Bình Định:
Ban Quản lý Khu kinh tế tỉnh xin lỗi dân vì dự án “treo” hơn 10 năm
(Dân trí) - Không được đầu tư, xây dựng cơ sở hạ tầng, nhà cửa không được sửa chữa,… khiến hàng trăm hộ dân ở thôn Vĩnh Hội (xã Cát Hải, huyện Phù Cát, Bình Định) sống trong cảnh bí bách suốt hơn 10 năm qua vì vướng dự án treo.
Dự án Khu du lịch Khách sạn nghỉ dưỡng Vĩnh Hội do Công ty TNHH MTV Du lịch và Khách sạn Việt - Mỹ (gọi tắt công ty Việt Mỹ) làm chủ đầu tư có diện tích 300 ha tại thôn Vĩnh Hội, tổng vốn đầu tư 4.000 tỷ đồng. Đến nay, dự cơ bản chỉ tồn tại trên giấy!. Song, điều đáng nói là hàng trăm hộ dân đang bị “mắc kẹt” bởi họ chẳng biết số phận đi hay ở.
Dân bức xúc vì dự án “treo”
Ngày 25/9, lãnh đạo các cấp, ngành tỉnh Bình Định đã có buổi đối thoại với chính quyền và nhân dân xã Cát Hải (huyện Phù Cát) về những vấn đề bất cập liên quan đến 2 dự án đang triển khai thực hiện: Dự án Khu du lịch Khách sạn và nghỉ dưỡng Vĩnh Hội và dự án Dự án Khu Phức hợp du lịch sinh thái Pegasus tại thôn Tân Thanh.
Tại buổi đối thoại, đa số các ý kiến người dân tập trung phản ánh những bức xúc liên quan đến sự chậm trễ của dự án Khu du lịch Khách sạn nghỉ dưỡng Vĩnh Hội. Điều này không chỉ ảnh hưởng đến rất nhiều quyền lợi của người dân bị “tước đoạt” mà còn ảnh đến đời sống người dân, làm kìm hãm sự phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.
Người dân cho rằng, dự án được UBND tỉnh Bình Định cho chủ trương và triển khai thực hiện từ năm 2006, nhưng cho đến nay vẫn chưa thực hiện và cũng không có văn bản nào chính thức trả lời cho người dân biết dự án có tiếp tục thực hiện hay không.
Theo người dân cho biết, hiện nay có nhiều hộ gia đình có 4-5 cặp vợ chồng, con cháu sống chung trong một ngôi nhà chỉ vài chục mét vuông nhưng không được xây dựng, sửa chữa vì đất thuộc dự án. Trong khi đó, đất tái định cư chưa được bố nên phát sinh tình trạng lấn chiếm, tự ý cơi nới, xây dựng nhà cửa ở một số hộ dân.
Bên cạnh đó, điều người dân bức xúc các công trình công cộng như trụ sở thôn, trường mẫu giáo xuống cấp nghiêm trọng cũng không đầu tư kinh phí xây dựng hay sửa chữa…
Là Bí thư Chi bộ thôn Vĩnh Hội, ông Võ Hoài Đức có lẽ là người sâu sát và thấu hiểu nỗi khốn khổ của người dân nhất. “Khi nghe có dự án du lịch triển khai ở địa phương, nhân dân thôn Vĩnh Hội vui mừng như mở cờ trong bụng. Thế nhưng từ khi UBND tỉnh đồng ý cho nhà đầu tư đến nay người dân Vĩnh Hội không được bất cứ quyền lợi nào và không được hưởng lợi gì từ dự án. Xây dựng nông thôn mới không được đầu tư; rất nhiều hộ dân đủ điều kiện cấp quyền sử dụng đất nhưng đến nay không được mà vẫn sống trong diện lấn chiếm; phát triển dân sinh ở thôn bị hạn chế…”, ông Đức liệt kê.
Ngoài ra, đối dự án của công ty Pegasus tại thôn Tân Thanh, người dân cho rằng do phần lớn người dân đang sinh sống chủ yếu bằng nghề biển, mong muốn chính quyền quan tâm, có chính sách hỗ trợ như thế nào cho phù hợp, có nơi neo đậu tàu thuyền. Đồng thời đề nghị lãnh đạo, chính quyền tỉnh đẩy nhanh tiến độ dự án, sớm hoàn thành và đi vào hoạt động để ổn định cuộc sống cho nhân dân địa phương, tránh tình trạng để kéo dài như dự án ở thôn Vĩnh Hội.
Lãnh đạo xin nhận lỗi
Trả lời các ý kiến phản ánh của người dân, ông Phan Việt Hùng - Phó Trưởng ban Khu kinh tế tỉnh Bình Định thừa nhận nhận khuyết điểm trong việc thẩm định năng lực của nhà đầu tư dẫn đến dự án chậm trễ ảnh hưởng rất lớn đến cuộc sống người dân thôn Vĩnh Hội.
Ông Hùng cho biết: “Ở góc độ quản lý nhà nước, lãnh đạo tỉnh, ban quản lý, chính quyền địa phương trong nhiều năm qua rất thấu hiểu nỗi khổ của bà con. Có những quyền lợi bà con ở đây không được như: chương trình xây dựng nông thôn mới, quyền chuyển nhượng đất đai, vấn đề phát triển kinh tế hộ gia đình, học hành của con em, điều kiện sống bị eo hẹp trong suốt hơn 10 năm qua.
“Thay mặt Ban Quản lý Khu kinh tế tôi xin nhận khuyết điểm, thiếu sót đã làm ảnh hưởng tiêu cực đến cuộc sống của bà con. Tôi xin lỗi bà con đây vừa là tư cách cá nhân, vừa là tư cách Ban Quản lý Khu kinh tế. Bản thân tôi nhà dột một chút, hay mất nước một hai ngày thôi thì mình đã cảm thấy day dứt, khó sống huống gì bà con chịu đựng hơn 10 năm qua. Tôi thành thật xin lỗi!”, ông Hùng nói.
Về nguyên nhân dự án chậm trễ, ông Hùng cho rằng cốt lõi vấn đề là kinh phí giải phóng mặt bằng quá lớn mà ngân sách của tỉnh thì rất khó khăn, còn trung ương cũng hạn hẹp. Trong khi đó, nhà đầu tư đến giờ phút này họ thực sự không có năng lực, chưa kể nhà đầu tư cũng không hợp tác với ban quản lý.
“Tỉnh đã ra quyết định thu hồi dự án, nhưng nhà đầu tư khởi kiện lại tỉnh vì đây là nhà đầu tư nước ngoài. Do vậy, không thể ứng xử theo luật trong nước nên tỉnh cũng thiện chí với nhà đầu tư đàm phán lại nhưng đến nay họ vẫn không thực hiện. Thời gian tới, Ban Quản lý Khu kinh tế sẽ tiếp tục đàm phán với nhà đầu tư để giải quyết các vấn đề về kinh phí giải phóng mặt bằng ở đâu ra, tiến độ đầu tư thế nào, quy mô đầu tư ra sao. Giờ đây, Ban cũng chưa trả lời chính thức được khi nào dự án thực hiện vì còn phụ thuộc chủ trương của tỉnh, phụ thuộc vào năng lực và thiện chí của nhà đầu tư. Hi vọng, nếu đàm phán thành công thì đầu năm 2019 dự án có thể tiếp tục triển khai”, ông Hùng cho hay.
Doãn Công