Bố trí cán bộ, công chức sau sáp nhập xã tại Nghệ An:
Bài 1: Giảm đơn vị hành chính, bộ máy cán bộ có giảm?
(Dân trí) - Thực hiện việc sáp nhập đơn vị hành chính cấp xã, tỉnh Nghệ An đã giảm được 20 xã. Thế nhưng bộ máy hành chính tại các xã mới sáp nhập đang phải bố trí gấp đôi, gấp ba so với quy định.
Giảm 20 xã, hơn 2.000 khối, xóm
Thực hiện đề án sắp xếp lại địa giới hành chính, tỉnh Nghệ An có 39 đơn vị hành chính cấp xã sáp nhập trong giai đoạn 2019-2020 (16 đơn vị phải sáp nhập, 19 đơn vị liền kề và 4 đơn vị khuyến khích sáp nhập). Sau khi thực hiện việc sắp xếp, tỉnh Nghệ An hình thành 19 đơn vị hành chính cấp xã mới, giảm 20 đơn vị hành chính cấp xã so với trước đây, toàn tỉnh còn lại 460 đơn vị hành chính cấp xã.
Theo kế hoạch, thị trấn Mường Xén (Kỳ Sơn) có 2 tiêu chuẩn về diện tích tự nhiên và quy mô dân số chưa đạt 50% theo quy định phải sắp xếp nhưng tỉnh Nghệ An đề nghị chưa thực hiện trong giai đoạn này.
Song song với việc sắp xếp lại địa giới hành chính cấp xã, các địa phương trong tỉnh Nghệ An cũng thực hiện việc sáp nhập khối, xóm. Từ gần 5.900 khối, xóm, sau sáp nhập toàn tỉnh còn hơn 3.800 khối, xóm.
Theo ông Nguyễn Thăng Long - Trưởng phòng Xây dựng chính quyền và công tác thanh niên (Sở Nội vụ Nghệ An), sau sáp nhập, riêng phụ cấp, chế độ cho đội ngũ cán bộ ở xóm, khối, bản ngân sách tỉnh tiết kiệm trên 20 tỉ đồng mỗi tháng. Tính ra mỗi năm, ngân sách tỉnh tiết kiệm được xấp xỉ 240 tỉ đồng.
Ông Nguyễn Đức Trung - Chủ tịch UBND tỉnh Nghệ An đánh giá, việc hợp nhất đơn vị hành chính cấp xã và sáp nhập xóm, khối, bản tạo điều kiện tập trung được các nguồn lực, mở rộng không gian để quy hoạch, tập trung đầu tư, phát huy có hiệu quả tiềm năng, lợi thế của địa phương.
Việc sáp nhập các đơn vị hành chính cấp xã sẽ tạo ra thay đổi tích cực, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý, chỉ đạo, điều hành của bộ máy hành chính nhà nước; tinh giảm bộ máy, tiết kiệm chi ngân sách, góp phần vào sự thành công của chương trình cải cách tiền lương, nâng cao đời sống cán bộ, công chức các cấp.
Đánh giá về kết quả Nghệ An đạt được, ông Trần Anh Tuấn - Thứ trưởng Bộ Nội vụ cho rằng tỉnh đã thực hiện rất tốt việc sáp nhập các đơn vị hành chính cấp xã theo đúng Đề án đã trình Chính phủ, trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội quyết định.
Thứ trưởng Bộ Nội vụ Trần Anh Tuấn: Kết quả này thể hiện quyết tâm và sự thực hiện nghiêm túc Nghị quyết 37 của Bộ Chính trị, thông qua đó nâng cao hiệu lực hiệu quả hoạt động của chính quyền, đáp ứng yêu cầu người dân trong phát triển kinh tế xã hội địa phương.
Ông Phan Văn Hùng - Vụ trưởng Vụ Chính quyền địa phương - Bộ Nội vụ nhấn mạnh: “Nghệ An đã giảm được 20 đơn vị hành chính cấp xã. Tỉnh không thực hiện sáp nhập cơ học mà đã chỉ đạo sáp nhập xóm, khối, bản theo điều kiện thực tế và sự đồng thuận của cử tri và là một trong những tỉnh giảm được số lượng lớn xóm, khối, bản. Đây là kết quả rất đáng ghi nhận”.
