa”.
 
Dịch vụ gửi xe trên phố Đinh Tiên Hoàng dịp này cũng tha hồ hốt bạc, giá gửi 1 chiếc xe máy bình thường là 5.000đ. Tuy nhiên, người trông xe luôn miệng bảo hết chỗ, nếu muốn gửi thì “bo” thêm tiền sẽ cố gắng sắp xếp.
 
Chị Trần Hà My đã phải móc ví 15.000 đưa cho người trông xe mặc áo có điểm khai thác đỗ xe hẳn hoi để có một chỗ gửi xe để vào Đền Ngọc Sơn. Có người thắc mắc hỏi thì nhận được câu trả lời: “quy định là quy định, không gửi thì đi chỗ khác…”. Nhiều người khác đã phải móc hầu bao đến 15.000đ mới được gửi xe ở phố Đinh Tiên Hoàng.
 
Nằm đối diện Đội an ninh trật tự khu vực bờ hồ Hoàn Kiếm, điểm gửi xe đạp, xe máy tại phố Bảo Khánh ngang nhiên “chặt chém” khách. Một nhân viên tại khu trông xe chạy dài từ đầu đến cuối phố Bảo Khánh cho biết đây là điểm gửi xe mới mở được khoảng 2 tháng dành cho khách tham quan hồ Hoàn Kiếm được UBND phường quản lý.
 
Tuy nhiên, tấm vé xe lại là của quán Café bonbon 50 và giá vé cũng “đội” lên với 5.000đ một chiếc xe máy được trông đến 12 giờ trưa, quá thời gian giá vé tăng lên 15.000đ.

Bát nháo, loạn giá gửi xe ngày lễ tại Thủ đô - 2
Treo biển để công bố thu theo quy định nhưng thực thế thì ngược lại hoàn toàn. (Ảnh chụp tại số 18 đường Phủ Doãn, Hoàn Kiếm, Hà Nội)
 
Mặc dù tấm biển chỉ dẫn gửi xe vào phố Bảo Khánh chỉ ghi trông xe đạp, xe máy thế nhưng hai bên đường phố Bảo Khánh lại la liệt xe ô tô đỗ. Hỏi ra mới biết các nhân viên thản nhiên nhận trông luôn xe ô tô “chớp nhoáng” với giá 20.000 đ một lần vào ra.
 
Không chỉ có ở các điểm tham quan trong nội thành, tại điểm trông xe vào bệnh viện Việt Đức trên đường Phủ Doãn -Hà Nội cũng khiến nhiều người không khỏi sửng sốt. Trong những ngày nghỉ lễ, khi gửi xe, nhân viên trông xe hỏi: “Gửi xe có vào bệnh viện không?”.
 
Nếu khách gửi xe nào thật thà nói không thì mức giá gửi đột xuất tăng lên 10.000 đ. Chia sẻ bất bình với phóng viên, chị Nguyễn Thị Lan nói: “Tôi đến thăm bệnh nhân nhiều lần gặp phải tình trạng này. Gửi xe chẳng đáng bao nhiêu tiền nhưng thấy tức vì có cảm giác bị lừa. Tôi cũng không hiểu tại sao ban quản lý trật tự bệnh viện lại để tình trạng này kéo dài như vậy”.
 
Sở không cho phép và phường rất rõ?
 
Không chỉ có giá gửi xe máy trong ngày lễ mới “đội” lên như vậy mà lái xe ô tô khốn khổ hơn gấp nhiều lần. Hầu hết các điểm gửi xe đều chật cứng và giá tăng thoải mái. Anh Ngô Văn Vinh - lái xe taxi Thành Hưng cho biết: “Bình thường giá gửi cho một lượt vào ra là 10.000 đến 15.000đ nhưng ngày lễ này ít nhất cũng từ 25.000 đến 30.000 mới gửi được xe”.
 

Bát nháo, loạn giá gửi xe ngày lễ tại Thủ đô - 3
Vé xe thì mỗi nơi phát hành 1 kiểu, ai sẽ quản lý và chịu trách nhiệm về vấn đề này?
 
Điểm trông giữ xe ô tô, xe máy ngay sát bờ hồ luôn chật cứng, người trông xe cho biết, giá vé tại đây luôn luôn cao hơn nhiều tuyến phố nhất là các ngày lễ, bởi lẽ giá tiền bỏ ra đấu thầu khu đất này cao hơn các khu đất khác. Cụ thể là một lượt trông xe ô tô 4 tiếng khoảng 40.000 đồng, sẽ tính thêm tiền nếu quá thời gian”.
 
Trao đổi với PV Dân trí vào chiều 3/9, một Lãnh đạo sở Giao thông TP Hà Nội cho biết: “Việc một số khu vực trông xe tự ý tăng giá một cách tùy tiện, sai quy định nhân cơ hội ngày lễ vẫn thường xảy ra. Tuy nhiên, phía Thanh tra giao thông chỉ có thể phối hợp phát hiện thôi chứ xử phạt thì thuộc về sự quản lý của phường và quận. Việc tự ý thu tiền cao hơn quy định thì các phường, quận trên địa bàn đều biết rất rõ. Sở giao thông không hề cho phép tự ý thu tiền phương tiện ô tô, xe máy một cách tùy tiện như thế”.
 
Không biết, đến lúc nào thì hiện tượng lộn xộn, tự ý nâng giá, “chặt chém” người dân gửi xe bằng giá “cắt cổ” để tư lợi của những điểm trông giữ xe nằm trong sự quản lý của phường, quận trên địa bàn TP Hà Nội sẽ kết thúc?
 

Tháng 4 vừa qua, Sở Tài chính Hà Nội đã thống kê có hơn 90% các bãi trông giữ xe đã vi phạm quy định của TP Hà Nội về thu phí và niêm yết giá. Theo đó, Thanh tra liên ngành tiến hành kiểm tra 47 điểm trông giữ xe tại Hà Nội, đã phát hiện 36 điểm vi phạm về niêm yết giá và có tới 39 điểm thu cao hơn mức phí quy định. Cụ thể, các điểm trông giữ xe tại hè phố cao hơn quy định từ 1.000 đến 3.000đ/ lượt… trong đó, có rất nhiều điểm trông giữ xe ô tô vướt quá quy định cho phép từ 10.000 đến trên 20.000 đồng/xe.

 
Quốc Đô - Anh Thế