1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM
  3. Phóng hỏa quán cà phê làm 11 người chết

Bàn về “5  không”, “3 có”, “4 an” ở Đà Nẵng

(Dân trí) - Ngày 3/6, chính quyền thành phố tổ chức hội thảo các chương trình mục tiêu an sinh xã hội “5 không”, “3 có”, “4 an” gắn với “thương hiệu” Đà Nẵng.

Bàn về “5  không”, “3 có”, “4 an” ở Đà Nẵng - 1
Hội thảo các chương trình mục tiêu "5 không", "3 có", "4 an' của Đà nẵng vừa diễn ra trong ngày 3/6

Các chương trình mục tiêu an sinh xã hội (ASXH) “5 không” (gồm không có hộ đói, không người mù chữ và từ 2009 là không học sinh bỏ học, không người lang thang xin ăn, không người nghiện ma tuý trong cộng đồng, không giết người để cướp của) và “3 có” (có nhà ở, có việc làm, có nếp sống văn hoá văn minh đô thị) được Đà Nẵng triển khai từ 2000. Và từ 2016, Đà Nẵng bắt đầu thực hiện chương trình Thành phố “4 an” (an ninh trật tự, an toàn giao thông, an toàn vệ sinh thực phẩm, an sinh xã hội).

Le Trung Chinh

Ông Lê Trung Chinh - Phó Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng chủ trì hội thảo

Chủ trì hội thảo về các chương trình mục tiêu ASXH của Thành phố, ông Lê Trung Chinh - Phó Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng đồng ý với các đại biểu: Các chương trình mục tiêu “5  không”, “3 có”, “4 an” đã cho thấy hiệu quả trong thực tiễn xây dựng và phát triển thành phố; gắn với bản sắc nhân văn của “thương hiệu” Đà Nẵng. 

Qua từng thời kỳ, từng nội dung mục tiêu cần có sự điều chỉnh để phù hợp thực tiễn, hiện tại là gắn với Nghị quyết 43 của Bộ Chính trị ban hành cho Đà Nẵng. Hội thảo lần này ghi nhận nhiều ý kiến của những lãnh đạo tiền nhiệm đầy kinh nghiệm thực tiễn và các đề xuất của các ban, ngành chức năng liên quan, làm cơ sở khoa học để sắp tới làm mới các chương trình ASXH của Thành phố.

Theo ông Võ Công Trí - nguyên Phó Bí thư Thành uỷ Đà Nẵng, các nội dung mục tiêu “5  không”, “3 có”, “4 an” xuất phát từ các vấn đề gắn với ASXH nổi lên ở địa bàn thành phố qua từng giai đoạn. Nhiều nội dung có ý nghĩa nhân văn “định vị” Đà Nẵng với bạn bè trong và ngoài nước, ví như nói đến Đà Nẵng là người ta công nhận thành phố không có người lang thang xin ăn, nói đến ứng xử văn minh, văn hoá của người Đà Nẵng trong giao tiếp ăn ngày, nói đến thành phố đáng sống.

Bàn về “5  không”, “3 có”, “4 an” ở Đà Nẵng - 3

Ông Võ Công Trí - nguyên Phó Bí thư Thành uỷ Đà Nẵng: Nhiều nội dung các chương trình mục tiêu an sinh xã hội có ý nghĩa nhân văn “định vị” Đà Nẵng với bạn bè trong và ngoài nước

Trong thời kỳ mới này, nguyên Phó Bí thư Thành uỷ Đà Nẵng lưu ý: Khi làm mới nội dung mục tiêu các chương trình, cần gắn với thực tiễn “số hoá” đời sống xã hội. Trong đó, internet, mạng xã hội có ảnh hưởng đến hành vi, lối sống của con người trong thời đại mới.

Ông Nguyễn Hữu Chiến - nguyên Phó Giám đốc Sở Văn hoá - Thể thao Đà Nẵng góp ý thêm: Người dân, đặc biệt là thế hệ trẻ và các hội nhóm đã quan tâm nhiều hơn tới việc thay đổi nhận thức và hành vi xây dựng nếp sống văn hóa văn minh đô thị. Tuy nhiên, chính quyền các cấp chưa tiếp cận, phát huy sự tham gia theo hướng xã hội hóa đối với nhóm này. Vì vậy, ông Chiến đề nghị điều chỉnh phương thức tiếp cận để xây dựng nếp sống văn hoá, văn minh ở Đà Nẵng.

