1. Dòng sự kiện:
  2. Máy bay quân sự rơi ở Bình Định
  3. Kỳ họp thứ 8 Quốc hội khóa XV

Khẩn trương đối phó cơn bão "di chuyển nhanh nhất trong 10 năm qua"

(Dân trí) - Tính đến chiều 26/10, Nghệ An có 657 phương tiện với gần 4.000 lao động đang hoạt động trên biển. Trong khi đó, Quảng Bình đã kêu gọi được gần 3.500 tàu vào tránh trú bão an toàn. Hà Tĩnh cũng đang khẩn trương đối phó với bão.

Trước diễn biến phức tạp của cơn bão số 8, bão Sơn Tinh, ngay trong ngày 26/10, UBND Quảng Bình đã chỉ đạo Ban Chỉ huy PCLB - TKCN tỉnh các phòng ban liên quan khẩn trương triển khai các phương án nhằm chủ động đối phó với bão.

Theo đó, tính đến 16h chiều, đã có 3.488 tàu và 13.766 ngư dân vào tránh trú bão an toàn ở các khu neo đậu như: Ròon, cảng Gianh, Cảng Nhật Lệ và các khu neo đậu khác của các tỉnh trong vùng. Tuy nhiên, hiện nay, toàn tỉnh vẫn còn gần 500 tàu đang hoạt động trên biển và đang tìm nơi tránh trú bão ở khu vực Vịnh Bắc Bộ. 

Quảng Bình: Gần 3.500 tàu thuyền vào nơi trú ẩn an toàn
Tính đến 16h chiều nay đã có gần 3.500 tàu thuyền của ngư dân Quảng Bình vào nơi tránh trú bão an toàn

Theo dự báo của Trung tâm khí tượng thủy văn, do ảnh hưởng trực tiếp của bão số 8, trong những ngày tới Quảng Bình sẽ  có mưa to đến rất to. Mực nước các sông trong tỉnh có khả năng lên mức báo động III. Hiện toàn tỉnh có khoảng gần 70 xã với 2.000 hộ dân nằm trong vùng bị sạt lở bờ sông nghiêm trọng. Đặc biệt là các xã ven các triền sông Gianh, Sông Son và Sông Lý Hòa…

Với phương châm “4 tại chỗ”, chiều nay, Bộ Chỉ huy BĐBP tỉnh này đã huy động 100 cán bộ chiến sĩ và hàng chục phương tiện cứu hộ cứu nạn để sẵn sàng đối phó với bão số 8; đồng thời chỉ đạo các đơn vị huy động phương tiện, lực l­ượng để ứng cứu kịp thời khi có sự cố do mưa, lũ, bão gây ra…
 
Tại Nghệ An, chiều 26/10, Ban chỉ huy PCLB&TKCN tỉnh, UBND tỉnh Nghệ An và các ban ngành đã có cuộc họp khẩn triển khai công tác nhằm đối phó với cơn bão số 8. Theo báo cáo có 657 phương tiện với 3.984 lao động đang hoạt động trên biển.
 
Cơn bão số 8 có khả năng ảnh hưởng đến khu vực Bắc Trung bộ, trong đó tỉnh Nghệ An được dự báo là vùng tâm bão. Do ảnh hưởng của bão, từ chiều ngày 27/10, khu vực Bắc Trung bộ sẽ có mưa vừa và mưa to đến rất to, khoảng 200-300mm. Đến ngày 28/10, bão có thể ảnh hưởng trực tiếp đến địa phận của tỉnh Nghệ An.

Để chủ động đối phó với cơn bão số 8, chiều ngày 26/10, UBND tỉnh Nghệ An và BCH PCLB & TKCN tỉnh yêu cầu các cơ quan, đơn vị, địa phương cần thực hiện ngay các biện pháp nhằm ứng phó với cơn bão.

Theo đó, các đơn vị, địa phương cần triển khai các phương án bảo đảm an toàn các công trình đê điều, hồ đập; khẩn trương kêu gọi tàu thuyền đang ở ngoài khơi vào nơi trú đậu an toàn. Cùng đó, các địa phương cần hướng dẫn người dân chằng chống nhà cửa, có phương án sơ tán và bảo vệ an toàn cho người và tài sản.

Kiểm tra và bổ sung dự phòng lương thực, thuốc men, thuốc xử lý nước sinh hoạt ở vùng có thể bị chia cắt bởi bão, lũ. Duy trì lực lượng, phương tiện cứu hộ, cứu nạn để sẵn sàng ứng cứu khi có tình huống xảy ra. Đồng thời, vận động nhân dân thu hoạch kịp thời các trà lúa và hoa màu vụ mùa. Đối với diện tích nuôi tôm đạt kích cỡ thương phẩm cần thu hoạch khẩn trương tránh thiệt hại.

Theo báo cáo, các hồ do doanh nghiệp quản lý hiện nay có 50 hồ, trong đó 32 hồ đầy nước, 10 hồ có dung tích đạt trên 70% và 8 hồ có dung tích từ 50 - 70%. Các hồ chứa bị hư hỏng do ảnh hưởng của đợt mưa lũ đầu tháng 9 như hồ Tây Nguyên, xã Quỳnh Thắng, huyện Quỳnh Lưu đã đắp lại hoàn chỉnh, đảm bảo tích nước.

