5 năm vượt sông bằng… săm ô tô
(Dân trí) - Ba chiếc săm ô tô kết lại làm “thuyền” - đó là phương tiện duy nhất mà bà Nguyễn Thị Gái (thôn Tà Lang, xã Hòa Bắc, huyện Hòa Vang, TP Đà Nẵng) dùng để đưa đón người, xe máy, hàng hóa… vượt sông Cu Đê suốt hơn 5 năm nay.
Đặt cược mạng sống với thủy thần
Một chiếc xe máy thuyền đã đủ quá tải.
Vật lộn khoảng gần 10 phút, con thuyền cũng sang được bờ bên kia nhưng tất cả người và hàng hóa trên thuyền đều ướt sũng nước. Chị Lan thở phào: “Vợ chồng tui đi buôn hàng chuyến ở bên thôn Tà Lang, ngày phải 2 lượt đi về. Mỗi lần lên thuyền là tui cứ lo ngay ngáy, sợ gặp phải cây nhọn đâm thủng săm thì khốn. Biết là nguy hiểm nhưng cũng phải liều để kiếm gạo về nuôi con”.
Bà Gái vẫn còn ngồi thở hổn hển, chưa kịp lấy lại sức thì phía bên kia sông đã có tiếng í ới gọi đò. Uống vội ngụm nước chè mang theo, bà nhanh chóng vòng ngược thuyền qua sông đón khách. Cả thảy 5 người lớn nhỏ chen chúc lên thuyền, không một chiếc áo phao cứu hộ. Một chuyến liều mình vượt sông mới lại bắt đầu.
Chúng tôi tỏ ý lo ngại cho tính mạng mấy đứa trẻ trên thuyền, một người đàn ông trạc 40 tuổi vội xua tay: “Sợ chi, ngày mô tụi hắn chẳng tắm sông”.
Cấm “thuyền săm” thì phải lội sông
Theo thống kê của UBND xã Hòa Bắc, hiện nay toàn thôn Tà Lang có 82 hộ với trên 250 nhân khẩu. Trong đó, có 62 học sinh người dân tộc Cơ tu phải thường xuyên vượt sông Cu Đê đi học ở trường THCS Nguyễn Tri Phương. |
Nhiều người dân sống hai bên bờ sông Cu Đê cho biết, năm 2005, có 5 học sinh trong lúc lội qua sông đi học đã bị sảy chân chết đuối. Mới đây, chiếc thuyền của bà Gái cũng đã 2 lần bị lật úp giữa sông nhưng may mắn không ai thiệt mạng.
Vừa qua, Sở GTCC TP Đà Nẵng đã kiểm tra, cấm tất cả những đò ngang tự phát hoạt động trên sông Cu Đê vì không đảm bảo an toàn nhưng do nhu cầu đi lại của người dân nên bà Gái và một số người khác vẫn chở.
Trao đổi với chúng tôi, bà Ngô Thị Nhàn (Phó Chủ tịch UBND xã Hòa Bắc) cho biết, tổ chức Tầm nhìn thế giới có trang bị áo phao cho học sinh và giáo viên để lội qua sông mùa nắng. Về mùa mưa, nếu cấm thuyền bà Gái hoạt động thì cả học sinh và người dân vẫn sẽ phải lội bộ qua sông, rất nguy hiểm. “Đợt bão lũ vừa qua, chúng tôi cũng phải liều mạng nhờ thuyền bà Gái chở gạo, muối, mì tôm sang sông cứu trợ cho đồng bào chứ biết đi bằng phương tiện gì”, bà Nhàn than thở.
Theo kế hoạch, cây cầu sẽ hoàn thành trong tháng 11 này nhưng do ảnh hưởng của thiên tai, đến nay vẫn chưa đổ xong phần móng trụ cầu.
Một công nhân làm việc tại đây cho biết, đợt lũ vừa qua đã cuốn trôi nhiều sắt thép làm cầu, hố cầu đào xong chưa kịp đổ bê tông đã bị đất đá vùi lấp, phải đào lại. Với tình hình hiện tại, nếu gặp thời tiết thuận lợi thì cũng phải đến giữa năm 2010 cầu mới hoàn thành.
Đông Lưu