1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM

Phó Thủ tướng:

Bão số 9 là cơn bão nguy hiểm nhất trong 20 năm trở lại đây vào miền Trung

Khánh Hồng

(Dân trí) - “Đây là cơn bão mạnh và nguy hiểm nhất từ 20 năm trở lại đây tại miền Trung. Chúng ta chủ động thế nào cũng không thể chủ quan. Mục tiêu phải bảo vệ an toàn tính mạng của người dân”.

Đó là nội dung chỉ đạo của Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng tại cuộc họp của Ban chỉ đạo tiền phương để chỉ đạo ứng phó với bão số 9, chiều 27/10, tại Đà Nẵng.

Tại cuộc họp, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng cho biết đây là cơn bão mạnh, nhanh, phạm vi ảnh hưởng rộng, đặc biệt khi vào bờ nước biển dâng, gây ngập. Chúng ta không còn nhiều thời gian để chuẩn bị.

Phó Thủ tướng đánh giá cao sự chủ động của các địa phương khi cả hệ thống chính trị đều vào cuộc lên kế hoạch sơ tán dân, chằng chống nhà cửa, kêu gọi tàu thuyền tránh trú…

Bão số 9 là cơn bão nguy hiểm nhất trong 20 năm trở lại đây vào miền Trung - 1

Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng chủ trì cuộc họp phòng chống bão số 9 

“Tuy nhiên đây là cơn bão mạnh và nguy hiểm nhất từ 20 năm trở lại đây tại miền Trung. Chúng ta chủ động thế nào cũng không thể chủ quan. Mục tiêu phải bảo vệ an toàn tính mạng của người dân”, Phó Thủ tướng nhấn mạnh.

Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng đề nghị các địa phương tiếp tục chủ động với phương châm 4 tại chỗ và có sự hỗ trợ, vào cuộc của các Bộ, ngành, Trung ương. Tiếp tục rà soát các tàu thuyền, đưa ra khỏi nơi nguy hiểm và tránh trú an toàn, tránh trường hợp vào nơi tránh trú rồi vẫn bị chìm hoặc các tàu thuyền va đập nhau mà hỏng.

Sơ tán tất cả những người dân tại các cơ sở sản xuất trên biển, trên đảo, không để người dân ở trên các lồng bè.

Bão số 9 là cơn bão nguy hiểm nhất trong 20 năm trở lại đây vào miền Trung - 2

Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng cho biết đây là cơn bão mạnh nhất trong 20 năm nay tại miền Trung 

Phó Thủ tướng cũng yêu cầu đảm bảo an toàn trên đất liền khi bão vào, trong đó sơ tán dân là số 1. Đảm bảo an toàn cho các công trình, hạ các giàn giáo đang xây dựng, tháo các biển quảng cáo xuống… Cấm người dân ra đường khi bão vào.

Bảo đảm an toàn cho hồ đập, đê điều, đặc biệt là vận hành an toàn hồ chứa. Chủ động ứng phó với mưa lũ sau bão, sạt lở đất ở khu vực miền núi của miền Trung và Tây Nguyên.

“Đề nghị khẩn cấp, tập trung ứng phó giảm thiểu nhiều nhất thiệt hại người và tài sản”, Phó Thủ tướng nói.

Báo cáo tại cuộc họp, ông Hoàng Đức Cường, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Khí tượng thủy văn cho biết, hồi 13h ngày 27/10, vị trí tâm bão số 9 cách bờ biển Quảng Ngãi khoảng 470km; gió cấp 13, 14, giật cấp 17, di chuyển 20-25km/h theo hướng Tây Tây Bắc.

Bão số 9 là cơn bão nguy hiểm nhất trong 20 năm trở lại đây vào miền Trung - 3
Bão số 9 là cơn bão nguy hiểm nhất trong 20 năm trở lại đây vào miền Trung - 4

Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng kiểm tra tàu thuyền neo đậu tránh bão tại Âu thuyền và Cảng cá Thọ Quang

Dự báo, đến 10h ngày 28/10, trên đất liền từ Quảng Nam - Bình Định gió cấp 11, 12, giật cấp 15, sau đó suy yếu thành áp thấp nhiệt đới.

Gió trên đất liền từ Đà Nẵng - Bình Định: cấp 11-12, giật cấp 15; Thừa Thiên Huế, Phú Yên: cấp 8, 9, giật cấp 11; Kon Tum, Gia Lai: cấp 7-8, giật cấp 10; Quảng Bình, Quảng Trị, Bắc Khánh Hòa: cấp 6-7, giật cấp 10.

Từ đêm 27- 29/10, từ Thừa Thiên - Huế đến Phú Yên mưa 200-400mm/đợt; Bắc Tây Nguyên mưa 100-200mm/đợt. Từ 28-31/10, Nam Nghệ An và Hà Tĩnh mưa 500-700mm/đợt, Quảng Bình - Quảng Trị mưa 200-400mm/đợt.

“Đây là cơn bão mạnh nhất, rất nguy hiểm cho Trung Bộ từ 10-20 năm nay”, ông Cường nói.

Ông Trần Quang Hoài, Tổng Cục trưởng Tổng cục Phòng chống thiên tai, Phó trưởng ban, Chánh Văn phòng BCĐ.TW về Phòng chống thiên tai cho biết, kế hoạch sơ tán dân của các địa phương được thực hiện rất quyết liệt. Các tỉnh từ Thừa Thiên - Huế đến Phú Yên dự kiến sơ tán hơn 448.000 người trong khu vực nguy hiểm, thời gian hoàn thành vào 17-19h chiều 27/10.

Trong đó, Quảng Nam: hơn 129.000 người (hiện đã hoàn thành sơ tán gần 43.000 người), Quảng Ngãi: hơn 94.000 người, Bình Định: hơn 96.5000 người, Phú Yên: hơn 27.650 người, Thừa Thiên Huế: hơn 67.800 người, và Đà Nẵng: hơn 32.620 người.

Các tỉnh từ Thừa Thiên - Huế đến Bình Định quyết định cho học sinh nghỉ học từ ngày 27/10.

Hiện tại, một số khu du lịch tập trung đông khách như Nha Trang, tỉnh Khánh Hòa, Quy Nhơn, tỉnh Bình Định.... chính quyền địa phương đã thông tin cho khách du lịch biết thông tin về bão để chủ động phòng tránh.

Về tàu thuyền, ông Hoài cho hay, đến 11h ngày 27/10, đã thông báo, kiểm đếm, hướng dẫn cho 45.000 tàu/229.290 lao động, trong đó, thoát khỏi khu vực nguy hiểm: 4.061 tàu/29.748 lao động, neo đậu tại các bến: 40.800/198.424 lao động.

“Hiện còn trong vùng nguy hiểm gồm 142 tàu/1.118 lao động của Bình Định. Các tàu đều đã nhận được thông tin và đang di chuyển trú tránh”, ông Hoài thông tin thêm.

Đại diện Quân khu 5 cũng cho biết, đã sẵn sàng để huy động tổng số 66.000 lượt người với 1.700 phương tiện gồm tàu to, xuồng máy, máy bay trực thăng, ô tô các loại… tham gia phòng chống bão số 9.

Nếu cần có thể huy động có thể huy động thêm lực lượng của Quân Khu 7, Quân đoàn 3, Quân đoàn 4 và các lực lượng khác…

Sau cuộc họp, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng và đoàn công tác đã đi kiểm tra khu tàu thuyền theo đậu tránh trú bão tại Âu thuyền và Cảng cá Thọ Quang.

Dòng sự kiện: Cơn bão số 9