Theo báo cáo của Bộ chỉ huy Bộ đội biên phòng tỉnh, tính đến 16 giờ 30 phút ngày 26/10, có 657 phương tiện với gần 4.000 lao động đang hoạt động trên biển.

Tổng diện tích lúa mùa chưa gặt là 15.000ha, tập trung chủ yếu ở vùng trung du và miền núi; Ngoài ra còn hàng chục nghìn ha hoa màu chưa thu hoạch, có nguy cơ bị bão đe dọa.

Tại cuộc họp khẩn, ông Hồ Đức Phớc, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Nghệ An đề nghị các thành viên trong BCHPCLB&TKCN trực tiếp đi kiểm tra, đôn đốc, chỉ đạo công tác triển khai ứng phó với cơn bão số 8 tại các địa phương.

Đồng thời, Chủ tịch tỉnh lưu ý, cần chủ động tổ chức chống nhà cửa và đảm bảo an toàn về hệ thống điện, kênh mương, di dân các vùng ven biển, ven sông, vùng có nguy cơ lũ quét, lũ ống, đảm bảo tuyệt đối an toàn tính mạng và tài sản cho nhân dân. Theo dõi sát tình hình, nắm bắt diễn biến của cơn bão số 8, giao cho các địa phương trực 24/24 giờ tại các vị trí xung yếu.

Đối với những diện tích hoa màu có thể thu hoạch được thì vận động người dân tiến hành thu hoạch ngay; cấm các tàu ra khơi một cách triệt để; chuẩn bị thuốc men, lương thực đầy đủ để tránh tình trạng người dân đói khát do mưa lũ… nhằm hạn chế đến mức thấp nhất thiệt hại do cơn bão số 8 gây ra.
 
Nỗi lo về hậu quả khôn lường của cơn bão số 8 đối với Hà Tĩnh nói riêng và các tỉnh dự đoán cơn bão này đi qua nói chung được Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Trưởng Ban chỉ đạo phòng chống lụt bão Trung ương Cao Đức Phát nêu ra trong cuộc họp nhanh với lãnh đạo tỉnh ủy, UBND tỉnh Hà Tĩnh về công tác chuẩn bị đối phó với cơn bão này vào chiều tối 26/10. Theo Bộ trưởng Cao Đức Phát, đây là cơn bão di chuyển nhanh nhất trong 10 năm gần đây và mạnh nhất trong năm nay, nên nếu không chuẩn bị nhanh các phương án tối ưu hậu quả mà cơn bão gây ra sẽ rất nặng nề.
 
Tâm bão số 8 dự đoán sẽ đổ bộ vào bắc Quảng Bình và nam Hà Tĩnh
Tâm bão số 8 dự đoán sẽ đổ bộ vào bắc Quảng Bình và nam Hà Tĩnh
 
Báo cao nhanh của tỉnh Hà Tĩnh, tỉnh này đang chạy đua với thời gian, hoàn tất tất cả các khâu trước khi bão số 8 đổ bộ vào. Đến 15h ngày 26/10 đã có hơn 3.800 tàu cá nhận được liên lạc và vào bờ  neo đậu và chằng chống đảm bảo an toàn.

Tại các địa phương ven biển: Kỳ Anh, Cẩm Xuyên, Thạch Hà, Lộc Hà, Nghi Xuân chính quyền đang khẩn trương rà soát công tác chuẩn bị theo phương châm 4 tại chỗ nhằm chủ động sơ tán dân cư ven biển.

Tỉnh Hà Tĩnh cũng đã yêu cầu các địa phương, đơn vị phải túc trực, đảm bảo an toàn đê điều, hồ đập nhỏ và các tuyến công trình đang dở dang; đặc biệt bảo đảm an toàn cho các hồ đập xung yếu, công trình thủy điện Hố Hô, Hương Sơn, hồ chứa lớn như Kẻ Gỗ, sông Rác, các KKT Vũng Áng, Cầu Treo…
 
Ngư dân Thạch Kim chằng néo tàu thuyền đối phó bão số 8
Ngư dân Thạch Kim chằng néo tàu thuyền đối phó bão số 8

Bộ trưởng Cao Đức Phát ghi nhận, đánh giá cao công tác chủ động triển khai các phương án ứng phó với bão của các cấp, ngành, đơn vị của tỉnh Hà Tĩnh, đồng thời nhấn mạnh, diễn biến của bão số 8 hết sức phức tạp nên tỉnh cần theo dõi, bám sát thông tin; chủ động và có phương án sơ tán cụ thể nhằm đảm bảo an toàn tối đa tính mạng cho người dân. Cũng theo Bộ trưởng Cao Đức Phát, Ủy ban Quốc gia tìm kiếm cứu nạn đã chuẩn bị các phương án đối phó với bão, mưa lũ, sẵn sàng hỗ trợ Hà Tĩnh cũng như các địa phương ứng phó khi có sự cố.

Ngay trong cuộc họp nhanh nói trên, tối qua, các cán bộ đứng đàu tỉnh, sở, ngành phụ trách, theo dõi địa bàn đã dẫn đầu các đoàn công tác về các địa phương để chỉ đạo công tác đối phó với bão số 8.

Đức Tài - Nguyễn Duy - Văn Dũng

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm