1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM
  3. Phóng hỏa quán cà phê làm 11 người chết

Ai giàu nhất Việt Nam?

Gần đây trên báo chí có thông tin về “những người giàu nhất Việt Nam”, trong đó có người đang nắm trong tay ít nhất 2.600 tỉ đồng. Con số này được tính trên cơ sở nào và “người trong cuộc” nói gì khi có tên trong danh sách những người giàu nhất Việt Nam?

Có chính xác?

“Thông tin về số lượng cổ phiếu nắm giữ của các cổ đông chính tại những doanh nghiệp như Công ty cổ phần phát triển đầu tư công nghệ FPT, Ngân hàng ACB, Công ty Kinh Đô, Công ty Chứng khoán Sài Gòn... tuy không phải là thông tin được công bố chính thức nhưng là chính xác” - giám đốc một công ty chứng khoán tại Hà Nội đã xác nhận như vậy.

Theo vị giám đốc này, dựa vào số lượng cổ phiếu mà người đó đang nắm giữ và giá cổ phiếu trên thị trường có thể dễ dàng tính ra giá trị tài sản của người đó.

Theo ông Bùi Kiến Thành - Việt kiều tại Mỹ và là chuyên gia trong lĩnh vực tài chính, điều khiến nhiều người trở nên giàu có với số tài sản lớn như vậy là do các doanh nghiệp mà họ là cổ đông đã có những chiến lược phát triển, những triển vọng nhất định để các nhà đầu tư kỳ vọng, đẩy giá trị cổ phiếu tăng cao.

“Đây cũng là cách tính mà tạp chí Forbes áp dụng để xếp hạng những người giàu nhất thế giới. Tất nhiên, ngoài cổ phiếu còn phải tính đến những tài sản khác, trong đó có bất động sản...” - ông Thành nói. Việc cổ phiếu lên giá nhanh khiến “tài sản” của các cổ đông của công ty tăng nhanh, theo ông Thành, cũng là điều bình thường.

Theo bản cáo bạch của Công ty FPT đã công bố công khai, ông Trương Gia Bình - chủ tịch HĐQT kiêm tổng giám đốc Công ty FPT - hiện đang nắm giữ 5.117.280 cổ phiếu FPT. Nếu căn cứ vào giá cổ phiếu của FPT trong ngày 12/1 là 525.000 đồng/cổ phiếu thì tổng giá trị cổ phiếu mà ông Bình đang nắm giữ lên tới 2.625 tỉ đồng.

Theo ông Huy Nam - chuyên gia chứng khoán, tại Việt Nam đã xuất hiện một lớp “người giàu mới”, đó là những người sở hữu nhiều cổ phiếu có giá trên thị trường. Thay vì đầu tư vào bất động sản hay những lĩnh vực khác, họ đầu tư vào cổ phiếu, làm giàu công khai.

Với sự xuất hiện của những “người giàu mới” đã góp phần thay đổi cách sắp xếp ngôi thứ người giàu trong xã hội Việt Nam, đó là việc sử dụng số lượng cổ phiếu và giá trị của nó trên thị trường như một tiêu chí đánh giá, thay vì chỉ có những tiêu chí bất động sản hay đôla... như trước đây.

Cũng theo ông Nam, trong quá trình công bố danh sách người giàu tại nhiều nước, nhất là những quốc gia mà mọi hoạt động đều được công khai, minh bạch, người ta cũng tính toán dựa trên số cổ phiếu và giá trị cổ phiếu. Tài sản của tỉ phú Bill Gates cũng được tính theo tiêu chí này.

Tại Việt Nam, cách tính toán người giàu theo tiêu chí mới này còn rất lạ lẫm, nhưng chúng ta sẽ phải quen dần. Dù vậy, cũng cần lưu ý là mặc dù cách tính rất hợp lý nhưng giá trị tài sản dựa trên số cổ phiếu chỉ mang tính tương đối, do còn phụ thuộc giá trị của cổ phiếu trên thị trường. Chỉ cần qua một đêm, người sở hữu cổ phiếu có thể giàu thêm nhưng cũng có thể... bớt giàu đi.

Nên xếp hạng

Theo ông Huỳnh Bửu Sơn - chuyên gia kinh tế, việc xác định tài sản của một cá nhân dựa trên số lượng cổ phiếu mà cá nhân đó nắm giữ và giá trị cổ phiếu trên thị trường là một cách tính hoàn toàn hợp lý, đã được nhiều nước thực hiện. Tuy nhiên, ông Sơn cho rằng chỉ căn cứ vào cổ phiếu thì chưa thuyết phục, thậm chí không chính xác.

Trong trường hợp một người bán ra với một khối lượng cổ phiếu khá lớn, chưa chắc đã bán được hết và giá cổ phiếu cũng chưa hẳn giữ được như mong đợi.

Đặc biệt, nếu người bán ra một khối lượng lớn cổ phiếu lại là người nắm giữ vị trí trọng yếu của đơn vị đó thì giá cổ phiếu càng giảm mạnh. Theo ông Sơn, giá trị tài sản tính toán trên số lượng cổ phiếu và giá trị trên thị trường sẽ có một khoảng cách khá lớn với thực tế.

Còn luật sư Lê Thành Kính thì cho rằng việc công bố những thông tin về giá trị tài sản của các cá nhân dựa trên số cổ phiếu mà cá nhân đó sở hữu và giá cổ phiếu trên thị trường là không có gì vi phạm về “thông tin cá nhân”.

Trên thực tế, những thông tin về số cổ phiếu của những cổ đông nắm giữ các vị trí chủ chốt ở các doanh nghiệp đều được thông báo công khai trong bản cáo bạch của các đơn vị này. Luật pháp cũng không có điều khoản nào cấm báo chí được công bố những thông tin đã công khai này.

Những người giàu nhất nói gì?

Tổng giám đốc Công ty cổ phần Đồng Tâm Võ Quốc Thắng thì cho rằng: “Tôi không nghĩ mình lại nằm trong danh sách những người giàu nhất Việt Nam”. Tuy nhiên theo ông Thắng, những thông tin này là một sự khuyến khích vì đây cũng là động lực giúp các doanh nghiệp, doanh nhân vươn lên khẳng định mình. Nếu xác định người giàu nhất chỉ căn cứ trên cổ phiếu thì chưa đủ vì ngoài ra còn nhiều tài sản khác nữa...

Theo ông Thắng, trước sau mọi chuyện cũng phải rõ ràng vì với một công ty thì giá trị cổ phiếu, số lượng cổ phiếu, giá trị doanh nghiệp tăng bao nhiêu đều có thể dễ dàng định giá, qua đó sẽ biết được ngay. Với trường hợp doanh nghiệp niêm yết cổ phiếu thì việc đánh giá này càng chính xác hơn.

Còn trước thông tin mình nằm trong top ten giàu nhất Việt Nam, ông Trương Gia Bình - chủ tịch HĐQT kiêm tổng giám đốc FPT - than rằng: “Tôi quá mệt mỏi với những chuyện này”.

Theo Nhóm PV
Báo Tuổi Trẻ