1. Dòng sự kiện:
  2. Nổ xưởng gỗ ở Đồng Nai
  3. 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ

Bão cấp 10, 11 “xoáy” vào Nghệ An và Hà Tĩnh

(Dân trí) - Chiều tối nay, tâm bão số 5 sẽ đi vào đất liền, trên địa phận Nghệ An và Hà Tĩnh. Với hướng di chuyển ngang như hiện nay, khi cập bờ, bão vẫn giữ cường độ mạnh cấp 10, cấp 11. Chậm nhất 12 giờ trưa nay, gần 300 nghìn dân phải được di dời khẩn cấp.

Theo Giám đốc Trung tâm Dự báo Khí tượng Thuỷ văn Trung ương Bùi Minh Tăng, nếu như trước 10 giờ sáng 2/10, hướng di chuyển của bão là Tây Bắc thì từ đến đầu giờ chiều, bão lại chuyển hướng Tây Tây Bắc, với tốc độ di chuyển nhanh hơn.

“Đến chiều tối 3, rạng sáng 4/10, tâm bão sẽ đi vào đất liền, trên địa phận hai tỉnh Nghệ An và Hà Tĩnh. Đến trưa 4, bão số 5 sẽ đi sang Lào và suy yếu thành áp thấp nhiệt đới” - ông Bùi Minh Tăng cho biết. 

Theo Ban chỉ đạo PCLB Trung ương, tổng số dân phải di dời trước khi bão số 5 đổ bộ là 293.660 người.

 

Trong đó, Quảng Bình dự kiến sơ tán 10.593 người; Hà Tĩnh: 24.561 người, Nghệ An: 163.058 người và Thanh Hoá 95.448 người.

Cũng theo ông Tăng, vùng bán kính gió mạnh nhất (cấp 10), tính từ tâm bão khoảng 70-80km, nên khi bão cập bờ rất nguy hiểm cho các khu vực xung quanh. Các tỉnh ven biển từ Đà Nẵng đến Thái Bình sẽ chịu ảnh hưởng trực tiếp của bão số 5. Tại Hải Phòng, Quảng Ninh có thể cảm nhận được gió mạnh cấp 6.  

Mặc dù trọng tâm bão đổ bộ là Nghệ An và Hà Tĩnh, nhưng ông Tăng vẫn đặt ra giả thuyết thứ hai, bão vẫn còn khả năng vào Thanh Hoá đến bắc Quảng Bình.  

Do ảnh hưởng của bão, đêm qua ở các tỉnh từ dọc miền Trung đã có mưa to đến rất to, khiến lũ các sông đang lên nhanh. Lượng mưa đo được phổ biến từ 100 - 150mm; một số nơi mưa lớn trên 200mm như Lệ Thủy (Quảng Bình): 227mm, Nam Đông (Thừa Thiên Huế): 285mm, Đà Nẵng: 225mm…

Nghệ An: Không để xảy ra vụ Chôm Lôm thứ 2!

“Chậm nhất 12 giờ trưa 3/10, di dời hàng ngàn hộ dân ra khỏi vùng nguy hiểm” - đó là “mệnh lệnh” mà Ban PCLB tỉnh Nghệ An đưa ra tại cuộc họp bàn biện pháp đối phó với cơn bão số 5 chiều nay. Bên cạnh việc di dân, thì để tránh trường hợp học sinh thiệt mạng, Ban chỉ đạo cũng yêu cầu Sở GD-ĐT tỉnh này cho học sinh cấp I, II nghỉ học trong ngày 3 và 4/10. 

Bão cấp 10, 11 “xoáy” vào Nghệ An và Hà Tĩnh - 1

16 giờ chiều nay, hàng trăm tàu thuyền ở Cửa Lò đã vào nơi trú ẩn.

Bão cấp 10, 11 “xoáy” vào Nghệ An và Hà Tĩnh - 2

Công nhân cảng cá Cửa Hội thực hiện công đoạn cuối đối phó với bão.

Tại cuộc họp, ông Nguyễn Thế Trung - Bí thư tỉnh uỷ Nghệ An chỉ đạo: “Mấy năm nay bão về Nghệ An không mạnh nên đề phòng sự chủ quan chúng ta phải tính đến mọi phương án. Rút kinh nghiệm những năm trước, bão về học sinh đi học thiệt mạng rất nhiều. Để không xảy ra vụ Chôm Lôm thứ 2 thì Sở GD-ĐT cần phải thông báo và cho học  sinh nghỉ học ngày 3 và 4/10. Đồng thời trong 2 ngày này tất cả các cuộc họp ở các Sở, Ban ngành cũng tạm hoãn…”. 

