1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM
  3. Phóng hỏa quán cà phê làm 11 người chết

Bộ Công an thành lập Trung tâm nghiên cứu dữ liệu dân cư, căn cước công dân

Nguyễn Dương

(Dân trí) - Một trong những chiến lược của Trung tâm là phối hợp, nghiên cứu, đầu tư phát triển định danh số, xác thực điện tử và chữ ký số. Đây là xu hướng phát triển của thế giới và thời đại...

Chiều 20/6, tại Hà Nội, Cục Cảnh sát Quản lý hành chính về trật tự xã hội (C06 - Bộ Công an) tổ chức lễ công bố quyết định thành lập Trung tâm nghiên cứu, ứng dụng dữ liệu dân cư và căn cước công dân (gọi tắt là Trung tâm) và lễ ký kết hợp tác chiến lược.

Trước đó, ngày 11/6, Bộ trưởng Bộ Công an đã ký ban hành Quyết định số 5068 về việc thành lập Trung tâm nêu trên.

Bộ Công an thành lập Trung tâm nghiên cứu dữ liệu dân cư, căn cước công dân - 1

Trụ sở Trung tâm Dữ liệu quốc gia về dân cư được đặt bên trong trụ sở của Bộ Công an, tại số 47, Phạm Văn Đồng, Hà Nội. (Ảnh: Nguyễn Dương).

Trung tâm là đơn vị sự nghiệp công lập thuộc Trung tâm Dữ liệu quốc gia về dân cư, C06. Nhiệm vụ và sứ mệnh của Trung tâm là nghiên cứu các sản phẩm, thiết bị và dịch vụ công nghệ ứng dụng dữ liệu dân cư, căn cước công dân (CCCD), phục vụ cho người dân và xã hội. 

Theo đó giúp giảm thiểu các thủ tục hành chính, tiết kiệm thời gian đi lại và tiền bạc cho nhân dân. 

Về khía cạnh doanh nghiệp, Trung tâm cung cấp các giải pháp nhanh chóng, tiện lợi và là sự đổi mới trong phương pháp hoạt động nhờ chuyển đổi số mà vẫn đảm bảo bảo mật, tin cậy. 

Với nền tảng là dữ liệu dân cư, CCCD mục tiêu mà Trung tâm hướng tới là các sản phẩm và dịch vụ chất lượng giúp thúc đẩy Chính phủ điện tử, Chính phủ số, nền kinh tế số, xã hội số tại Việt Nam.

Trung tá Nguyễn Thành Vĩnh, Giám đốc Trung tâm cho hay, Trung tâm nghiên cứu, ứng dụng dữ liệu dân cư và CCCD ra đời được kỳ vọng thúc đẩy phát triển các giá trị của Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, CCCD. 

Bộ Công an thành lập Trung tâm nghiên cứu dữ liệu dân cư, căn cước công dân - 2

Trung tá Nguyễn Thành Vĩnh, Giám đốc Trung tâm nghiên cứu, ứng dụng dữ liệu dân cư và CCCD phát biểu tại buổi lễ.

Hiện Trung tâm đã hình thành các chiến lược như cung ứng ngay các sản phẩm các doanh nghiệp cần gồm: Dịch vụ tư vấn kiểm soát sử dụng thẻ CCCD phục vụ kiểm soát an ninh thông qua thẻ CCCD; thiết bị thu nhận vân tay, thiết bị đọc chíp, một số kết quả thống kê phân tích dữ liệu... phục vụ phát triển kinh tế xã hội. 

Chiến lược tiếp của Trung tâm là hoàn thiện và sớm cung ứng sản phẩm mà doanh nghiệp đang cần, như: Thiết bị xác thực sinh trắc; ứng dụng xác minh qua mobile... cho các lĩnh vực như tài chính, ngân hàng...;

Trung tâm sẽ tập trung phối hợp, nghiên cứu, đầu tư phát triển định danh số, xác thực điện tử và chữ ký số. Đây là xu hướng phát triển của thế giới và thời đại nhằm thực hiện Chính phủ số, xã hội số, kinh tế số và công dân số; nghiên cứu, ứng dụng công nghệ mới trong quản lý dân cư; đa dạng sản phẩm thống kê, phân tích dữ liệu; tập trung phát triển các sản phẩm phục vụ người dân; phát triển kinh tế, văn hóa xã hội và phục vụ quản lý Nhà nước.

