Ăn xin thời “hêlô”, “thanh kiu”
(Dân trí) - “Hêlô”, “thanh kiu”, “cho một tờ đô nào” và ngả nón xin tiền khách du lịch nước ngoài là kiểu ăn xin thời thượng của phường “cái bang” chỉ muốn ăn mà không muốn làm, trên các tuyến phố lớn của thủ đô Hà Nội.
Dạo quanh các phố Hàng Ngang, Hàng Đào trải dài đến chợ Đồng Xuân, nơi nhiều du khách nước ngoài ghé thăm, mới thấy nhiều kiểu ăn xin tinh vi và ma mãnh.
Ngồi chờ ở quán trà đá cạnh chợ Đồng Xuân chiều 10/5, phì phèo khói thuốc trên tay, cậu bé tầm 15 tuổi, quần áo tả tơi, với đầy đủ dụng cụ “hành nghề” như nón, túi xách chờ khách nước ngoài đi qua để ngả nón xin tiền.
Thấy một nhóm khách Tây vừa tụt xích lô xì xồ bước tới, cậu bé chạy sấn tới: “Hêlô ông Tây cho một tờ đô đi” làm cả đoàn khách du lịch khựng lại, đảo mắt tìm vội người phiên dịch. Anh hướng dẫn viên mặt méo xệch ra sức giải thích cho khách đồng thời quay sang lườm cậu bé. Nhưng coi như không, “tiểu cái bang” này vẫn bám theo nhằng nhẵng, đến khi không chịu nổi, một vị khách trong đoàn phải rút ví đưa cho cậu tờ 20 nghìn tiền Việt để được yên thân.
“Hành sự” xong, cậu lại tiếp tục ngồi uống trà đá. Cứ thế ngày qua ngày cậu cũng kiếm được chút tiền, đủ để đánh chén, thuốc thang với bạn bè.
“Bố mẹ nó bỏ nhau, không có ai nuôi dạy nên bỏ nhà lên thủ đô kiếm sống. Gặp mấy thằng bạn cùng cảnh ngộ thế là rủ bày trò đi ăn xin. Dễ dàng lại không vất vả. Bọn nó một ngày cũng kiếm được tiền chục, đủ để sống qua ngày”, cô chủ quán nước chè lắc đầu ngán ngẩm.
Khác với sự lì lợm của cậu bé chuyên ngả nón xin tiền, một chàng trai gần 30 tuổi có kiểu “khổ nhục kế” để ăn xin đáng thương và tội nghiệp đến chảy nước mắt. Mặt mũi nhem nhuốc, chân tay bẩn thỉu, ngồi lê lết ngay chính giữa đường đi dọc phố Hàng Ngang - Hàng Đào, ai đi qua cũng phải cho tiền vì thương quá. Họ đâu có biết rằng chỉ nhận được tiền, xong 1 ngày “thu hoạch”, anh ta lại tung tăng rảo bước về nhà chung vui cùng vợ con.
Cô Thương, chủ cửa hàng quần áo ở Hàng Ngang nói: “Thằng đấy nó giả vờ bị què chân đấy. Xin được tiền là nó biến ngay. Ở đây cũng nhiều người chửi nó, trai tráng khỏe mạnh không lo làm ăn lại đi ăn xin, nhưng nó cứ giả câm, giả điếc, lâu dần cũng kệ thôi”.
Nhớ lại những câu chuyện về ăn xin để xây nhà tầng, ăn xin theo mùa vụ mới thấy đáng buồn. Với người Việt, vì tình thương, nhiều người sẵn sàng bỏ ra 1 vài nghìn để cho, nó không đáng là bao nhiêu. Nhưng với người nước ngoài, họ sẽ nghĩ gì về nước Việt Nam khi mà đi đến đâu cùng thấy ăn xin, đi đến đâu cũng bị níu lại để xin tiền?
Cuối tuần trước, tình cờ qua khu Bờ Hồ, chúng tôi gặp một cụ già 70 tuổi, tóc bạc, trông rất đẹp lão, chống gậy đi xin. Thấy người nước ngoài, cụ nhào tới để xin tiền, không cho cụ níu áo đi theo cho đến cùng. Tờ bạc 1 đô nhận được từ cái lắc đầu kèm ánh mắt khó chịu của một cặp vợ chồng người nước ngoài, nhưng cụ thì cảm thấy “sướng” vì gặp được “khách sộp”. Tính ra cũng được gần 16 nghìn tiền Việt, bằng hơn 10 người Việt Nam cho - ông cụ lẩm nhẩm…
Những kiểu ăn xin bập bẹ ngoại ngữ để “ám” khách Tây như vậy vẫn cứ tiếp diễn ngày ngày trên các tuyến phố lớn của Hà Nội. Điều đó sẽ phần nào ảnh hưởng đến cách nhìn của người nước ngoài khi đến với Việt Nam. Ở Đà Nẵng tình trạng ăn xin đã được chấm dứt từ rất lâu, còn ở giữa lòng thủ đô, đến bao giờ mới chấm dứt được tình trạng này?
Giản Lâm