Hà Nội:
80 triệu đồng "đổ" xuống hồ để xử lý khuẩn tả
Để xử lý việc <a href="http://dantri.com.vn/suckhoe/6-thang-xay-ra-3-dot-dich-tieu-chay-cap-nguy-hiem/2008/4/226293.vip">hồ Linh Quang</a>(quận Đống Đa, Hà Nội) bị ô nhiễm phẩy khuẩn tả, ngành Y tế đã phải đổ xuống lòng hồ trên 1 tấn Cloramin B khử khuẩn, trị giá hơn 80 triệu đồng mà vẫn chưa có kết quả xét nhiệm nước cuối cùng.
Ngày 6/4, đoàn kiểm tra liên ngành Vệ sinh an toàn thực phẩm thành phố Hà Nội đã tiến hành phúc tra công tác vệ sinh an toàn thực phẩm tại quận Đống Đa và đi thị sát khu vực có nguy cơ cao bùng phát dịch tiêu chảy cấp nguy hiểm.
Theo ông Lê Anh Tuấn, Giám đốc Sở Y tế Hà Nội, nguy cơ bùng phát dịch bệnh tiêu chảy cấp xuất phát từ hai nguồn chính: Môi trường ô nhiễm và thực phẩm không đảm bảo vệ sinh.
Trong tuần tới, quận Đống Đa và các đơn vị liên quan sẽ giải quyết triệt để tình hình mất vệ sinh môi trường trầm trọng tại khu vực hồ Linh Quang, nơi bị ô nhiễm nhiều loại vi khuẩn độc hại khác. Để xử lý việc hồ Linh Quang bị ô nhiễm phẩy khuẩn tả, ngành Y tế đã phải đổ xuống lòng hồ trên 1 tấn Cloramin B khử khuẩn, trị giá hơn 80 triệu đồng và vẫn chưa có kết quả xét nhiệm nước cuối cùng.
Hiện tại, nguy cơ lây lan dịch bệnh ở khu vực này rất cao do chợ họp ngay bờ hồ ngập ngụa rác thải, phân thải ngay xuống lòng hồ, khu nhà trọ mất vệ sinh.
Ngoài việc yêu cầu quận Đống Đa giải tỏa khu chợ tạm, đoàn giám sát của HĐND thành phố yêu cầu quận thường xuyên kiểm tra vệ sinh khu vực nhà trọ, nếu không đảm bảo điều kiện vệ sinh thì không cho hoạt động.
Quận Tây Hồ và phường Yên Phụ cũng cần báo cáo các ngành liên quan giải quyết dứt điểm các tụ điểm mất vệ sinh, tiềm ẩn nguy cơ lây lan dịch bệnh.
Ông Nguyễn Văn Thắng, Phó chủ tịch UBND quận Tây Hồ cho biết: Đợt dịch tiêu chảy cấp năm nay, quận Tây Hồ đã có 31 bệnh nhân tiêu chảy cấp nguy hiểm (2 bệnh nhân dương tính với phẩy khuẩn tả), trong đó riêng phường Yên Phụ có 11 ca.
Những khu vực trọng điểm về mất vệ sinh, tiềm ẩn nguy cơ cao bùng phát dịch trên địa bàn quận là khu vực hồ Đồng Tâm, khu tập thể An Dương, khu vực bán thịt chó Nhật Tân, khu vực phường Bưởi ngõ phố chật chội, người đông đúc...
Để phòng chống dịch tiêu chảy cấp, đợt này quận Tây Hồ đã trích ngân sách dự phòng 700 triệu đồng, đẩy mạnh công tác tuyên truyền đến từng tổ dân phố, cụm dân cư, kiểm tra, giám sát các ổ dịch, khoanh vùng nguy cơ cao, nơi tập trung nhiều dân lao động, người lang thang..., tăng cường công tác kiểm tra vệ sinh thực phẩm, cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện vệ sinh thực phẩm cho các hộ kinh doanh.
Đến nay, quận đã cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện vệ sinh an toàn thực phẩm cho 64/107 cơ sở kinh doanh thức ăn đường phố (đạt 60%), phường cấp cho 341/425 cơ sở (đạt 86%). Trong 3 tháng, quận đã tiến hành trên 1.000 lượt kiểm tra vệ sinh an toàn thực phẩm, trong đó xử phạt hành chính 1,5 triệu đồng và đình chỉ 2 cơ sở vi phạm, tiêu hủy nhiều thực phẩm không bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm...
Theo TTXVN/VTC