Lãnh đạo trung tâm cho hay, việc thành lập Trung tâm có sự tham gia của nhiều doanh nghiệp và tập đoàn lớn, trong đó có Tập đoàn Bưu chính viễn thông Việt Nam - VNPT, GTEL ICT... Trong đó, VNPT là đối tác chính của Trung tâm để cung cấp các dịch vụ dân cư dựa trên cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, dữ liệu sinh trắc học của CCCD.

Bộ Công an thành lập Trung tâm nghiên cứu dữ liệu dân cư, căn cước công dân - 3

Trung tâm nghiên cứu, ứng dụng dữ liệu dân cư và CCCD chính thức ra mắt và đi vào hoạt động.

Phát biểu tại buổi lễ, Đại tá Phạm Công Nguyên, Cục trưởng C06 cho rằng, việc thành lập Trung tâm là một trong những bước ngoặt, dấu mốc quan trọng để sau này làm cơ sở pháp lý, cũng như nền tảng để xây dựng các bộ sản phẩm ứng dụng khoa học kỹ thuật công nghệ và các dịch vụ vào việc khai thác những tiện ích của cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư và dữ liệu CCCD trong quản lý của Chính phủ, cũng như đem lại tiện ích cho người dân. 

Bộ Công an thành lập Trung tâm nghiên cứu dữ liệu dân cư, căn cước công dân - 4

Đại tá Phạm Công Nguyên, Cục trưởng C06 phát biểu tại buổi lễ.

Cục trưởng C06 đề nghị, trong thời gian tới để phát huy được những tiện ích, những thế mạnh, những hiệu quả kinh tế mà 2 dự án trên mang lại, Trung tâm cần phải làm tốt một số công việc sau:

Thứ nhất, tập trung nghiên cứu phát triển những sản phẩm dịch vụ, thiết bị phục vụ cho người dân, doanh nghiệp, các tổ chức, nhưng phải chú trọng phục vụ công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm và các yêu cầu nghiệp vụ của lực lượng công an.

Thứ hai, mở rộng kết nối hợp tác với các doanh nghiệp trong và ngoài ngành để ứng dụng các công nghệ, kỹ thuật mới tiên tiến để nâng cao chất lượng của các sản phẩm hoạt động kinh doanh. Tuy nhiên, phải đảm bảo yêu cầu về bảo mật, an ninh thông tin, đặc biệt là bảo mật về dữ liệu dân cư, căn cước công dân, dữ liệu cá nhân…

Thứ ba, đề nghị Ban Giám đốc Trung tâm cùng với tập thể cán bộ của nhân viên bám sát sự lãnh đạo, chỉ đạo của lãnh đạo Bộ Công an, của C06, của Trung tâm Dữ liệu quốc gia về dân cư để xây dựng chương trình, chiến lược phát triển nhằm đáp ứng đòi hỏi, yêu cầu, kỳ vọng cấp trên.

Bộ Công an thành lập Trung tâm nghiên cứu dữ liệu dân cư, căn cước công dân - 5

Đại biểu tham dự được trải nghiệm các ứng dựng dữ liệu dân cư, Căn cước công dân.

"Với việc công bố chính thức thành lập Trung tâm và đi vào hoạt động, chúng ta đã tiến thêm một bước quan trọng cho xây dựng Chính phủ điện tử, cho phép chúng ta bước vào giai đoạn mới trong công tác quản lý dân cư, quản lý con người từ thủ công sang hiện đại, đáp ứng yêu cầu hội nhập quốc tế trong khu vực và mang lại lợi ích thiết thực cho nhân dân", Đại tá Phạm Công Nguyên nói.