1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM
  3. Phóng hỏa quán cà phê làm 11 người chết

An Giang: Phà Vàm Cống hoạt động trở lại sau 4 năm "ngủ yên"

Bảo Kỳ

(Dân trí) - Nhằm tạo thuận tiện cho người dân 2 tỉnh An Giang và Đồng Tháp đi lại dễ dàng hơn, phà Vàm Cống đã hoạt động trở lại.

7h ngày 1/9, phà Vàm Cống phục vụ đưa đón khách 2 tỉnh An Giang và Đồng Tháp chính thức hoạt động trở lại. 

Bến phà Vàm Cống, nằm bên bờ sông Hậu, thuộc phường Mỹ Thạnh (TP Long Xuyên, tỉnh An Giang). Cách cầu Vàm Cống khoảng 8km.

Bến phà tồn tại hơn trăm năm, cầu nối giúp người dân đi lại, giao thương hàng hóa và cũng là nơi hàng trăm lao động bám phà mưu sinh. 

An Giang: Phà Vàm Cống hoạt động trở lại sau 4 năm ngủ yên - 1

Sau giấc ngủ dài 4 năm, phà Vàm Cống đã "thức giấc" khiến người dân đôi bờ vô cùng phấn khởi (Ảnh: Bảo Kỳ).

Theo ghi nhận của phóng viên Dân trí, lượng xe cộ lưu thông qua phà Vàm Cống trong ngày đầu trở lại không quá nhiều, mỗi lượt đưa đón khoảng 30-40 phương tiện, chủ yếu là xe máy và ô tô. 

Ngày thường ông Đặng Phương Lộc (55 tuổi) phải đi hơn 15km, từ Long Xuyên sang nhà xưởng sắt thép ở Lấp Vò làm việc. 7h30 vô ca làm nhưng 5h sáng ông đã thức dậy chuẩn bị đi làm. 

"Nghe tin phà Vàm Cống hoạt động trở lại tôi mừng lắm vì việc đi lại sẽ thuận tiện hơn, đỡ mất công dậy sớm", ông Lộc vui vẻ nói. 

Phà Vàm Cống "hồi sinh" sau 4 năm "ngủ yên" (Clip: Bảo Kỳ).

Còn anh Vũ Linh (ngụ huyện Lấp Vò) cho biết, anh thường qua Long Xuyên mua sắm hàng hóa, nếu đi đường cầu Vàm Cống rất mất thời gian, cả đi và về hơn một tiếng đồng hồ. Nay đi được phà Vàm Cống vừa tiết kiệm thời gian lại ít tốn kém. 

"Mỗi lượt đi phà tốn 6.000 đồng, so với lúc trước tăng 1.000 đồng. Nếu đi đường cầu thì tốn cả nửa lít xăng", anh Linh nói. 

An Giang: Phà Vàm Cống hoạt động trở lại sau 4 năm ngủ yên - 2

Anh Đỗ Văn Khôi vui mừng vì đường đi làm sẽ gần hơn (Ảnh: Bảo Kỳ).

Còn anh Đỗ Văn Khôi (ngụ TP Long Xuyên) bày tỏ, có phà hoạt động trở lại sẽ thêm sự lựa chọn cho người dân tùy theo nhu cầu của mỗi người đi tàu hay phà.

Người dân mừng vì việc đi lại giữa 2 tỉnh gần hơn còn bà con tiểu thương buôn bán tại bến phà cũng phấn chấn không kém, vui mừng vì sắp thoát cảnh kinh doanh ế ẩm suốt 4 năm qua.

Hơn 30 năm gắn bó với bến phà Vàm Cống để buôn bán, bà Ngợi tâm sự: "Từ ngày phà dừng hoạt động tới nay 4 năm, buôn bán ế ẩm hầu như không bán được gì. Ai nấy mong sao phà sớm trở lại hoạt động như xưa, nay đã thành sự thật. Tôi cũng như bà con ở đây mừng không sao nói nên lời".

Cụm phà Vàm Cống trước đây do Khu Quản lý đường bộ IV (Cục Đường bộ, Bộ Giao thông vận tải) quản lý. Sau khi dừng hoạt động, cụm bến được bàn giao lại cho Công ty cổ phần Phà An Giang và Đồng Tháp quản lý.

Hiện việc đưa rước khách do Công ty cổ phần Phà An Giang và Phà Đồng Tháp vận hành.

An Giang: Phà Vàm Cống hoạt động trở lại sau 4 năm ngủ yên - 3

Phương tiện qua phà Vàm Cống hiện chủ yếu là xe máy, ô tô (Ảnh: Bảo Kỳ).

Trước mắt, sẽ khai thác, vận chuyển hành khách và các loại phương tiện thô sơ, phương tiện cơ giới, phương tiện giao thông đường bộ, tổng tải trọng phương tiện dưới 7 tấn, xe khách đến 30 ghế, ô tô giường nằm dưới 22 ghế.

Ông Trần Quốc Long, Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Phà An Giang, cho biết: "Phà Vàm Cống hoạt động trở lại dựa trên ý kiến của cử tri và sự thống nhất của lãnh đạo An Giang và Đồng Tháp. Đơn vị sẽ bố trí 3 phà có tải trọng từ 40 đến 60 tấn phục vụ hành khách. Vào cao điểm có thể tăng cường thêm một phà tải trọng 100 tấn".

Mức giá qua phà Vàm Cống được áp dụng thống nhất cả hai bờ An Giang và Đồng Tháp, dao động từ 6.000 đến 60.000 đồng/lượt, tùy phương tiện. Mức giá này cũng đang áp dụng cho các bến phà tại Đồng Tháp.

Trước đó, cầu Vàm Cống bắc qua sông Hậu khánh thành ngày 19/5/2019. Công trình có tổng mức đầu tư 5.700 tỷ đồng, nối quận Thốt Nốt (TP Cần Thơ) và huyện Lấp Vò (tỉnh Đồng Tháp).

Sau khi cầu thông xe, đúng 9h ngày 30/6/2019, chuyến phà cuối tại bến Vàm Cống (cách cầu khoảng 4km) cũng hoàn thành và bến chính thức bị dừng và đến ngày hôm nay (1/9) phà mới hoạt động trở lại.