1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM

Áp thấp nhiệt đới khả năng thành bão có diễn biến khá phức tạp

Nguyễn Dương

(Dân trí) - Đại diện cơ quan khí tượng thủy văn cho biết, áp thấp nhiệt đới đang hoạt động trên Biển Đông có khả năng mạnh lên thành bão trong những giờ tới có diễn biến phức tạp về cường độ và hướng di chuyển.

Sáng nay (20/12), Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống thiên tai (PCTT) đã tổ chức cuộc họp ứng phó với áp thấp nhiệt đới (có thể mạnh lên thành bão số 14). Cuộc họp do ông Trần Quang Hoài, Tổng cục trưởng Tổng cục PCTT chủ trì.

Vùng biển Bình Định đến Ninh Thuận có gió mạnh, nguy hiểm cho tàu thuyền

Tại cuộc họp, ông Hoàng Phúc Lâm, Phó Giám đốc Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn Quốc gia cho biết: Dự báo trong 24 giờ tới, áp thấp nhiệt đới di chuyển với tốc độ khá nhanh, khoảng 25km/h; trong ngày và đêm nay áp thấp nhiệt đới sẽ mạnh lên cấp 8; đến đêm 21/12 và sang ngày 22/12, áp thấp sẽ tiếp tục mạnh lên khoảng cấp 9. 

"Khi áp thấp nhiệt đới đi vào kinh tuyến khoảng 110-112 độ kinh Đông là thời điểm áp thấp mạnh lên thành bão, ở cường độ cấp 9. Khi tiếp tục đi sâu về phía đất liền bão sẽ đi hơi chệch xuống phía Nam do ảnh hưởng của không khí lạnh dồn xuống. Chính do tác động của không khí lạnh này nên bão có xu hướng suy yếu", ông Lâm cho biết.

Áp thấp nhiệt đới khả năng thành bão có diễn biến khá phức tạp - 1

Ông Hoàng Phúc Lâm thông tin về diễn biến cơn áp thấp nhiệt đới.

Cũng theo ông Lâm, diễn biến bão khá phức tạp, bão không chỉ di chuyển cố định theo hướng Tây Nam, mà đến ngày 23/12, bão lại có xu thế đi theo hướng Tây. Thời điểm này, bão giảm cường độ, còn ở cấp 7. 

Theo ông Lâm, do ảnh hưởng của bão, toàn bộ vùng mây đối lưu và mưa, gió mạnh sẽ nằm ở phía Tây Bắc của áp thấp nhiệt đới/bão. Vùng biển từ Bình Định đến Ninh Thuận sẽ có gió rất mạnh.

"Thậm chí bên ngoài bão mạnh cấp 8, nhưng trong bờ khu vực vùng biển Bình Định đến Ninh Thuận có thể có gió mạnh cấp 9. Nguyên nhân do mạnh là do kết hợp với không khí lạnh chứ không phải hoàn toàn là do bão", ông Lâm lưu ý.

Phó Giám đốc Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn Quốc gia cho biết thêm, khi bão vào khu vực Bình Thuận đến Cà Mau, cường độ của bão có thể đạt cấp 7. Thời điểm này gió mùa Đông Bắc đang suy yếu, địa hình khu vực này bị chéo theo hướng Đông Bắc - Tây Nam nên gió không mạnh như ở Bình Định - Ninh Thuận.

Về diễn biến mưa do ảnh hưởng của bão, ông Lâm cho biết, mưa chủ yếu sẽ tập trung ở khu vực Đà Nẵng đến Bình Thuận, sau đó mưa lan ra toàn bộ khu vực Nam Bộ. Tuy nhiên, lượng mưa theo ông Lâm là không lớn lắm, chỉ khoảng 50-150mm/đợt.

"Nguy hiểm nhất của áp thấp nhiệt đới/bão là gió mạnh, đặc biệt là khu vực Bình Định - Ninh Thuận có thể đạt cấp 8-9; Bình Thuận - Cà Mau gió mạnh ở khoảng cấp 7", ông Lâm lưu ý.

Theo báo cáo của Bộ đội biên phòng các tỉnh từ Quảng Ngãi đến Kiên Giang, đến sáng nay, đã thông báo kiểm đếm hướng dẫn cho hơn 46.000 phương tiện với hơn 255.000 người biết diễn biến và hướng di chuyển của áp thấp nhiệt đới để chủ động phòng tránh hoặc thoát khỏi khu vực nguy hiểm. Quan sát trên Hệ thống giám sát tàu cá của Tổng cục Thủy sản cho thấy, hiện còn 138 tàu của các tỉnh Bình Định, Khánh Hòa, Phú Yên, Quảng Nam, Quảng Ngãi đang trong khu vực ảnh hưởng của áp thấp nhiệt đới.

