Thanh Hóa:
Sáp nhập xã, phường: Kiểm soát không tốt sẽ sinh tiêu cực
(Dân trí) - Việc cùng lúc phải bố trí, sắp xếp hàng trăm cán bộ nhưng không có tiêu chí, tiêu chuẩn cụ thể đang khiến nhiều cán bộ, công chức không khỏi băn khoăn. Cách làm này, nếu không kiểm soát được quyền lực dễ dẫn đến tiêu cực, phe cánh, người nhà, người thân khi xem xét bổ nhiệm.
Trước đó, như Dân trí đã thông tin, Thanh Hóa là địa phương có số đơn vị xã, phường, phải bố trí sắp xếp lớn nhất cả nước với hàng trăm cán bộ, công chức bị ảnh hưởng. Đáng nói hơn là việc sáp nhập từ 2 đến 3 xã, phường, thị trấn sẽ dư thừa nhiều chức danh người đứng đầu và cấp phó.
Theo kế hoạch, chỉ còn 3 tháng nữa việc sáp nhập xã, phường, thị trấn phải hoàn tất nhưng đến thời điểm này, các địa phương ở Thanh Hóa đang tỏ ra lúng túng chưa biết vận dụng thế nào để lựa chọn cán bộ khi sáp nhập từ 2 đến 3 xã phường, thị trấn thành 1.
Theo ông Nguyễn Giang Nam, Trưởng phòng xây dựng chính quyền và công tác thanh niên - Sở Nội vụ Thanh Hóa, nếu kiểm soát không tốt sẽ sinh ra tiêu cực.
“Rất sợ công tác cán bộ liên quan đến quan hệ này khác. Thật ra bài toán tôi nói là kể cả không sắp xếp, đến kỳ đại hội, huyện nào cũng phải xây dựng phương án.
Ở Thanh Hóa phân cấp rất rõ, trách nhiệm đó thuộc cấp huyện. Tất nhiên, việc phân cấp cũng sinh ra câu chuyện kiểm soát không tốt sẽ nảy sinh việc này việc khác, nhưng về mặt xu hướng thì phải phân cấp. Dư luận có thể hoài nghi, khi không có tiêu chí cứng để lựa chọn, bố trí cán bộ, người đứng đầu, sẽ là kẽ hở cho những người cơ hội lợi dụng “quan hệ, tiền tệ” – ông Nam nói.
Thọ Xuân là huyện có số đơn vị sáp nhập lớn nhất toàn tỉnh với 22 xã, thị trấn, số cán bộ, công chức bị ảnh hưởng cũng lên đến hàng trăm. Đặt vấn đề về việc giải pháp nào kiểm soát quyền lực, tránh chạy chức, chạy quyền trong bố trí, sắp xếp cán bộ, ông Lê Văn Tiến, Trưởng ban Tổ chức Huyện ủy Thọ Xuân cho rằng, đây là vấn đề cốt lõi, huyện rất quan tâm. Cái chính là phải công khai, minh bạch trong cách làm, huyện cũng đang tính toán tiêu chí.
Ông Tiến nhấn mạnh: “Khi mà 2 đồng chí Bí thư, 2 đồng chí Chủ tịch, 2 xã sáp nhập thành 1, sẽ thừa 1 hoặc thừa 2, mà còn đủ điều kiện tái cử, bằng cấp, chuyên môn thì ngang nhau. Lúc đó, ở góc độ tổ chức, tôi sẽ tham mưu đưa thêm 1 số tiêu chí mở như, đánh giá năng lực, thời gian cống hiến, tuổi Đảng, là những tiêu chí để chúng tôi đưa ra. Đó là mới tính thế để còn đưa ra xin ý kiến Thường vụ.
“Việc xây dựng và đưa ra 1 tiêu chí là cần thiết, là cơ sở để cán bộ, Đảng viên và nhân dân giám sát quá trình bố trí, sắp xếp cán bộ của tổ chức có công khai minh bạch không. Tỉnh Thanh Hóa sẽ có hơn 1 nghìn cán bộ, công chức cấp xã dôi dư sau khi sáp nhập, nếu không làm chặt sẽ rất dễ dẫn đến tiêu cực. Khi chưa đưa ra được tiêu chí cụ thể, trong trường hợp sáp nhập, người đứng đầu không chấp nhận xuống làm cấp phó thì xử lý thế nào” - Trưởng ban Tổ chức Huyện ủy Thọ Xuân băn khoăn.
Toàn tỉnh Thanh Hóa có 66 đơn vị hành chính cấp xã thuộc 26 huyện, thành phố phải tiến hành sắp xếp.
Về vấn đề trên, ông Lại Thế Nguyên, Trưởng ban Tổ chức Tỉnh ủy khẳng định: “Nếu không ai chịu xuống thì sẽ không thể sắp xếp được. Trong lúc này, cán bộ phải chấp nhận hy sinh trong sắp xếp bộ máy. Dù xuống cấp phó nhưng tỉnh vẫn giữ nguyên chế độ chính sách. Nếu họ nói không đồng thuận thì phải nghỉ thôi, mình thừa thì phải nghỉ”.
Cũng theo Trưởng ban Tổ chức Tỉnh ủy Thanh Hóa, sáp nhập xã, phường, thị trấn là chủ trương của Đảng, quyết tâm của các địa phương và đang nhận được sự đồng thuận của cán bộ, Đảng viên và nhân dân. Thế nhưng, việc bố trí, sắp xếp hàng trăm cán bộ tại Thanh Hóa cũng nên tính đến việc giám sát về tiêu chí, tiêu chuẩn sao cho công bằng, công khai và dân chủ. Có như thế, mới tạo được đồng thuận để đi đến thành công.
Bình Minh