Bên cạnh đó, ngay sau cuộc họp, Ban PCLB Nghệ An cũng đã phân trách nhiệm từng lãnh đạo phối hợp với các huyện, thị để có phương án cụ thể di dời dân ra khỏi vùng nguy hiểm: Đó là vùng ven biển; đồng bào dọc đê điều, kè cống, cửa lạch và dọc sông như sông Lam, sông Hiếu, dọc khe suối, miền núi, bến đò… Chậm nhất là 12 giờ trưa ngày mai 3/10, phải hoàn thành việc di dời dân.

Hà Tĩnh sẵn sàng đối phó với bão

 

Bão cấp 10, 11 “xoáy” vào Nghệ An và Hà Tĩnh - 3

Thứ trưởng Đào Xuân Học nhấn mạnh: "Bằng mọi cách phải liên lạc được với số tàu còn lại và sơ tán dân vào nơi an toàn trước khi bão đổ bộ."

Thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Hà Tĩnh phải di dời 24.561 người dân sống ở ven biển trước 19 giờ tối 2/10.

 

Ngay tại cuộc họp khẩn, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Đào Xuân Học đã yêu cầu tỉnh Hà Tĩnh phải khẩn trương di dời toàn bộ cư dân sống vùng ven biển lên các nơi ở an toàn, đồng thời chuẩn bị lương thực, thuốc men đầy đủ cho người dân đi lánh bão.

 

Dự kiến khoảng chiều mai, tỉnh Hà Tĩnh mới di dời hết toàn bộ ngư dân nói trên.

 

Tính đến thời điểm này, Hà Tĩnh đã có gần hết tàu, thuyền  về nơi trú ẩn an toàn. 270 hộ dân tại xã đảo Hồng Lam (Nghi Xuân), nơi được nhận định bão sẽ tàn phá nghiêm trọng cũng đã được sơ tán vào sâu trong đất liền an toàn ngay trong ngày hôm qua.

 

Đê Hội Thống xung yếu dài 15km cũng đã được gia cố cẩn thận và thường xuyên có lực lượng biên phòng phối hợp với công an túc trực 24/24 giờ để đề phòng xảy ra sự cố sạt lở...

 

Tuy nhiên hiện nay vẫn còn 20 tàu thuyền va 112 ngư dân của huyện Lộc Hà chưa nhập lạch, đặc biệt trong số đó có 7 tàu và 40 ngư dân của xã Thạch Kim hiện vẫn chưa liên lạc được.

 

Bão chưa vào nhưng đã có thiệt hại

Theo báo cáo của Bộ đội Biên phòng tại cuộc họp Ban chỉ đạo PCLB TƯ chiều 2/10, các đơn vị và lực lượng địa phương đã kêu gọi được 36.585 tàu với 217.638 ngư dân đang hoạt động trên các vùng biển biết hướng di chuyển của bão để chủ động phòng tránh. Nhưng vẫn còn 9 tàu với 54 ngư dân chưa có thông tin, trong đó Hà Tĩnh có 7 tàu với 41 người, Trà Vinh có 2 tàu và 13 người. 

Bên cạnh đó, báo cáo của Bộ đội Biên phòng cũng đã đưa ra những thiệt hại ban đầu. Các thiệt hại này đều rơi vào ngày hôm nay. Đó là một số tàu bị chết máy, trôi dạt giữa biển khơi khi đang chuẩn bị cập bến tránh bão ở Cát Bà (Hải Phòng), Hà Tĩnh, Bình Định, Sóc Trăng, Trà Vinh… đã phải phát tín hiệu khẩn cấp đề nghị cứu hộ. 

Lúc 9h30, tàu ĐNa 99052 TS/25 ngư dân Quảng Ngãi bị gãy bánh lái ở sát đảo Bông Bay. Biên phòng Đà Nẵng đã yêu cầu cho toàn bộ thuyền viên rời tàu bằng các dụng cụ cứu sinh để lên đảo và đề nghị phía Trung Quốc giúp đỡ. 

* Quảng Trị: Lốc xoáy tốc mái ngôi trường đang có 70 cháu nhỏ

 

Vào lúc 11h5 trưa 2/10, tại xã Trung Hải - một xã ven biển của huyện Gio Linh (Quảng Trị) đã xảy ra gió lốc do ảnh hưởng của bão số 5. Cơn lốc quét qua đã làm tốc mái 2 nhà dân và trường Mầm non Trung Hải. Lúc đó trong trường đang có gần 70 cháu nhỏ, rất may không có trường hợp bị thương nào xảy ra. Các cháu đã được chuyển đến những nơi an toàn ngay sau đó.


Nguyễn Hiền - Nguyên Nghĩa -
Minh San - Văn Dũng

Dòng sự kiện: Bão số 5 - 10/2007