1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM

6 dự án bị “sờ gáy”: Báo cáo nhanh, “nhận lỗi” chậm

(Dân trí) - 6 dự án giao thông trọng điểm trên toàn quốc có nhiều vấn đề về chất lượng và tiến độ thi công bị Bộ trưởng Đinh La Thăng “sờ gáy” đã có báo cáo sơ bộ về tình hình sửa chữa. Tuy nhiên khi nào sự cố được khắc phục xong thì vẫn phải... chờ!

Với Dự án mở rộng và hoàn thiện đường Láng - Hòa Lạc, các hư hỏng, khiếm khuyết của dự án này sau nửa năm bị “sờ gáy” được khẳng định là cơ bản đã được khắc phục. Một số tồn tại của dự án được nêu ra chủ yếu tập trung vào những khâu xử lý độ bằng phẳng của mặt đường, hệ thống thoát nước liên quan đến ngập úng cục bộ, cao độ mặt đường. Những tồn tại này được cho là đang và sắp hoàn thành. Tuy nhiên, việc tìm ra nguyên nhân gây nứt bê tông xi măng lớp C35 tại hầm chui đường sắt thì đến nay tư vấn thiết kế Tedi vẫn chưa có hồ sơ kiểm toán và báo cáo đánh giá chính thức.

Dự án đường cao tốc Cầu Giẽ - Ninh Bình, những lỗi bị đoàn kiểm tra phát hiện như: độ bằng phẳng mặt đường, lún đầu cầu và cống; lan can phòng hộ và cây xanh trồng trong dải phân cách đã được khắc phục. Đến nay, đoạn đường khai thác tạm Km210 - Km230 được báo cáo là vẫn đảm bảo cường độ và độ ổn định nền đường, không có hiện tượng hư hỏng kết cấu mặt đường, không có hiện tượng sạt trượt mái taluy nền đường, đảm bảo thoát nước.

6 dự án bị “sờ gáy”: Báo cáo nhanh, “nhận lỗi” chậm

Mặt cầu Thăng Long sau nhiều lần sửa chữa

Trong khi đó, sau nhiều năm mặt cầu Thanh trì sụt lún uy hiếp an toàn giao thông và đoạn phía nam đường vành đai 3 Hà Nội bị phát hiện là có vấn đề thì giải pháp trước mắt mà Ban Quản lý dự án Thăng Long (PMU Thăng Long) đưa ra để khắc phục sự cố là yêu cầu nhà thầu và tư vấn sửa chữa, thảm lại hơn 3,5 km mặt đường và cầu bị lồi lõm. Còn giải pháp lâu dài cần thực hiện vẫn chỉ là kiểm toán, tính toán lại kết cấu mặt đường theo yêu cầu của đoàn kiểm tra.

PMU Thăng Long cho biết, hiện nay tư vấn dự án đang phối hợp với các chuyên gia Nhật Bản đo vệt hằn bánh xe trên lớp bê tông nhựa. Sau khi hoàn thành, tư vấn sẽ có báo cáo kết quả kiểm toán và đề xuất giải pháp thực hiện. Đây cũng là câu trả lời không có gì khác biệt của lãnh đạo PMU Thăng Long với PV Dân trí trong những bài phản ảnh sự cố sụt lún trên cầu Thanh trì từ hơn 2 năm nay.

Liên quan đến tiến độ khắc phục sự cố của Dự án sửa chữa mặt cầu Thăng Long, tổng diện tích mặt cầu cần sửa chữa được Tổng Cục đường bộ Việt Nam và Ban Quản lý dự án 2 (PMU 2) báo cáo là đã xong 340m2 và đang tiếp tục được duy trì, khắc phục hư hỏng lớp phủ mặt cầu Thăng Long.

Dự án này đã tiêu tốn gần 100 tỷ đồng ngay từ thời điểm sửa chữa lần đầu là vào cuối năm 2009 nhưng vừa xong đã hỏng. Bởi thế, sau hơn 2 năm, Tổng Cục đường bộ Việt Nam vẫn đang phối hợp với các Vụ, Viện chuyên môn của Bộ Giao thông Vận tải tham gia thực hiện dự án tìm kiếm và phối hợp với các đối tác, tư vấn nước ngoài có đủ kinh nghiệm và năng lực, đặc biệt là kinh nghiệm về công nghệ thi công lớp phủ mặt cầu trên những cầu có đặc điểm tương tự như cầu Thăng Long.

Tổng Cục đường bộ Việt Nam cho hay đã làm việc với 1 công ty của Đức về các giải pháp liên quan đến việc sửa chữa mặt cầu Thăng Long và đề nghị công ty này xây dựng phương án, đề xuất giải pháp gửi Tổng cục xem xét làm cơ sở để báo cáo Bộ Giao thông Vận tải quyết định. Dự kiến, trong tháng 5/2012, phía đối tác Đức sẽ trả lời chính thức về vấn đề này.

TPHCM - Trung Lương, tuyến cao tốc dành cho ô tô đầu tiên tại Việt Nam đã có nhiều tai tiếng khi chất lượng công trình kém đến độ bị phơi bày một cách công khai. Bộ trưởng Đinh La Thăng đã trực tiếp thị sát dự án và “trảm” hàng loạt “vị tướng”, người đứng đầu của Ban quản lý Dự án là Tổng Công ty Cửu Long (Cửu Long CIPM) để xảy ra hư hỏng khiến dư luận bức xúc.

Sau khi tướng cũ bị “trảm”, những người kế nhiệm đã nhanh chóng bắt tay vào sửa chữa các vị trí hư hỏng cục bộ lớp bê tông nhựa. Đến nay, cơ bản các lớp bê tông nhựa bị hỏng đã được khắc phục xong và nhà thầu đã thi công hoàn trả lớp bê tông nhựa tạo nhám đạt khoảng 75%. Tuy nhiên, công việc thi công tạo lớp nhám hiện đang phải tạm dừng để xin ý kiến chỉ đạo của Bộ Giao thông về công nghệ thi công cho hạng mục này.

Với Dự án sửa chữa mặt cầu Thăng Long và Công trình QL48-2 đoạn Yên Lý - Nghĩa Thuận thuộc dự án WB4, các vị trí hư hỏng được báo cáo là đã khắc phục xong, các vị trí hư hỏng khác thuộc đoạn từ Km18 - Km20 đang tiếp tục được triển khai. Dự kiến công tác sửa chữa toàn tuyến sẽ hoàn thành trước ngày 15/5 tới đây.
 
6 dự án bị “sờ gáy”: Báo cáo nhanh, “nhận lỗi” chậm
Tiến độ, chất lượng và trách nhiệm cần được làm rõ với những công trình có vấn đề

Như vậy, trong văn bản tóm tắt báo cáo Bộ trưởng Đinh La Thăng, Cục Quản lý xây dựng và chất lượng công trình giao thông đã nêu ra tiến trình khắc phục sự cố về chất lượng ở các dự án trọng điểm đại diện trên toàn quốc là công trình Cao tốc TP.HCM - Trung Lương, Dự án mở rộng và hoàn thiện đường Láng - Hòa Lạc, cao tốc Cầu Giẽ - Ninh Bình, cầu Thanh trì và đoạn phía nam đường vành đai 3 Hà Nội, Dự án sửa chữa mặt cầu Thăng Long và Công trình QL48-2 đoạn Yên Lý - Nghĩa Thuận thuộc dự án WB4.

Việc báo cáo này được thực hiện theo chỉ đạo của lãnh đạo Bộ Giao thông Vận tải về kết quả kiểm tra; yêu cầu của Bộ trưởng Thăng về xử lý trách nhiệm tập thể và cá nhân liên quan, các chủ đầu tư, Ban Quản lý dự án quản lý thực hiện 6 dự án và công trình nói trên. Báo cáo này được xem là rất đáng chú ý nhưng xuyên suốt 3 trang báo cáo không thấy có một dòng nêu vấn đề trách nhiệm và xử lý trách nhiệm - điều mà dư luận xã hội rất quan tâm!

Quỳnh Anh