Liên quan đến hơn 1.000 phương tiện với gần 9.000 người đang hoạt động ở khu vực Quần đảo Trường Sa, Thượng tá Nguyễn Đình Hưng, Bộ Tư lệnh Bộ đội Biên phòng cho biết, các phương tiện đang di chuyển thoát khỏi vùng nguy hiểm hoặc vào nơi neo đậu, tránh trú.

Áp thấp nhiệt đới khả năng thành bão có diễn biến khá phức tạp - 2

Thượng tá Nguyễn Đình Hưng, Bộ Tư lệnh Bộ đội Biên phòng thông tin về tình hình tàu thuyền hoạt động trên biển.

"Cơ quan thường trực của Bộ Tư lệnh Biên phòng sẽ tiếp tục theo dõi, đôn đốc, hướng dẫn, chỉ đạo các đơn vị khẩn trương thông báo kêu gọi các phương tiện. Nắm chắc và duy trì liên lạc thường xuyên đối với các phương tiện nằm trong vùng nguy hiểm, đồng thời duy trì nghiêm chế độ trực các phương tiện, đặc biệt là các phương tiện để sẵn sàng tham gia xử lý các tình huống trên biển khi xảy ra", Thượng tá Nguyễn Đình Hưng cho biết.

Tàu 10.000 tấn còn bị chìm, không được chủ quan với gió mạnh

Lưu ý tại cuộc họp, ông Trần Quang Hoài nhấn mạnh, các địa phương không chủ quan trong ứng phó áp thấp nhiệt đới vì còn diễn biến rất phức tạp.

Dẫn chứng tàu hàng gần 10.000 tấn quốc tịch Panama bị nghiêng và chìm do thời tiết xấu trên biển ngày 17/12 vừa qua tại vùng biển Phú Quý, tỉnh Bình Thuận, ông Hoài nêu rõ, vùng ảnh hưởng của áp thấp nhiệt đới có khả năng mạnh lên thành bão còn rất nhiều tàu thuyền hoạt động, trong đó có cả tàu vận tải, tàu hàng.

Ông Hoài đề nghị Bộ tư lệnh Bộ đội biên phòng tuyến biển, Tổng cục Thủy sản phối hợp với các địa phương hướng dẫn cụ thể tàu thuyền thoát ra khỏi khu vực nguy hiểm, giữ thông tin liên lạc thường xuyên với chủ các phương tiện. Sẵn sàng lực lượng, phương tiện cứu hộ, cứu nạn để xử lý kịp thời các tình huống xấu có thể xảy ra. Quản lý chặt chẽ việc ra khơi của các tàu thuyền, hướng dẫn neo đậu tại bến, trên đảo, khu vực cửa sông đảm bảo an toàn.

Tổng cục trưởng Tổng cục PCTT cũng lưu ý, Bộ đội biên phòng sớm tổ chức bắn pháo hiệu để không chỉ thông báo cho các tàu thuyền đang hoạt động trên biển mà còn cả những ngư dân hoạt động ở khu vực ven bờ nắm được diễn biến và thông báo về áp thấp nhiệt đới.

Áp thấp nhiệt đới khả năng thành bão có diễn biến khá phức tạp - 3

Ông Hoài phát biểu kết luận cuộc họp.

Theo ông Hoài, trên biển hiện nay còn rất nhiều tàu thuyền ở khu vực nguy hiểm. Tổng cục Thủy sản và Bộ Tư lệnh Biên phòng và Văn phòng thường trực Ban Chỉ đạo tiếp tục liên hệ với các địa phương theo dõi thật chặt chẽ tình hình tàu thuyền trên biển để đảm bảo an toàn hoặc thoát ra khỏi những khu vực nguy hiểm.

"Tàu Panama trọng tải lớn nhưng còn bị chìm cho thấy diễn tiến trên biển rất nguy hiểm. Đối với khu vực nuôi trồng thủy hải sản ven biển, đề nghị phải tích cực thông tin cho địa phương để cung cấp thông tin cho người dân đảm bảo hoàn toàn, không chủ quan. Những tình huống này mà chủ quan thì đến lúc phải đi cứu hộ cứu nạn chưa chắc đã đảm bảo an toàn", ông Hoài lưu ý.