1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM
  3. Phóng hỏa quán cà phê làm 11 người chết

Bác bỏ thông tin bịa đặt của Human Rights Watch

Ngày 22/1, Bộ Ngoại giao Việt Nam đã bác bỏ các thông tin bịa đặt trong báo cáo mới đây của Tổ chức Theo dõi Nhân quyền (Human Rights Watch - HRW) liên quan đến đồng bào Khmer ở Việt Nam.

Người phát ngôn Lê Dũng phát biểu như trên khi được hỏi về phản ứng của Việt Nam đối với bản báo cáo gần đây của HRW, trong đó tố cáo việc những người Khmer Krom tại khu vực Đồng bằng sông Cửu Long bị đàn áp, hạn chế các quyền tự do tôn giáo và tự do ngôn luận?

"Đây không phải là lần đầu tiên Tổ chức Theo dõi Nhân quyền đưa ra những thông tin sai trái về Việt Nam," ông Lê Dũng nói. "Cần khẳng định, tại Việt Nam, các quyền tự do cơ bản của người dân, trong đó có tự do ngôn luận và tự do tôn giáo được ghi rõ trong Hiến pháp (điều 69 và 70)."

Người phát ngôn khẳng định, đồng bào Khmer ở Nam Bộ là bộ phận không thể tách rời của cộng đồng 54 dân tộc cùng sinh sống trên đất nước Việt Nam. Nhà nước Việt Nam thực hiện chính sách bình đẳng, đoàn kết, tương trợ giữa các dân tộc, không cho phép bất cứ một hành vi kỳ thị, chia rẽ dân tộc. Điều này được ghi rõ trong Hiến pháp và được tôn trọng trên thực tế. Các dân tộc thiểu số, trong đó có dân tộc Khmer, được đối xử bình đẳng và được Nhà nước hết sức quan tâm, tạo mọi điều kiện cải thiện đời sống vật chất và tinh thần.

Năm 2008, chính quyền địa phương đã tạo 358 ngàn việc làm mới cho đồng bào Khmer (tăng khoảng 1,2% so với năm 2007). 4000 người dân tộc Khmer được đi làm việc ở nước ngoài. GDP bình quân đầu người ước đạt 14,8 triệu đồng (tương đương 890 USD), số hộ nghèo giảm còn khoảng 11,2% (giảm hơn 1,6% so với năm 2007).

Đài phát thanh và Đài truyền hình tỉnh đã có chương trình tiếng Khmer. Các tỉnh có đông đồng bào Khmer đều có báo hàng tuần bằng tiếng Khmer. Các cơ sở thờ tự của đồng bào Khmer được chính quyền địa phương quan tâm, tạo điều kiện tu sửa và xây dựng mới. Nhân dân các dân tộc trong vùng tin tưởng vào đường lối, chính sách của Đảng.

Theo người phát ngôn Bộ Ngoại giao, thời gian gần đây, ở một số địa phương, trong quá trình thu hồi, đền bù đất đai phục vụ cho các mục tiêu phát triển kinh tế- xã hội và xây dựng cơ sở hạ tầng, đã xảy ra những khiếu kiện của một số người dân do không đồng tình với mức đền bù. Chính quyền các địa phương nói trên đã và đang tích cực giải quyết các vướng mắc liên quan đến đất đai theo đúng các quy định của pháp luật và điều kiện thực tế của địa phương.

"Hoàn toàn không có việc đàn áp hay hạn chế quyền tự do tôn giáo, tín ngưỡng, tự do ngôn luận đối với những người dân tộc Khmer tại khu vực đồng bằng sông Cửu Long," ông Lê Dũng nhấn mạnh.

Theo TTXVN