Ban Bí thư quy định việc phối hợp kiểm soát tài sản của quan chức
(Dân trí) - Quy định kiểm soát tài sản của quan chức chậm có hướng dẫn thực hiện. Tới đây, Ban Bí thư sẽ ban hành quy chế phối hợp của UB Kiểm tra, Ban Tổ chức, Ban Nội chính và Thanh tra Chính phủ để kiểm soát.
Đây là nội dung được đề cập tại cuộc làm việc chiều ngày 22/7 của Tổ công tác của Thủ tướng với các bộ ngành về tình hình xây dựng, trình ban hành văn bản quy định chi tiết đã có hiệu lực và sẽ có hiệu lực từ 1/1/2021.
Bắt “lỗi” nhiều Bộ
Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ (VPCP) Mai Tiến Dũng cho biết, Thủ tướng nhiều lần chỉ đạo Bộ trưởng phải quyết liệt và trực tiếp chỉ đạo đẩy nhanh hơn nữa việc xây dựng, trình các văn bản quy định chi tiết cụ thể hóa các luật và chịu trách nhiệm về tiến độ và chất lượng văn bản.
Tổ trưởng Tổ công tác cũng lưu ý việc tăng cường rà soát, kiểm tra, giám sát, đánh giá việc thực hiện pháp luật chuyên ngành thuộc phạm vi bộ ngành mình quản lý nhằm kịp thời phát hiện chồng chéo, bất cập, các khó khăn, vướng mắc để đề xuất điều chỉnh, xử lý, tháo gỡ theo đúng chỉ đạo Thủ tướng.
Bộ trưởng cho biết, hiện các bộ ngành còn nợ đọng 26/54 văn bản chiếm 48,1%, tăng 8 văn bản so với cùng kỳ năm 2019.
Cụ thể, Bộ Nội vụ 7, Bộ Tài chính 6, Bộ Công an 5; Bộ GD-ĐT 3; các Bộ: Quốc phòng, Tư pháp, Văn hóa, Thể thao & Du lịch, Thanh tra Chính phủ, Bộ Công Thương mỗi bộ nợ 1 văn bản.
Vụ trưởng Vụ Pháp chế Bộ Nội vụ Phan Trung Tuấn cho biết, 7 văn bản chậm tiến độ có dự thảo Nghị định quy định về xử lý cán bộ công chức viên chức. Thời hạn trình nghị định này là 15/4, Bộ đã trình Chính phủ ngày 1/5, đến nay đã hoàn thiện dự thảo nghị định, dự kiến chậm nhất trình Thủ tướng trước 25/7.
Nói về sự chậm trễ này, ông Tuấn cho biết, trong văn bản chỉ đạo của Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình có yêu cầu xin ý kiến các bộ ngành có liên quan, trong 1 tháng Bộ Nội vụ vừa xin ý kiến các bộ ngành, vừa hoàn thiện dự thảo.
Bộ trưởng Mai Tiến Dũng muốn biết nguyên nhân việc chậm như thế vậy, lỗi tại VPCP hay tại Bộ Nội vụ?.
Đại diện Bộ Nội vụ nói khó phân định đó là lỗi của ai vì khâu trình chậm nửa tháng, còn khâu lấy phản hồi khi lên đến Chính phủ là gần 1 tháng. Sau đó văn bản mới có thể đưa ra lấy ý kiến các bộ ngành.
Các dự thảo nghị định còn lại, có một văn bản đã trình, đa số dự thảo còn lại Bộ Nội vụ hứa trình Chính phủ trong vòng 7 ngày tới và xin lùi 1 dự thảo đến tháng 10.
Phân tích lại, Bộ trưởng Mai Tiến Dũng khẳng định, văn bản này chậm là lỗi tại Bộ Nội vụ không phải VPCP. Vì ngay thời hạn trình yêu cầu 15/4 mà 1/5 mới trình, mất nửa tháng. Khi quay lại mất 1 tháng nữa mà Bộ Nội vụ chưa trình lại. Còn quy trình nằm ở VPCP 1 tháng trời là liên quan đến trình Phó Thủ tướng thường trực chỉ đạo, xong rồi họp, họp ra văn bản.
“Đây là nghị định rất là khó, từ trước nay chúng ta chưa có nghị định xử lý cán bộ, đặc biệt trong bối cảnh để xử lý các nguyên lãnh đạo vi phạm. Nội dung này vừa qua rất vướng”, Chủ nhiệm VPCP lý giải.