Ông Bùi Văn Tiếng - nguyên Trưởng Ban Tổ chức Thành uỷ cho rằng các nội dung mục tiêu “5 không”, “3 có” có thể điều chỉnh, tích hợp trong “4 an”. Chẳng hạn tích hợp nội dung “không giết người để cướp của” của “5 không” vào “an ninh trật tự” của “4 an”; tích hợp các mục tiêu “không có người lang thang xin ăn”, “có nhà ở” và “có việc làm” vào mục tiêu “an sinh xã hội” trong chương trình Thành phố "4 an"

Bàn về “5  không”, “3 có”, “4 an” ở Đà Nẵng - 4

Ông Bùi Văn Tiếng - nguyên Trưởng Ban Tổ chức Thành uỷ: Các nội dung mục tiêu “5 không”, “3 có” có thể điều chỉnh, tích hợp trong “4 an”

Tham vấn cho mục tiêu “không có học sinh bỏ học”, ông Ngô Ngọc Hoàng Vương - cán bộ Sở Giáo dục & Đào tạo đề xuất thay đổi nội dung này thành “không có học sinh bị đuối nước”, “không có học sinh bị xâm hại” gắn với chương trình mục tiêu bảo vệ và chăm sóc trẻ em.

Theo bà Phan Thị Thuý Linh - Giám đốc Sở Lao động - Thương binh & Xã hội Đà Nẵng, các ý kiến đóng góp, đề xuất tại hội thảo là cơ sở để ngành tham mưu Thành phố xây dựng các chương trình mục tiêu ASXH trong giai đoạn mới sắp tới. Và sẽ còn rất cần có sự tham góp ý kiến của người dân, cộng đồng.

Bàn về “5  không”, “3 có”, “4 an” ở Đà Nẵng - 5

Bà Phan Thị Thuý Linh - Giám đốc Sở Lao động - Thương binh & Xã hội Đà Nẵng tóm tắt kết quả thực hiện các chương trình an sinh xã hội ở Đà Nẵng

Thông tin tóm tắt kết quả các chương trình mục tiêu an sinh xã hội gắn với “5  không”, “3 có”, “4 an” tại hội thảo, Sở LĐ-TB & XH TP Đà Nẵng cho biết, mục tiêu Đà Nẵng không có hộ đặc biệt nghèo cơ bản hoàn thành. Từ 2019 đến nay, có hơn 1.000 học sinh bỏ học đã quay lại trường học phổ thông, chuyển sang học bổ túc hoặc học nghề. Có 5.000 trường hợp lang thang xin ăn đã được lực lượng chức năng liên hệ gia đình, đưa về các trung tâm bảo trợ xã hội. Từ 2000 tới nay, hồ sơ xử lý, giám sát cai nghiện tập trung hoặc tại cộng đồng đối với 23.000 trường hợp nghiện ma tuý. Trong 20 năm, Đà Nẵng chỉ ghi nhận 10 vụ giết người để cướp của. 

Với mục tiêu “có nhà ở”, Đà Nẵng đã đưa vào sử dụng gần 11.000 căn hộ chung cư, nhà liền kề và khu ký túc xá, tập trung giải quyết cho đối tượng có hoàn cảnh đặc biệt, thu nhập thấp. Bình quân mỗi năm giải quyết cho hơn 30.000 người có việc làm, hạ tỷ lệ lao động thất nghiệp từ 5,06% (2006) xuống còn 3,2% (2020).

Thực hiện mục tiêu ASXH, Thành phố đã hỗ trợ sửa chữa, xây mới hơn 1.400 căn hộ cho các đối tượng chính sách; chi trả thường xuyên cho khoảng 22.000 đối tượng chính sách; nâng mức bảo trợ xã hội từ 270.000 đồng lên 350.000 đồng/người mỗi tháng.

Tâm An