1. Dòng sự kiện:
  2. Máy bay quân sự rơi ở Bình Định
  3. Kỳ họp thứ 8 Quốc hội khóa XV

Phó Chủ tịch QH Uông Chu Lưu:

“Bản án mà dư luận không đồng tình thì phải xem lại”

(Dân trí) - “Khi một bản án được toà tuyên, có hiệu lực pháp luật thì phải được dư luận xã hội đồng tình mới là bản án nghiêm minh, đúng pháp luật, đúng người đúng tội. Còn bản án sau khi được tuyên mà dư luận lại không đồng tình thì phải xem lại…”.

Phó chủ tịch QH Uông Chu Lưu trao đổi xung quanh việc dư luận lên tiếng về bản án 8 năm tù TAND thành phố Cần Thơ tuyên phạt bà Trần Ngọc Sương - GĐ Nông trường sông Hậu.

Thưa ông, quan điểm của ông thế nào trước vụ án xét xử bà Trần Ngọc Sương mà dư luận đang phản ứng khá gay gắt?

Tôi không nắm rõ lắm vấn đề. Cụ thể thế nào phải căn cứ vào hồ sơ, tài liệu chứng cứ. Tuy nhiên, sau phiên toà xử phúc thẩm mà dư luận vẫn phản ứng như vậy điều đó chứng tỏ vụ án này phải được xem xét ở cấp cao hơn nữa.
 
“Bản án mà dư luận không đồng tình thì phải xem lại” - 1
Bà Sương bật khóc khi nghe tòa tuyên án 8 năm tù (Ảnh: Phạm Tâm). 

Dư luận cho rằng với nhân thân cũng như sự cống hiến của bà Sương mà tòa tuyên đến 8 năm là quá nặng?

Luật đã có quy định khi quyết định hình phạt phải căn cứ các tình tiết tăng nặng, giảm nhẹ trách nhiệm hình sự để quyết định hình phạt. Tôi nghĩ Toà phải căn cứ hết rồi.

Vấn đề là yếu tố định tội như thế nào, xem hành vi đó ra sao. Điều này phải xem xét hồ sơ.

Vừa qua, báo chí và dư luận đặt vấn đề liên quan đến việc Thành ủy Cần Thơ có công văn chỉ đạo yêu cầu khởi tố tội danh và thời gian cụ thể. Theo ông chỉ đạo như vậy có đúng nguyên tắc hay không? 
 
Không có một cấp uỷ nào lại đi chỉ đạo vào tội danh cụ thể như vậy.
 
Ông nghĩ sao nếu một bản án được tuyên mà lại gây bức xúc, dư luận như vậy?

Nói chung, khi một bản án được toà tuyên, có hiệu lực pháp luật thì phải được dư luận xã hội đồng tình đấy mới là bản án nghiêm minh, đúng pháp luật, đúng người đúng tội.

Còn bản án sau khi được tuyên mà dư luận lại không đồng tình thì phải xem lại.
 
“Bản án mà dư luận không đồng tình thì phải xem lại” - 2
"Quỹ đen" được công khai, để chăm lo đời sống của người lao động tại nông trường sông Hậu (Ảnh: Vĩnh Hòa).

Chủ nhiệm UB Tư Pháp Lê Thị Thu Ba cho rằng  đây là vụ án thuộc thẩm quyền của cơ quan tư pháp, nhưng với những vụ án mà cơ quan tư pháp chậm trễ trong khi đông đảo dư luận xã hội quan tâm bức xúc thì QH có cơ chế nào đó giám sát để thực hiện quyền tối cao?

Các cơ quan tư pháp họ làm theo quy trình pháp luật. Nếu trường hợp vụ án phức tạp thì có thêm quy định về gia hạn. Nhưng cũng phải đảm bảo đúng pháp luật.

Còn nếu làm chậm trễ mà dư luận xã hội bức xúc thì theo thẩm quyền đã được luật qui định, Uỷ ban tư pháp hoàn toàn có thể vào cuộc giám sát vụ án đó.

Cá nhân ông có quan tâm đến vụ án này?

Tôi cũng như mọi người, rất quan tâm theo dõi vụ án này.
 
Xin cảm ơn ông!
 

Bộ trưởng Tư pháp Hà Hùng Cường: Áp dụng pháp luật chưa nhuần nhuyễn

 

“Với tư cách đại biểu QH, qua theo dõi báo chí, tôi thấy việc ở Nông trường sông Hậu có vấn đề là áp dụng pháp luật chưa được nhuần nhuyễn. Việc vận dụng pháp luật không thể lấy tư duy ngày hôm nay để áp đặt vào xử lý những việc của ngày xưa được, nhất là trong tình hình luật pháp còn đang có nhiều đổi mới, chỉnh sửa” - ông Cường nói.

 

Về vấn đề dư luận bức xúc là “quỹ đời sống” ở nông trường sông Hậu công khai, hoạt động từ lâu, ai cũng biết nhưng giờ bị kết là “quỹ đen”, vì mục đích trục lợi, ông Cường cho biết: “Tôi cũng chia sẻ ý đó. Vấn đề còn có trách nhiệm của xã hội, trách nhiệm của nhà nước, phía cơ quan quản lý biết việc đó thế nào, chấn chỉnh ra sao”.

Về khả năng hoãn thi hành bản án đã có hiệu lực pháp luật đối với bà Sương khi dư luận còn nhiều phản ứng trái chiều, ông Cường phân tích thẩm quyền thuộc TAND tối cao. “Nếu nói về khía cạnh tình cảm, tôi hoàn toàn đồng tình việc này” -  ông Cường khẳng định.

 
P.Thảo (ghi)

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm