1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM
  3. Phóng hỏa quán cà phê làm 11 người chết

Bài toán chi phí khi 22 triệu người lái xe máy phải đổi bằng

Ngọc Tân

(Dân trí) - Khi việc tích hợp dữ liệu dân cư quốc gia bắt buộc phải có đủ ngày, tháng, năm sinh, các giấy tờ cá nhân thiếu dữ liệu này đứng trước nguy cơ phải cấp đổi, làm lại.

Bộ Công an vừa hoàn thiện dự thảo Luật Trật tự an toàn giao thông đường bộ. Trong đó, phần điều khoản chuyển tiếp có nêu: "Giấy phép lái xe không thời hạn được cấp trước ngày 1/7/2012 phải được đổi sang giấy phép lái xe mới theo lộ trình do Chính phủ quy định".

Dự thảo luật gây băn khoăn trong dư luận, bởi số lượng GPLX thuộc diện này lên tới 22 triệu bản (tất cả là GPLX mô tô), đặt ra dấu hỏi về chi phí, thời gian để cấp đổi trong thời gian tới.

22 triệu người bị ảnh hưởng

Cầm trên tay tấm bằng lái xe máy từ năm 2009, anh Trần Văn Sơn, tài xế xe ôm công nghệ tại quận 1, TPHCM, cảm thấy băn khoăn sau khi đọc thông tin về dự thảo Luật Trật tự an toàn giao thông đường bộ. Một điều khoản trong đó quy định những ai có bằng lái xe từ trước 1/7/2012 sẽ phải đổi sang bằng lái mẫu mới.

Bài toán chi phí khi 22 triệu người lái xe máy phải đổi bằng - 1

Bằng lái xe máy được cấp sau ngày 1/7/2012 có hiển thị đủ ngày tháng năm sinh trong khi bằng lái được cấp trước đó chỉ hiển thị năm sinh (Ảnh: Ngọc Tân).

Thu nhập từ việc chạy xe ôm của anh Sơn khoảng 300.000 đồng/ngày. Phí đổi bằng lái xe máy hiện nay là 135.000 đồng, tương đương với nửa ngày công của anh. 

Vấn đề nghiêm trọng ở chỗ mốc thời gian 1/7/2012 mới chỉ cách đây hơn 10 năm. Đối tượng chịu ảnh hưởng không chỉ có nhóm người cao tuổi mà gồm cả thanh niên, người đi làm... Theo thống kê của Cục Đường bộ Việt Nam, có tới 22 triệu tài xế như anh Sơn đang băn khoăn về tấm bằng lái của mình.

Nếu bạn thuộc thế hệ sinh năm 1992-1993 (năm nay 30 tuổi), thi lấy bằng lái xe máy vào năm 2011 và chưa đổi bằng lần nào, bạn cũng thuộc nhóm phải đi đổi bằng lái theo dự thảo luật mới.

Thực hiện phép nhân 135.000 đồng với 22 triệu bằng lái cần cấp đổi, tổng chi phí mà người dân phải bỏ ra là 2.970 tỷ đồng (chưa tính chi phí thời gian).

Còn giải pháp kỹ thuật nào không?

Lý giải nguyên nhân phải đổi tới 22 triệu bằng lái xe, đại diện Cục Đường bộ Việt Nam cho biết các giấy phép lái xe cấp từ trước 1/7/2012 chỉ hiển thị năm sinh, không hiển thị ngày, tháng sinh nên không thể đồng bộ vào cơ sở dữ liệu dân cư quốc gia (đòi hỏi phải đầy đủ ngày tháng năm sinh).

Câu hỏi đặt ra là vì sao bằng lái xe phải có đủ ngày, tháng và năm sinh mới có thể tích hợp vào dữ liệu quốc gia về dân cư? Để tránh việc phải cấp đổi 22 triệu giấy phép lái xe, liệu có biện pháp kỹ thuật nào giúp xác thực giấy phép lái xe bản điện tử chỉ thông qua năm sinh hay không? 

Bài toán chi phí khi 22 triệu người lái xe máy phải đổi bằng - 2

Giấy phép lái xe không có đủ 3 trường dữ liệu ngày, tháng, năm sinh sẽ không thể tích hợp vào ứng dụng VNeID (Ảnh: Ngọc Tân).

Trao đổi với phóng viên Dân trí về vấn đề này, Thượng tá Nguyễn Thành Vĩnh, Giám đốc Trung tâm Dữ liệu quốc gia về dân cư, cho biết việc dữ liệu giấy phép lái xe của người dân phải có đầy đủ ngày, tháng và năm sinh là yêu cầu bắt buộc để tích hợp vào dữ liệu dân cư quốc gia và ứng dụng VNeID.

"Nếu chỉ có năm sinh thì không đủ một cụm thông tin để chứng minh đấy là một con người thật. Một khi đã thiếu thông tin thì không thể tích hợp được", ông Vĩnh nói và cho biết ở quy mô quốc gia, có trường hợp một người đã khai đủ họ tên, ngày, tháng, năm sinh nhưng vẫn trùng với người khác.

Trước lo ngại của dư luận, lãnh đạo Trung tâm Dữ liệu quốc gia về dân cư nhận định dự thảo về việc đổi bằng lái hiện nay mới chỉ mang tính "định hướng", chưa phải là quy định bắt buộc.

Bên cạnh đó, nhìn ở góc độ tích cực, người dân sau khi đổi bằng lái sẽ được hưởng nhiều tiện ích từ việc tích hợp dữ liệu dân cư quốc gia, sử dụng VNeID và các ứng dụng liên quan....

Cần lộ trình để hạn chế chi phí xã hội

Phân tích tới đây có thể thấy rắc rối sẽ không phát sinh nếu thiết kế giấy phép lái xe ngay từ đầu đã bao gồm đủ dữ liệu ngày, tháng, năm sinh. Tuy nhiên, "chuyện đã rồi" này không chỉ tồn tại ở bằng lái xe. Một số loại giấy tờ khác như chứng minh nhân dân, giấy khai sinh giai đoạn trước cũng chỉ ghi năm sinh, không ghi đủ ngày, tháng.

Ông Nguyễn Văn Quyền, nguyên Phó tổng cục trưởng Tổng cục Đường bộ (nay là Cục Đường bộ), cho biết khi ông giữ vị trí Phó tổng cục trưởng từ năm 2003, mẫu giấy phép lái xe khi đó chỉ ghi năm sinh, không có ngày tháng.

"Có lẽ trước đó cơ quan quản lý thấy không cần thiết phải ghi ngày tháng, chỉ cần ghi năm sinh để xác định tuổi của tài xế", ông Quyền chia sẻ.

Đến năm 2012, khi Việt Nam tham gia vào các công ước quốc tế, Tổng cục Đường bộ mới triển khai đổi giấy phép lái xe sang mẫu mới, trong đó hiển thị đầy đủ ngày, tháng và năm sinh.

Ông Quyền cho biết từ thời điểm đó, cơ quan quản lý đã dự liệu tới ngày phải đổi hết GPLX sang mẫu mới. Tuy nhiên, việc này cần một lộ trình cụ thể.

"Cơ quan quản lý nhà nước cần nghiên cứu lộ trình để tránh ùn tắc, quá tải trong việc cấp đổi giấy phép lái xe, đồng thời cần nghiên cứu chính sách để giảm mức phí cấp đổi bằng lái cho người dân", ông Nguyễn Mạnh Quyền chia sẻ.