1. Dòng sự kiện:
  2. Máy bay quân sự rơi ở Bình Định
  3. Kỳ họp thứ 8 Quốc hội khóa XV

Bánh trôi “thời vụ”… Tết Hàn thực

(Dân trí) - Sáng sớm, bất ngờ vì những gánh bánh trôi trắng rộn phố, xem lại lịch, 3/3 âm lịch - Tết Hàn thực. Không mấy người nhớ lịch, nhưng tết bánh trôi bánh chay vẫn mỗi năm một ngày, vẫn là “dịp làm ăn”, tụ họp ăn chơi của “tứ xứ dân” Hà Nội.

Bánh, đường, bột ngày "lên hương"

Tại chợ Thành Công, dãy hàng chè có tiếng mấy bữa nay đã đổi qua mặt hàng chính - bánh trôi bánh chay và các loại nguyên liệu làm bánh. Nhiều gian hàng 2, 3 nhân công luôn tay vắt bột, nặn bánh. Hai nồi nước trên bếp liên tiếp những mẻ bánh “3 chìm, 7 nổi” được vớt ra đĩa, rắc vừng.

Cô gái trẻ chủ hàng bánh cho biết, thường ngày, cô vẫn làm một vài đĩa bánh trôi bán kèm sữa đậu, thạch nhưng gần Tết Hàn thực, bánh trôi bánh chay trở thành món hàng độc tôn trong một vài ngày. Thứ 7, chủ nhật vừa qua, lượng bánh bán rất tốt, làm luôn tay, hơn chục cân bột chưa kể nhân đường, nhân đậu hết veo trong một buổi chiều. Hôm nay, 3/3 âm, đúng ngày tết hàn thực, khả năng lượng người mua bánh sẽ còn cao hơn nhiều.
 

Bánh trôi “thời vụ”… Tết Hàn thực - 1

Bột, đường, bánh trở thành món hàng "độc tôn" dịp 3/3 âm lịch

Quán chè nào cũng bày sẵn một chậu bột, một bát đường đỏ cắt sẵn thành viên nhỏ, một âu nhân đỗ đã đồ nhuyễn, xào đường… để bán cho các bà các chị mua về tự làm. 20.000đ/kg bột, 4.000đ/lạng đường đỏ, 5.000đ/lạng nhân đậu. Mỗi quán cũng cố hút khách bằng một mảnh bìa quảng cáo cắm trên chậu bột, từ đơn giản như “Bán bột làm bánh trôi” tới các kiểu “à ơi” hơn “A! Bán bột (kèm một hình mặt cười)”, “Bột đây rồi, làm bánh thôi!”…

Đầu chợ Ngọc Hà, gánh bột, đường, đậu của một chị hàng rong chuẩn giọng Hà Tây giá cả xem chừng bình dân hơn nhiều, 12.000đ/kg bột, 3.000đ/lạng nhân đậu giã nhuyễn. Người phụ nữ tầm 37 - 40 tuổi nhà ngay trong ngõ chợ Ngọc Hà lấy 1 kg bột, 2 lạng viên đường đỏ, 3 lạng nhân đậu.
 

Bánh trôi “thời vụ”… Tết Hàn thực - 2

Gánh bột rong "cạnh tranh" nhờ giá bán

Nhà chỉ có 5 người, mỗi năm cô Hòa làm một đĩa bánh trôi, một bát bánh chay chè hoa cau thắp hương ngày Tết Hàn thực, để mỗi người nếm 1 miếng món đồ ăn theo phong tục xưa. Năm nay, lượng bột, đỗ, đường viên cô đều mua nhiều gấp 3, để sáng sớm múc bát chè, vớt đĩa bánh mang quanh mấy nhà hàng xóm, toàn những gia đình sáng đi, tối mịt mới về nhà, chẳng mấy người để ý món quà quê ngày 3/3 âm lịch.

Chị Thục, chủ quán chè đã hơn chục năm nay tại chợ Ngọc Hà thì làm nghề đã thành nếp, mỗi năm, cứ đúng ngày này, cả nhà xoay vần xay bột, đánh đỗ. Cả gian nhà nhỏ chừng 3 chục mét vuông la liệt cối đá, mâm, nồi, chậu… Bột nhà chị vẫn “uy tín” khắp chợ, hàng bánh cuốn, bánh tráng vẫn xếp chỗ, đặt hàng vì bột xay bằng cối đá (gắn mô-tơ) mịn, dẻo tay.

