Bắc Giang đề nghị không dùng từ "giải cứu" vải thiều
(Dân trí) - Tỉnh Bắc Giang vừa có công văn đề nghị các cơ quan báo chí không dùng từ "giải cứu" trong các tin, bài, phóng sự... khi tuyên truyền về việc tiêu thụ nông sản nói chung và vải thiều nói riêng.
Mới đây, Ủy ban nhân dân (UBND) tỉnh Bắc Giang đã có công văn gửi Cục Báo chí, Bộ Thông tin và Truyền thông đề nghị hỗ trợ thông tin, tuyên truyền tiêu thụ nông sản của tỉnh.
Trong công văn, UBND tỉnh Bắc Giang cho biết, trong những ngày qua, khi dịch Covid-19 bùng phát trên địa bàn tỉnh Bắc Giang, các lãnh đạo Đảng, Nhà nước, các bộ, ngành Trung ương, các địa phương bạn, các cơ quan thông tấn, báo chí cùng với nhân dân cả nước đã thường xuyên quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo, ủng hộ về vật chất và tinh thần giúp Đảng bộ, chính quyền và nhân dân tỉnh Bắc Giang trong việc thực hiện "mục tiêu kép" vừa chống dịch vừa phát triển kinh tế - xã hội.
Để tiếp tục góp phần cổ vũ, động viên, hỗ trợ Đảng bộ, chính quyền và nhân dân tỉnh Bắc Giang sớm khống chế được dịch bệnh, khôi phục sản xuất và nhất là tiêu thụ vải thiều, UBND tỉnh Bắc Giang đề nghị Cục Báo chí, Bộ Thông tin và Truyền thông quan tâm, chỉ đạo, định hướng các cơ quan báo chí trong cả nước tiếp tục quan tâm tuyên truyền về chất lượng vải thiều Bắc Giang.
"Vải thiều Bắc Giang hiện đang được xuất khẩu đến các thị trường đòi hỏi tiêu chuẩn cao như Nhật Bản. Về việc tạo điều kiện thuận lợi cho vải thiều Bắc Giang được xuất khẩu và tiêu thụ nội địa… đề nghị các cơ quan báo chí không dùng từ "giải cứu" trong các tin, bài, phóng sự… khi tuyên truyền về việc tiêu thụ nông sản nói chung và vải thiều nói riêng", công văn của UBND tỉnh Bắc Giang cho biết.
Theo UBND tỉnh Bắc Giang, trên thực tế, sau khi có các tin, bài, phóng sự có từ "giải cứu", giá các mặt hàng nông sản của tỉnh đều giảm, ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống, thu nhập của người nông dân.
Ước tính năm nay vải thiều của tỉnh Bắc Giang được mùa với sản lượng lớn 180.000 tấn, trong đó vải chín sớm là 6.050 ha, sản lượng ước đạt 45.000 tấn; vải thiều chính vụ diện tích 22.050 ha, sản lượng ước đạt 135.000 tấn.
"Giải cứu" nghe thương cảm, thương xót
Cũng liên quan về vấn đề này, chia sẻ về công tác tiêu thụ nông sản, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) Lê Minh Hoan cho biết, dư luận xã hội cho rằng nông nghiệp cần "giải cứu" là chưa đúng, nhưng để xóa bỏ suy nghĩ này, ngành nông nghiệp cần hành động cụ thể hơn.
"Nhiều người mua nông sản vì thương bà con nông dân nhưng mua nhiều về dùng không hết là lãng phí. Theo tôi, không nên dùng từ "giải cứu" nữa, bởi lẽ giải cứu mang tính chất thương cảm, thương xót chứ chưa chú trọng đến công sức của bà con nông dân. Hơn thế, tại những điểm mua bán nông sản tự phát, nhiều người tụ tập là không thực hiện tốt quy định phòng, chống dịch Covid-19", ông Hoan nhìn nhận.
Theo ông Hoan, cần có biện pháp kết nối cung - cầu nội địa tốt hơn. Dù có dịch bệnh Covid-19 hay không thì có thời điểm, hiện tượng nông sản cung vượt cầu vẫn xảy ra. Bên cạnh đó, thông tin giữa vùng nguyên liệu và thị trường tiêu thụ nhiều lúc không khớp nhau.
"Tôi cũng bàn với Hiệp hội các nhà bán lẻ Việt Nam để làm sao kết nối được cung - cầu. Tôi biết nhiều lúc không khớp nhau về thông tin, thực tế như hành tím Vĩnh Châu (Sóc Trăng) vừa rồi có thông tin rớt giá xuống 5.000-6.000 đồng/kg, trên mạng có những bình luận thắc mắc tại sao ở Đắk Lắk vẫn mua tới 45.000 đồng/kg, mà không có hàng để mua. Như vậy, câu chuyện kết nối thị trường nông sản nội địa của chúng ta vẫn chưa tốt, những thông tin bất cân xứng dẫn đến dư thừa cục bộ, chứ không phải dư thừa toàn bộ", ông Hoan nói.