“Phình” bộ máy chính quyền
Xã Trung Phúc Cường được hình thành trên cơ sở hợp nhất 3 xã Nam Trung, Nam Cường và Nam Phúc (huyện Nam Đàn). Sau sáp nhập, toàn xã có 47 công chức, trong khi đó theo quy định chỉ được bố trí 23 cán bộ công chức. Không tính 3 trưởng công an xã nghỉ hưu hoặc được điều động sang xã khác đảm nhiệm vị trí công chức văn phòng thống kê và tư pháp thì xã này vẫn đang thừa 21 công chức so với quy định.
Xã Đại Đồng (huyện Thanh Chương, Nghệ An) sau sáp nhập từ 3 xã (Thanh Hưng, Thanh Tường, Thanh Văn), theo định biên chỉ có 21 cán bộ, công chức nhưng hiện có tới 54 cán bộ, công chức. Trong đó riêng công chức văn phòng có tới 7 người.
“Thực hiện chủ trương đưa công an chính quy về xã, chúng tôi thừa 3 công chức là trưởng công an các xã cũ. Một đồng chí được bố trí làm công chức tư pháp, 2 đồng chí còn lại làm công chức văn phòng thống kê. Cộng với số công chức văn phòng của 3 xã cũ thì xã Đại Đồng có tới 7 công chức văn phòng”, ông Nguyễn Văn Thùy, Bí thư Đảng ủy xã Đại Đồng cho hay.
Tình trạng thừa cán bộ công chức sau sáp nhập đơn vị hành chính xảy ra ở hầu hết các địa phương vừa mới sáp nhập. Xã Châu Nhân (huyện Hưng Nguyên, Nghệ An) được hình thành trên cơ sở sáp nhập 2 xã Hưng Châu và Hưng Nhân. Sau sáp nhập, địa phương này có 37 cán bộ, công chức, trong khi đó định biên quy định chỉ có 21 người.
“Hiện tổ chức Đảng có 1 Bí thư, 3 phó Bí thư, công chức văn phòng thống kê, địa chính... đều gấp đôi quy định”, ông Lê Khánh Quang - Chủ tịch UBND xã Châu Nhân cho hay.
Sau khi hoàn thành việc sáp nhập thì bộ máy hành chính tại 16 xã mới (không tính 3 đơn vị thuộc diện điều chỉnh) đều “phình” hơn quy định. Theo ông Nguyễn Văn Quế - Chủ tịch UBND huyện Nam Đàn, tại 3 đơn vị hành chính mới được sáp nhập từ 8 xã, thị trấn có tới 162 người, trong khi đó định biên của cả 3 xã theo Nghị định 34 chỉ có 69 người.
“Chúng tôi bố trí tại chỗ 118 người, vượt 49 người so với quy định của Trung ương nhưng vẫn chưa thể bố trí hết số cán bộ, công chức hiện tại ở các xã, thị trấn mới sáp nhập.
Về nguyên tắc, công chức, không có đơn xin nghỉ thì mình vẫn phải bố trí công việc cho họ. Số công chức, cán bộ cấp trưởng giờ chuyển xuống làm phó thì vẫn phải trả lương, phụ cấp theo chức danh trưởng như cũ”, ông Quế thông tin.
Theo lộ trình, 19 đơn vị hành chính cấp xã tại Nghệ An được bố trí đội ngũ cán bộ, công chức cấp xã tăng so với quy định đến năm 2025. Tuy nhiên, sau thời điểm đó giải quyết số công chức này như thế nào vẫn là băn khoăn của nhiều lãnh đạo địa phương các cấp. Từ nay đến thời điểm đó, bộ máy chính quyền địa phương vẫn chịu cảnh “phình ra” dù mục tiêu “tinh gọn tổ chức bộ máy” được đặt ra khi Đề án sáp nhập đơn vị hành chính cấp xã được phê duyệt.