1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM
  3. Phóng hỏa quán cà phê làm 11 người chết

Ai được cung cấp thông tin công dân trong cơ sở dữ liệu căn cước?

Thế Kha

(Dân trí) - Thông tư số 59/2021 vừa được Bộ Công an ban hành hướng dẫn về trường hợp hủy, xác lập lại số định danh cá nhân và các trường hợp được cung cấp thông tin của công dân trong cơ sở dữ liệu căn cước.

Bộ trưởng Bộ Công an vừa ký ban hành Thông tư số 59/2021 quy định chi tiết thi hành Luật Căn cước công dân và Nghị định số 137/2015 quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Căn cước công dân đã được sửa đổi, bổ sung bằng Nghị định số 37/2021.

Thông tư 59 cho biết, số căn cước công dân, số định danh cá nhân đã có trong giấy khai sinh là số định danh cá nhân của công dân. Các trường hợp công dân đã được cấp thẻ căn cước công dân, giấy khai sinh đã có số định danh cá nhân thì sử dụng thông tin về số căn cước công dân, số định danh cá nhân trong giấy khai sinh và các thông tin trên thẻ căn cước công dân, giấy khai sinh để tiến hành các giao dịch với các cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan.

Khi công dân có yêu cầu được thông báo về số định danh cá nhân và thông tin trong cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư thì công dân hoặc người đại diện hợp pháp yêu cầu công an cấp xã nơi công dân đăng ký thường trú cấp văn bản thông báo.

Công dân sử dụng thông báo này để chứng minh nội dung thông tin của mình trong cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư với các cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan.

Ai được cung cấp thông tin công dân trong cơ sở dữ liệu căn cước? - 1

Căn cước công dân gắn chíp điện tử (Ảnh: Đỗ Linh).

Hủy, xác lập lại số định danh cá nhân

Trường hợp xác lập lại số định danh cá nhân do công dân được xác định lại giới tính hoặc cải chính năm sinh theo quy định của pháp luật về đăng ký hộ tịch thì công an cấp xã nơi công dân đăng ký thường trú yêu cầu công dân đó cung cấp giấy tờ, tài liệu hộ tịch chứng minh việc đã được xác định lại giới tính hoặc cải chính năm sinh để kiểm tra, xác minh, bổ sung vào hồ sơ quản lý. Đồng thời gửi yêu cầu đề nghị xác lập lại số định danh cá nhân cho công dân lên cơ quan quản lý Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư Bộ Công an.

Trường hợp hủy số định danh cá nhân đã xác lập cho công dân do có sai sót trong quá trình nhập dữ liệu liên quan đến thông tin về nơi đăng ký khai sinh, năm sinh, giới tính của công dân vào Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư thì công an cấp xã nơi công dân đăng ký thường trú phải kiểm tra, xác minh tính chính xác của các thông tin cần điều chỉnh và gửi yêu cầu đề nghị hủy, xác lập lại số định danh cá nhân cho công dân lên cơ quan quản lý Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư - Bộ Công an.

Thủ trưởng cơ quan quản lý Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư Bộ Công an có trách nhiệm xem xét, quyết định việc hủy, xác lập lại số định danh cá nhân cho công dân đối với 2 trường hợp trên. Sau khi quyết định hủy, xác lập lại số định danh cá nhân cho công dân thì cơ quan quản lý Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư (Bộ Công an) phải cập nhật số định danh cá nhân mới cho công dân vào Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư.

Số định danh cá nhân đã bị hủy được lưu vào dữ liệu thông tin của công dân trong Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư và không được sử dụng để cấp cho công dân khác.

Thông tư số 59 quy định, công an cấp xã nơi công dân đăng ký thường trú gửi thông báo bằng văn bản cho công dân về số định danh cá nhân mới được xác lập lại.

Ai được cung cấp thông tin công dân trong cơ sở dữ liệu căn cước? - 2

Công an Hà Nội làm thủ tục cấp đổi căn cước công dân gắn chíp cho người dân (Ảnh: Đỗ Linh).

Cung cấp thông tin của công dân trong Cơ sở dữ liệu căn cước công dân

Đáng chú ý, Thông tư số 59 quy định các trường hợp được cung cấp thông tin công dân trong Cơ sở dữ liệu căn cước công dân gồm:

- Công an các đơn vị, địa phương để phục vụ yêu cầu phòng, chống tội phạm và các hoạt động nghiệp vụ khác của lực lượng Công an nhân dân.

- Cơ quan tiến hành tố tụng để phục vụ hoạt động điều tra, truy tố, xét xử.

- Cơ quan quản lý cơ sở dữ liệu chuyên ngành, cơ quan nhà nước, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội để phục vụ công tác quản lý theo chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn được giao.

- Công dân được cung cấp thông tin của mình trong Cơ sở dữ liệu căn cước công dân.

- Cơ quan, tổ chức và công dân không thuộc quy định tại các điểm trên có nhu cầu cung cấp thông tin của công dân trong Cơ sở dữ liệu căn cước công dân phải được công dân đó đồng ý bằng văn bản có công chứng hoặc chứng thực.

Bộ Công an quy định, cơ quan, tổ chức có nhu cầu cung cấp thông tin của công dân trong Cơ sở dữ liệu căn cước công dân phải có văn bản đề nghị, nêu rõ mục đích, nội dung, phạm vi thông tin cần cung cấp, cam đoan chịu trách nhiệm trong sử dụng thông tin khi được cung cấp.

Công dân có nhu cầu cung cấp thông tin của mình thì có văn bản yêu cầu nêu rõ mục đích, nội dung thông tin cần cung cấp; xuất trình thẻ căn cước công dân để cơ quan công an kiểm tra, xác định đúng người đề nghị cung cấp thông tin.

Trong thời hạn 5 ngày làm việc, kể từ ngày nhận được văn bản yêu cầu khai thác, người có thẩm quyền có trách nhiệm trả lời bằng văn bản kết quả khai thác thông tin trong Cơ sở dữ liệu căn cước công dân.

Thông tư số 59/2021 có hiệu lực thi hành kể từ ngày 1/7/2021.