Ban Bí thư yêu cầu chính sách tiền lương, đãi ngộ tốt cho cán bộ y tế cơ sở
(Dân trí) - Theo Ban Bí thư, cần có chính sách đột phá để thu hút nhân lực có trình độ chuyên môn giỏi làm việc, gắn bó lâu dài tại y tế cơ sở, phấn đấu đến năm 2030, mỗi trạm y tế có ít nhất một bác sĩ cơ hữu.
Thường trực Ban Bí thư Trương Thị Mai vừa thay mặt Ban Bí thư ký ban hành Chỉ thị số 25 về tiếp tục củng cố, hoàn thiện, nâng cao chất lượng hoạt động của y tế cơ sở trong tình hình mới.
Ban Bí thư nhận định dù hoạt động của y tế cơ sở đã đạt được những kết quả quan trọng, song chính sách, pháp luật về y tế cơ sở chưa hoàn thiện; mô hình tổ chức y tế cơ sở chưa ổn định; công tác chăm sóc sức khỏa ban đầu, phòng bệnh và phát hiện bệnh sớm chưa đáp ứng yêu cầu.
Bên cạnh đó, nguồn lực, cơ sở vật chất, trang thiết bị, thuốc, vật tư y tế còn hạn chế; chế độ, chính sách cho đội ngũ cán bộ chưa phù hợp, chưa thu hút được người có trình độ chuyên môn giỏi gắn bó lâu dài với y tế cơ sở.
Ban Bí thư chỉ đạo nhiều giải pháp trọng tâm để giải quyết thực trạng này, trong đó yêu cầu các cấp ủy, tổ chức đảng tập trung lãnh đạo, chỉ đạo nâng cao nhận thức, trách nhiệm của cấp ủy, tổ chức đảng, chính quyền, hệ thống chính trị về vai trò, vị trí, tầm quan trọng của y tế cơ sở.
"Người đứng đầu các cấp ủy, tổ chức đảng, chính quyền, ngành y tế phải nêu cao trách nhiệm đối với hoạt động của y tế cơ sở thuộc phạm vi phụ trách", theo yêu cầu của Ban Bí thư.
Ban Bí thư cũng quán triệt cần nâng cao hiệu quả quản lý Nhà nước, trách nhiệm phối hợp của các cơ quan, tổ chức trong xây dựng, triển khai thực hiện chủ trương, chính sách, pháp luật về y tế cơ sở.
Đặc biệt, Ban Bí thư khuyến khích y tế tư nhân, tổ chức, cá nhân tham gia cung cấp dịch vụ chăm sóc sức khỏe ban đầu, y tế dự phòng và kết nối với y tế cơ sở trong quản lý sức khỏe cá nhân.
Về mô hình tổ chức, Ban Bí thư cho rằng với các tỉnh, thành phố có mật độ dân cư cao sắp xếp trạm y tế theo quy mô dân số, không nhất thiết theo địa giới hành chính.
Bên cạnh việc tăng cường đầu tư cho y tế cơ sở gắn với đổi mới cơ chế tài chính, nâng cao hiệu quả sử dụng ngân sách Nhà nước, Ban Bí thư nhấn mạnh cần vận động tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước hỗ trợ kỹ thuật, tài chính để đầu tư, nâng cấp cơ sở vật chất, trang thiết bị cho y tế cơ sở.
Một định hướng quan trọng khác được Ban Bí thư đề cập, là nâng cao chất lượng nguồn nhân lực y tế cơ sở với số lượng, cơ cấu phù hợp, đảm bảo thực hiện chức năng, nhiệm vụ, có chính sách tiền lương, phụ cấp, chế độ đãi ngộ tương xứng.
"Phấn đấu đến năm 2030, mỗi trạm y tế có ít nhất một bác sĩ cơ hữu; mỗi thôn, bản có một nhân viên y tế được đào tạo chuyên môn", Ban Bí thư nêu mục tiêu và yêu cầu có chính sách đột phá để thu hút nhân lực có trình độ chuyên môn giỏi làm việc, gắn bó lâu dài tại y tế cơ sở, nhất là vùng khó khăn, biên giới, hải đảo. Cùng với đó, thực hiện đồng bộ, có hiệu quả việc luân phiên, luân chuyển, điều động nhân lực y tế để hỗ trợ thường xuyên cho y tế cơ sở.
Theo mục tiêu Ban Bí thư đề ra, phấn đấu đến năm 2030, tỷ lệ tham gia bảo hiểm y tế đạt trên 95% dân số; trên 95% người dân sử dụng dịch vụ chăm sóc ban đầu tại y tế cơ sở được bảo hiểm y tế chi trả; trên 95% dân số được quản lý sức khỏe; người có nguy cơ cao mắc bệnh được kiểm tra sức khỏe ít nhất mỗi năm một lần, hướng tới kiểm tra sức khỏe định kỳ cho toàn dân.
Song song với đó, Ban Bí thư định hướng phát triển mô hình bác sĩ gia đình, thiết lập hệ thống chuyển tuyến chuyên môn linh hoạt; đẩy mạnh chuyển đổi số, tăng cường kết nối giữa y tế cơ sở với y tế tuyến trên và người dân trong tư vấn, khám bệnh, chữa bệnh từ xa…