1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM
  3. Phóng hỏa quán cà phê làm 11 người chết

"Ban chống bão mà ai cũng xin về nhà vì vợ ốm con đau thì rất khó"

Doãn Công

(Dân trí) - Bài học từ cơn bão Yagi tàn phá nhiều tỉnh, thành phía Bắc được tỉnh Bình Định nhìn nhận nghiêm túc. Theo địa phương này, công tác phòng, chống thiên tai không đơn giản như trên lý thuyết.

Ngày 18/9, UBND tỉnh Bình Định tổ chức họp về công tác phòng, chống thiên tai trên địa bàn tỉnh này.

Tại cuộc họp, đại diện sở, ngành liên quan, các huyện, thị xã, thành phố cho biết đã phê duyệt phương án phòng, chống thiên tai ở cấp độ khắc nghiệt. Tuy nhiên, qua thực tế bão Yagi (bão số 3) tàn phá nặng nề các tỉnh phía Bắc, người đứng đầu các địa phương ở Bình Định nhìn nhận công tác phòng, chống thiên tai thực tế không đơn giản như trên lý thuyết.

Ban chống bão mà ai cũng xin về nhà vì vợ ốm con đau thì rất khó - 1

Đại tá Võ Đức Nguyễn, Giám đốc Công an tỉnh Bình Định, trao đổi tại cuộc họp phòng, chống thiên tai trên địa bàn tỉnh (Ảnh: Doãn Công).

Ông Lê Văn Lịch, Chủ tịch UBND huyện Phù Mỹ, thừa nhận huyện đã phê duyệt phương án phòng, chống bão lũ rất hoành tráng nhưng áp dụng vào thực tế thì khác xa.

"Chúng tôi đang chỉ đạo sát với thực tế hơn, các thành viên trong ban chống bão lũ có điều kiện tham gia mới đưa vào. Đi chống bão rồi mà ai cũng xin phép về nhà lo chống bão, hay vợ con đau, rất khó khăn", ông Lịch nói.

Theo ông Lịch, trước mùa mưa bão, UBND huyện phân công các thành viên trong ban phòng, chống bão lũ đứng chân tại các địa bàn chịu trách nhiệm rà soát, kiểm tra lại, báo cáo cụ thể. Đặc biệt, tập trung vào địa bàn có nguy cơ rủi ro cao để có phương án cụ thể, không thể chỉ báo cáo trên giấy, mang tính chất đối phó.

Ban chống bão mà ai cũng xin về nhà vì vợ ốm con đau thì rất khó - 2

Núi Cấm thôn Chánh Thắng (xã Cát Thành, huyện Phù Cát, Bình Định) bị sạt lở năm 2021 (Ảnh: Doãn Công).

Ông Lịch cho rằng trong phòng, chống bão lũ, lực lượng công an và quân đội rất quan trọng, cần phải được huy động tối đa để giúp dân.

Theo Đại tá Võ Đức Nguyện, Giám đốc Công an tỉnh Bình Định, trong chống bão, công an, quân đội là lực lượng nòng cốt, trong đó riêng công an có lực lượng tập trung luôn sẵn sàng khi địa phương yêu cầu.

Ngoài ra, lực lượng bảo vệ an ninh trật tự với gần 4.000 người ở các địa phương cũng rất quan trọng.

"Công tác phòng, chống bão lũ không thể nói như lý thuyết mà cần phải có phương án cụ thể, dựa trên nguồn nhân lực, phương tiện, tình hình thực tế, đặc biệt người chỉ huy rất quan trọng", Đại tá Võ Đức Nguyện nhấn mạnh và dẫn ví dụ về một trưởng thôn ở Lào Cai, thực sự là một người chỉ huy rất quyết đoán, có kinh nghiệm đã kịp thời di tản cứu được 115 người tránh khỏi sạt lở.

Theo Đại tá Nguyện, người chỉ huy phải là người có chuyên môn, kinh nghiệm. Bởi thực tế cho thấy có vụ việc rất nhiều người chỉ huy nhưng không biết xử lý thế nào, lúng túng để kéo dài qua giai đoạn quan trọng sẽ rất nguy hiểm.

Đại tá Nguyễn Văn Dư, Phó Chỉ huy trưởng Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh Bình Định, cho biết từ năm 2020, đơn vị phối hợp với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, đã khảo sát, khuyến cáo những khu vực nguy cơ sạt lở nhưng đến nay, các địa phương chậm khắc phục, di dời người dân đến nơi an toàn.

Đại tá Nguyễn Văn Dư chia sẻ: "Tại các địa phương thường xảy ra ngập lụt, tình trạng bèo (lục bình) nhiều nhưng không được dọn dẹp, khơi thông. Do vậy, khi lũ về gây tắc, làm thay đổi dòng chảy dẫn đến ngập cục bộ".

Qua cơn bão số 3 gây thiệt hại nặng nề ở các tỉnh phía Bắc, ông Phạm Anh Tuấn, Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định yêu cầu người đứng đầu các địa phương, đơn vị rút kinh nghiệm không chủ quan trong triển khai thực hiện phòng, chống thiên tai.

Ban chống bão mà ai cũng xin về nhà vì vợ ốm con đau thì rất khó - 3

Ông Phạm Anh Tuấn, Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định yêu cầu các địa phương không chủ quan trong công tác phòng, chống thiên tai (Ảnh: Doãn Công).

Theo ông Tuấn, trong công tác phòng, chống thiên tai, nếu chính quyền chủ quan thì người dân cũng lơ là.

"Các địa phương tập trung cho công tác phòng, chống thiên tai trong điều kiện thời tiết khắc nghiệt như hiện nay. Chủ động di dời, xử lý những điểm có nguy cơ mất an toàn, chuẩn bị kỹ các phương án phòng, chống thiên tai thực tế từng địa phương, không để bão vào mới bị động di dời...", ông Tuấn nhấn mạnh và yêu cầu thực hiện nghiêm túc phương án "4 tại chỗ" (lực lượng, phương tiện, hậu cần và chỉ huy tại chỗ).