1. Dòng sự kiện:
  2. Phóng hỏa quán cà phê làm 11 người chết
  3. Sắp xếp bộ máy để tinh, gọn, mạnh

TPHCM:

Ba tuyến metro đội vốn hơn 60.000 tỷ đồng

(Dân trí) - Theo Ban quản lý đường sắt đô thị TPHCM, do trượt giá và lạm phát trong 5 năm qua, tính toán khối lượng công việc không đủ, tối ưu hóa một số thiết kế… khiến cho 3 dự án metro đội vốn hơn 60.000 tỷ đồng.

Ban Quản lý đường sắt đô thị TP vừa có văn bản khẩn gửi UBND TPHCM báo cáo tổng mức đầu tư các dự án metro đang thực hiện đầu tư xây dựng.

 

Công trường đúc dầm cho đoạn đường sắt trên cao tuyến metro số 1, Bến Thành - Suối Tiên
Công trường đúc dầm cho đoạn đường sắt trên cao tuyến metro số 1, Bến Thành - Suối Tiên

Theo đó, tuyến metro số 1 (Bến Thành – Suối Tiên) có tổng chiều dài 19,7 km, gồm 2,6 km đi ngầm và 17,1 km trên cao. Dự án được UBND TP phê duyệt vào năm 2007 với tổng vốn đầu tư là 1,09 tỷ USD (tương đương 17.390 tỷ đồng). Đến năm 2011, dự án được điều chỉnh và tổng mức đầu tư là 2,49 tỷ USD (tương đương 47.325 tỷ đồng).

Nguyên nhân tăng vốn là do sự biến động giá của nguyên – nhiên liệu, việc tăng lương tối thiểu từ năm 2006 đến năm 2009, còn lại là do khối lượng xây dựng cho dự án nhằm đem lại hiệu quả đầu tư và khai thác cao hơn cho dự án (đầu tư nhà máy, toa xe, trang thiết bị nhà ga,…).

Ngoài ra, việc cập nhật tỷ giá Yên Nhật và Việt Nam đồng, tỷ lệ tính toán các chi phí dự phòng, rủi ro trượt giá được cập nhật theo quy định mới, tính tới năm 2019 cũng làm cho tổng vốn đầu tư tăng lên đáng kể.

Trong khi đó, tuyến metro số 2 (Bến Thành – Tham Lương) dài 11,3 km (trong đó có 9,3 km đi ngầm) được phê duyệt vào năm 2010 với tổng vốn đầu tư hơn 1,3 tỷ USD. Đến nay, tổng mức đầu tư dự án là gần 2,1 tỷ USD (tăng 51% so với ban đầu).

Dự án tăng 240 triệu USD do trượt giá và lạm phát trong 5 năm qua (2010 – 2015), nguyên vật liệu và tiền lương; tăng 460 triệu USD do tối ưu hóa thiết kế, bổ sung khối lượng như thiết kế ga ngầm phù hợp với điều kiện địa chất thực tế (tường dày hơn, ga dài hơn...), bổ sung giao cắt với các tuyến khác...

Ngoài ra việc thay đổi tỷ giá giữa Việt Nam đồng  và USD, EURO; các thủ tục Việt Nam và các nhà tài trợ thường xuyên thay đổi làm chậm trễ tiến độ dự án, phát sinh chi phí cho các tư vấn, tăng chi phí do trượt giá, lạm phát cũng làm tăng tổng mức đầu tư.

Đối với tuyến metro số 5 (giai đoạn 1), đoạn ngã tư Bảy Hiền – cầu Sài Gòn dài gần 9 km, khi đăng ký danh mục dự án ODA ước khoảng 833 triệu EURO (năm 2011). Tuy nhiên, tính đến thời điểm hiện nay, tổng mức đầu tư của dự án ước khoảng 1,56 tỷ EURO (tăng 87%).

Theo Ban Quản lý đường sắt đô thị, dự án tăng vốn là do tính toán lại khối lượng của toàn bộ dự án, trượt giá từ năm 2010 đến năm 2014 của 2 đồng tiền EURO và Việt Nam đồng, do chế độ chính sách tiền lương thay đổi; bổ sung 5% chi phí quản lý dự án, chi phí tư vấn tăng 7% theo quy định mới...

Qua tính toán của các dự án tại thời điểm hiện nay, suất đầu tư tính trên 1 km của tuyến metro số 1 là 94 triệu USD/km, tuyến metro số 2 là gần 131 triệu USD/km và tuyến số 5 là gần 118 triệu USD/km. Theo Ban Quản lý đường sắt đô thị, đối chiếu với suất vốn đầu tư của các dự án nước ngoài khác thì suất đầu tư của các dự án đường sắt đô thị thành phố không cao.

Hiện nay, các tuyến metro số 2 và số 5 đang được trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, cho phép điều chỉnh dự án (tuyến số 2) và trình Quốc hội chủ trương đầu tư (tuyến số 5).

Quốc Anh

Ba tuyến metro đội vốn hơn 60.000 tỷ đồng - 2