Bộ trưởng Mai Tiến Dũng cũng yêu cầu cán bộ VPCP báo cáo rõ lý do văn bản lại nằm ở VPCP lâu như thế. “Cái nào sai mình phải nhận không để các bộ nói VPCP làm rất lâu. Bộ người ta gửi từ 1/5 mà vụ nói 5/5 mới nhận. Văn bản đi kiểu gì mà mất 4 ngày mới lên tới VPCP. Dấu tại văn thư đánh máy. Bây giờ, VPCP phi giấy tờ đã điện tử hóa hết rồi không thể nào mà điện tử nhưng 4,5 ngày văn bản mới đến VPCP”.
Bộ trưởng thống nhất kết luận, việc chậm trễ 7 nghị định thuộc trách nhiệm của Bộ Nội vụ có lỗi của cả VPCP.
Có “lỗi” của… cơ chế?
Trường hợp văn bản nợ đọng khác được mổ xẻ là Nghị định của Chính phủ về kiểm soát tài sản, thu nhập của người có chức vụ, quyền hạn trong cơ quan, tổ chức, đơn vị để phục vụ việc thi hành luật Phòng, chống tham nhũng (đã có hiệu lực từ 1/7/2019).
Vụ trưởng Vụ Pháp chế, Thanh tra Chính phủ Đinh Văn Minh cho hay, quá trình xây dựng dự thảo nghị định về kiểm soát soát tài sản, thu nhập rất khó khăn.
“Đúng ra cuối năm 2019, chúng ta đã phải kê khai tàn sản, thu nhập theo Luật Phòng, chống tham nhũng mới. Nhưng đến nay vẫn chưa kê khai được vì chưa ra được nghị định, trong khi từ nay đến cuối năm thời gian không còn dài, nên tôi rất lo ngại”, ông Minh nói.
Nguyên nhân chậm theo ông Minh là do Luật Phòng, chống tham nhũng quy định nhiều cơ quan kiểm soát tài sản, thu nhập, nhưng không lường đến câu chuyện hoặc xử lý trong luật là có những người thuộc nhiều cơ quan, vừa bên Đảng, vừa bên chính quyền kiểm soát tài sản, thu nhập.
“Quy định của Đảng và quy định của pháp luật có sự khác nhau”, ông Minh nói và giải thích, Đảng quy định, kiểm soát tài sản, thu nhập là vấn đề của cấp uỷ. Đặc biệt, Bộ Chính trị có Quy định số 85 quy định rõ, cán bộ diện nào thì Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Uỷ ban Kiểm tra Trung ương kiểm soát.
Vì vậy, trong quá trình xây dựng dự thảo nghị định, Thanh tra Chính phủ rất nhiều lần xin ý kiến Chính phủ và Chính phủ đề nghị i xin ý kiến Bộ Chính trị.
Theo ông Minh, Thanh tra Chính phủ đã tổ chức 1 cuộc họp xin ý kiến các cơ quan Đảng về vấn đề này gồm: Ban Nội chính Trung ương, Uỷ ban Kiểm tra Trung ương, Ban Tổ chức Trung ương. Các cơ quan này đề đồng tình phương án có 1 Quy chế phối hợp về kiểm soát tài sản, thu nhập do Ban Bí thư ban hành.
Trên cơ sở đó, Thanh tra Chính phủ đã hoàn thiện báo cáo, hồ sơ (kèm dự thảo nghị định và dự thảo quy chế phối hợp) được Bộ Tư pháp thẩm định và đã trình Chính phủ.
“Ngày 16/7, Thanh tra Chính phủ nhận được văn bản truyền đạt ý kiến của Phó Thủ tướng thường trực Trương Hoà Bình đề nghị Ban Cán sự Đảng Thanh tra Chính phủ sớm tổng hợp xin ý kiến Ban Bí thư về nội dung quy chế phối hợp”, Vụ trưởng Vụ Pháp chế Đinh Văn Minh cho hay.
Ông Minh cam kết cố gắng trong tuần này, Thanh tra Chính phủ sẽ có văn bản xin ý kiến Ban Bí thư.
“Tất cả hồ sơ hiện đã đủ hết rồi, dự thảo nghị định, dự thảo quy chế phối hợp đều đủ rồi. Còn khi nào trình Chính phủ dự thảo nghị định thì phải đợi Ban Bí thư có ý kiến về quy chế phối hợp. Tinh thần chung chúng tôi cố gắng sớm nhất”, ông Minh nói.
Vụ trưởng Vụ Pháp chế nói thêm, lãnh đạo Thanh tra Chính phủ cũng “rất sốt ruột”. Nhưng nguyên nhân chậm là do cơ chế.