“Vọng”… bánh trôi

Tay thoăn thoắt chấm vừng lên từng viên bánh trôi cho khách chờ ăn, chị Thục phân trần, giá gạo, đỗ, đường đều cao quá, nhảy từng ngày nên đĩa bánh năm nay cũng phải bán đội lên đôi chút. 3/3 năm ngoái, đĩa 15 viên bánh bán 4.000đ, nay lên thành 5.000đ, bát bánh chay - chè hoa cau trước 6.000đ, giờ cũng phải bán 8.000đ.

Tuy nhiên, của “ăn hương ăn hoa”, chẳng mấy người để tâm mặc cả, một năm nhiều lắm cũng chỉ nếm vài ba lần. Ngày tết lễ, chủ yếu để thưởng thức món bánh thanh tịnh, hương dầu hoa bưởi tinh khiết.
 

Bánh trôi “thời vụ”… Tết Hàn thực - 3

Huy động nhân lực tối đa "vụ làm ăn" vài ba ngày

Bà chủ quán chè lại thoăn thoắt xếp sắp gần 100 suất bánh đặt sẵn của công ty đầu tư xây dựng Thiên Phú (21E Thụy Khuê) để mang đi cho kịp giờ. 50 suất bánh - chè đã “xuất xưởng” trước, từ 6h30 sáng, để đưa lên tận khu công nghiệp Đình Xuyên (Vĩnh Phúc) cho mấy chục công nhân xưởng của công ty ăn tết quê.

45 suất khác đã được bà chủ Thiên Phú đặt mang tới khối văn phòng, rải rác mấy địa điểm ở Hà Nội. Người đặt hàng cả lô bánh vui vẻ giải thích, hầu hết người lao động trong công ty đều người ngoại tỉnh, từ quê lên làm ăn, những phong tục quen thuộc này, chủ doanh nghiệp cũng nên quan tâm, chu đáo để anh em thấy thoải mái, gần gũi như ở nhà.

Đúng là tết bánh trôi, bánh chay thường sôi nổi hơn với những người “vọng quê”, nhất là dân mấy tỉnh thành phía bắc: Hà Tây, Bắc Ninh, Hưng Yên, Hải Dương… Thợ thuyền, công chức đã vậy, khối sinh viên xem chừng còn mong dịp tết 3/3 này hơn.

Khu vực Thanh Xuân Bắc, quanh ký túc xá Mễ Trì (ĐH Tổng hợp Hà Nội cũ) 1-2 ngày trước tết hàn thực, quán cóc, hàng rong bán bánh trôi, bánh chay trắng rộn khắp phố, khắp chợ. Cửa hàng sữa chua, sữa tươi Mộc Châu nhà A11, tập thể Thanh Xuân Bắc (gần cổng hậu ký túc xá) cũng chuyển qua bán bột, luộc bánh.
 

Bánh trôi “thời vụ”… Tết Hàn thực - 4

Những món quà quê sinh động trong ngày tết hàn thực

 
Khu ký túc nữ, nhà C1, phòng Vân (khoa sử) có cô bạn quê Hoài Đức, Hà Tây. Cô bạn đã xách từ nhà lên một bịch lớn bột. Mua thêm vài lạng đường, rủ thêm dăm bảy bạn cùng lớp về phòng, cả đội cùng háo hức nặn nặn, viên viên.

Không nồi, xoong, những viên bánh “không đủ lệ bộ” (thiếu vừng, cũng chẳng có nước đường phèn pha dầu hoa bưởi để thả bánh) được luộc ngay trong chiếc ca nhựa cắm sục mọi ngày vẫn dùng để đun nước tắm. Viên bánh trôi nổi dần trong ca nước, hơi nhão nhưng cắn một miếng cũng đủ vị bột, vị nhân đường đỏ ngọt thanh thanh. Vậy là đủ phong vị ngày tết quê cho đám sinh viên xa nhà.

Bài và ảnh: Phương Thảo - Cấn Cường

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm