1. Dòng sự kiện:
  2. Phóng hỏa quán cà phê làm 11 người chết
  3. Sắp xếp bộ máy để tinh, gọn, mạnh

Bão số 8 đang gây mưa lớn ở miền Trung

(Dân trí) - Do ảnh hưởng của bão số 8, nhiều địa phương từ Quảng Trị đến Bình Định đã có mưa vừa, mưa to đến rất to. Trên quần đảo Hoàng Sa đã có gió mạnh cấp 6, giật đến cấp 9.

Theo Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn Trung ương, từ chiều tối nay 27/10, mực nước trên các sông từ Thanh Hóa đến Thừa Thiên Huế sẽ lên cao; mực nước đỉnh lũ có khả năng lên mức báo động 1, báo động 2, có nơi trên báo động 2. Người dân cần đề phòng lũ quét, sạt lở đất có thể xảy ra ở vùng núi, ngập úng ở vùng trũng và đồng bằng ven biển các tỉnh từ Thanh Hóa đến Thừa Thiên Huế. 
Bão số 8 đang gây mưa lớn tại một số địa phương

Bão số 8 đang gây mưa lớn tại một số địa phương
Dự báo đến 7 giờ sáng ngày 28/10, vị trí tâm bão ở vào khoảng 19,0 độ Vĩ Bắc; 106,5 độ Kinh Đông, cách bờ biển các tỉnh Thanh Hóa - Nghệ An khoảng 90 km về phía Đông. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão mạnh cấp 11, cấp 12 (tức là từ 103 đến 133 km một giờ), giật cấp 13, cấp 14.

Trong khoảng 24 đến 36 giờ tiếp theo, bão di theo hướng giữa Tây Bắc và Bắc Tây Bắc, mỗi giờ đi được khoảng 15 km, đi vào đất liền và suy yếu dần thành áp thấp nhiệt đới. Đến 19 giờ ngày 28/10, vị trí tâm áp thấp nhiệt đới ở vào khoảng 20,4 độ Vĩ Bắc; 105,5 độ Kinh Đông, trên khu vực các tỉnh Thanh Hóa và Nam đồng bằng Bắc Bộ. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm áp thấp nhiệt đới mạnh cấp 6, cấp 7 (tức là từ 39 đến 61 km một giờ), giật cấp 8.

Trong khoảng 36 đến 48 giờ tiếp theo, áp thấp nhiệt đới đổi hướng di chuyển theo hướng Bắc Đông Bắc, mỗi giờ đi được khoảng 10 - 15 km, đi sâu vào đất liền và suy yếu dần thành một vùng áp thấp. Đến 7 giờ ngày 29/10, vị trí trung tâm vùng áp thấp ở vào khoảng 21,8 độ Vĩ Bắc; 106,7 độ Kinh Đông, trên khu vực các tỉnh vùng núi Đông Bắc. Sức gió mạnh nhất ở gần trung tâm vùng áp thấp giảm xuống dưới cấp 6 (tức là dưới 39km một giờ). 

Trong khoảng 48 đến 72 giờ tiếp theo, vùng áp thấp di chuyển theo hướng Đông Đông Bắc, suy yếu và tan dần. 

Do ảnh hưởng của bão, vùng biển quần đảo Hoàng Sa ngày hôm nay 27/10 có gió mạnh cấp 9, cấp 10, vùng gần tâm bão đi qua cấp 11, cấp 12, giật cấp 13, cấp 14. Biển động dữ dội, vùng biển ngoài khơi các tỉnh từ Quảng Bình đến Thừa Thiên Huế có gió mạnh cấp 7, cấp 8, sau tăng lên cấp 9, cấp 10, vùng gần tâm bão đi qua cấp 11, cấp 12, giật cấp 13, cấp 14. Biển động dữ dội; khu vực Vịnh Bắc Bộ từ chiều và đêm nay gió sẽ mạnh dần lên cấp 7, cấp 8, sau tăng lên cấp 9, cấp 10, vùng gần tâm bão đi qua cấp 11, cấp 12, giật cấp 13, cấp 14. Biển động dữ dội. 

Vùng ven biển các tỉnh từ Quảng Ninh đến Nghệ An từ sáng sớm mai 28/10 có gió mạnh cấp 6, cấp 7, vùng gần tâm bão đi qua mạnh cấp 8, cấp 9, giật cấp 10, cấp 11. Ở các tỉnh đồng bằng Bắc Bộ từ sáng mai 28/10 có gió giật cấp 6, cấp 7. Khu vực phía đông Bắc Bộ và Bắc Trung Bộ có mưa to đến rất to. Phía Tây Bắc Bộ và các tỉnh từ Quảng Bình đến Thừa Thiên Huế, có mưa vừa, mưa to, có nơi mưa rất to.

Theo chuyên gia, đây là cơn bão mạnh có tốc độ di chuyển nhanh nhất kể từ 10 năm qua. Dự báo bão số 8 có thể gây mưa to đến rất to, lũ lớn, ngập úng tại các tỉnh nam Đồng bằng Bắc Bộ và Bắc Trung Bộ. Bão đổ bộ vào ngày nghỉ cuối tuần, diễn biến của bão rất phức tạp, phạm vi ảnh hưởng rộng.

Trước diễn biến bất thường của bão số 8 mạnh, Thủ tướng Chính phủ cũng đã công điện khẩn gửi các địa phương nằm khu vực ảnh hưởng của bão khẩn trưởng ứng phó tại chỗ nhằm hạn chế thiệt hại do thiên tai; các đơn vị đóng quân trên địa bàn nằm trong khu vực ảnh hưởng của bão, mưa lũ chuẩn bị lực lượng, phương tiện sẵn sàng giúp đỡ, phối hợp với lực lượng của địa phương thực hiện việc sơ tán dân khi có yêu cầu. Thủ tướng yêu cầu các Bộ: Nông Nghiệp, Giao thông, Công an, Quốc Phòng, Trung tâm Dự báo khí tượng và các cơ quan truyền thông phối hợp thực hiện các nhiệm vụ chức năng khẩn trương ứng phó với bão có khả năng gây nhiều thiệt hại trên diện rộng; sẵn sàng ứng phó bảo vệ người dân, đảm bảo giao thông thông suốt trên các trục giao thông chính, chuẩn bị phương tiện, vật tư kịp thời khắc phục sự cố sạt lở khi mưa, lũ.Bảo vệ đê điều, hồ đập thủy lợi…

Quảng Bình: Chỉ đạo sơ tán hàng ngàn hộ dân ở vùng xung yếu
 
Sáng nay 27/10, ông Trần Văn Tuân, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Bình - Trưởng Ban Chỉ huy PCLB - TKCN tỉnh cùng các sở ban ngành đã trực tiếp xuống các địa phương nằm vùng xung yếu, thấp trũng để chỉ đạo các phướng án ứng phó với bão số 8. Sau cuộc họp khẩn tại UBND huyện Quảng Trạch, đoàn đã trực tiếp xuống tại Khu neo đậu tránh trú bão tàu cá Cửa Gianh để chỉ đạo các phương án đối phó với bão. Theo báo cáo nhanh của Giám đốc Ban Quản lý cảng cá Sông Gianh Trần Đăng Thản, hiện tại cảng đã có 350 tàu thuyền vào khu vực neo đậu an toàn, trong đó có 10 tàu thuyền đang neo đậu tại đảo Bạch Long Vĩ (tỉnh Quảng Ninh).
 
Có mặt tại Khu neo đậu tránh trú bão tàu cá Cửa Gianh, ông Trần Văn Tuân, Phó Chủ tịch UBND tỉnh - Trưởng Ban Chỉ huy PCLB - TKCN tỉnh Quảng Bình đã trực tiếp chỉ đạo ngư dân cần đưa các phương tiện vào neo đậu nhằm đảm bảo an toàn cho tàu thuyền; neo đậu phải đúng quy tắc, quy trình, chằng chéo chắc chắn tránh xảy ra hiện tượng va đập, gây thiệt hại cho người dân; đồng thời sắp xếp lại hệ thống tàu thuyền một cách quy củ. Cũng theo ông Tuân, nếu xuất hiện mưa to gây lũ lụt, ngập úng thì các địa phương cần phải khẩn trương triển khai phương án di dời dân đến khu vực an toàn; đồng thời đảm bảo đủ thức ăn, nước uống trong những ngày mưa bão.
Bão số 8 đang gây mưa lớn ở miền Trung
Ông Trần Văn Tuân - Phó Chủ tịch UBND tỉnh - Trưởng Ban  Chỉ huy PCLB - TKCN tỉnh Quảng Bình cùng các sở ban ngành đã trực tiếp chỉ đạo ngư dân cần đưa các phương tiện vào neo đậu nhằm đảm bảo an toàn, tránh để xảy ra những hậu quả đáng tiếc do bão gây ra  
 
Khoảng 10h trưa nay (27/10) ở Cảng Hòn La đã xuất hiện sóng lớn
Khoảng 10h trưa nay (27/10) ở Cảng Hòn La đã xuất hiện sóng lớn
 
Trước diễn biến phức tạp của bão số 8, Thượng tá Đinh Tiến Khâm, Đồn trưởng Đồn Biên phòng Ròon đã chỉ đạo đơn vị phối hợp chặt chẽ với các địa phương ở vùng xung yếu, vùng có nguy cơ ngập lụt, đặc biệt là 3 thôn ở xã Quảng Phú. Theo Thượng tá Khâm, nếu xuất hiện mưa lớn thì có hơn 200 hộ dân ở thôn Phú Xuân, Hải Đông và Yên Hải (xã Quảng Phú) cần phải sơ tán, di dời đến nơi an toàn.
 
Kiểm tra và giằng chéo lại nhà cửa trước khi bão về
Kiểm tra và giằng chéo lại nhà cửa trước khi bão về

Bên cạnh đó, Đồn trưởng Đồn Biên phòng Ròon còn chỉ đạo lực lượng Bộ đội Biên phòng phối hợp chặt chẽ với chính quyền địa phương tập trung kiểm tra hệ thống dây chằng tàu thuyền; đồng thời phối hợp với lực lượng công an kiểm soát tình hình an ninh trật tự tại các cảng cá, khu neo đậu tàu thuyền trên địa bàn, tránh xảy ra tình trạng trộm cắp các phương tiện đánh bắt cá của ngư dân.   

Ngư dân đang hết sức khẩn trương giằng chéo tàu thuyền an toàn...
Ngư dân đang hết sức khẩn trương giằng chéo tàu thuyền an toàn...
 
...Một số thiệt hại ban đầu do mưa và gió lớn ở Quảng Bình.
...Một số thiệt hại ban đầu do mưa và gió lớn ở Quảng Bình.
 ...Một số thiệt hại ban đầu do mưa và gió lớn ở Quảng Bình.

Anh Thế - Đức Tài - Thanh Trầm