1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM

Đắk Nông:

40 năm khắc khoải một lời thề

(Dân trí) - “Ngày đất nước hòa bình, người nào còn sống thì đi tìm mộ của người đã hy sinh. Bằng giá nào cũng phải đưa nhau về được quê cha, đất mẹ…” - Giữ trọn lời thề, lời hứa ấy, 40 năm qua ông Đỗ Thanh Bình (thị trấn Ea T’ling, huyện Cư Jút, tỉnh Đắk Nông) không ngừng thôi thúc mình đi tìm mộ đồng đội.

Cũng nhờ quyết tâm này mà ông góp phần vào việc tìm kiếm, quy tập hàng chục hài cốt liệt sĩ nằm dọc biên giới Việt Nam- Campuchia, đưa các anh về lại với quê hương, gia đình.

Hành trình đi tìm đồng đội

Nhân kỷ niệm 70 năm ngày Thương binh liệt sỹ, chúng tôi tìm về căn nhà nhỏ của ông Đỗ Thanh Bình để nghe vị Đại tá già kể về những năm tháng chiến tranh ác liệt và hành trình ông đi tìm hài cốt đồng đội, đưa họ trở về với quê hương.

Mỗi lần nhắc lại, ký ức về 20 năm ông cùng đồng đội vào sinh ra tử, chiến đấu tại mặt trận tỉnh Quảng Đức cũ (nay là tỉnh Đắk Nông) lại sống động và vẹn nguyên như ngày nào.


Hành trình đi tìm hài cốt là hành trình thực hiện lời hứa với những đồng đội đã nằm xuống

Hành trình đi tìm hài cốt là hành trình thực hiện lời hứa với những đồng đội đã nằm xuống

Năm 1953, người thanh niên Đỗ Thanh Bình lên đường nhập ngũ rồi tập kết ra Bắc học tập, huấn luyện để trở thành chiến sĩ đặc công.

Từ năm 1960, trên cương vị là Đại đội trưởng Đại đội đặc công, Tham mưu phó Tỉnh đội Quảng Đức, ông Bình đã cùng với những đồng đội của mình lập nhiều thành tích trong ba cuộc chiến: chống Pháp, chống Mỹ và chống phản động Fulro.

Chiến tranh ác liệt, người còn người mất là chuyện không thể tránh khỏi, nhưng điều ông nhớ nhất là trước mỗi trận đánh, ông lại cùng đồng đội chung một lời thề: “Nếu còn trở về, người sống phải có trách nhiệm đưa anh em đã hy sinh về quê, không để anh em nằm mãi ở những nơi lạnh lẽo, hoang vu này”.

Hơn 5 năm sau ngày đất nước thống nhất và truy quét, tiêu diệt thế lực thù địch Fulro, ông Bình chính thức bắt đầu hành trình tìm kiếm đồng đội.

Với thuận lợi là người trực tiếp chiến đấu tại chiến trường Quảng Đức cũ, ông biết rõ những khu vực năm xưa diễn ra trận đánh ác liệt khiến đồng đội hy sinh. Đó có thể là ngôi làng của đồng bào M’Nông nằm cạnh biên giới Việt Nam- Campuchia, những quả đồi nay đã trở thành đất sản xuất hoặc sâu trong cánh rừng âm u, rậm rạp.


Gần 40 năm tìm kiếm, ông đã tự tay bốc cất 58 hài cốt của đồng đội

Gần 40 năm tìm kiếm, ông đã tự tay bốc cất 58 hài cốt của đồng đội

Tuy nhiên, cảnh vật và con người có nhiều thay đổi, nên cũng có những lần ông mất cả tháng trời để xác định đúng vị trí.

“Ngày ấy, cứ sáng sớm là tôi lại cơm đùm cơm nắm hướng về những cánh rừng, khe suối để tìm bạn, đến khi nhá nhem tối thì xin ngủ nhờ nhà người đồng bào bản địa. Thế nhưng, đi rồi mới biết, mọi dấu vết xưa đều bị xóa nhòa, rừng núi rậm rạp, cảnh vật đã thay đổi nên có lần mất 1 tháng ròng đi về, tôi mới tìm thấy hài cốt đồng đội.

Nhưng rất may mắn, lần đầu tiên trong hành trình 40 năm đi tìm đồng đội, tôi phối hợp với cơ quan chức năng quy tập được 7 hài cốt liệt sĩ; trong đó, 1 hài cốt liệt sĩ đưa về nghĩa trang TP. Buôn Ma Thuột (Đắk Lắk) và 6 hài cốt chôn cất tại Nghĩa trang huyện Cư Jút”, ông kể.

Tìm được một ngôi mộ, đưa được một người về với quê hương, gia đình là nguồn động lực to lớn thôi thúc ông Bình nỗ lực hơn nữa để tiếp tục thực hiện lời hứa của mình với đồng chí, đồng đội.

Sau nhiều năm lặn lội, vượt qua bao khó khăn, thách thức ông lão đã tìm kiếm và tự tay bốc cất được tổng cộng 58 mộ liệt sỹ, đưa các anh trở về với quê hương.

“Hồi ấy, những ai hy sinh đều được đồng đội ghi rõ tên tuổi, quê quán rồi bỏ vào lọ penicillin chôn theo. Tuy nhiên điều tôi trăn trở nhất là trong tổng số 58 hài cốt liệt sỹ này, vẫn còn 9 liệt sỹ chưa biết tên tuổi, quê quán. Nhiều năm qua tôi vẫn tìm hiểu, liên hệ nhiều người khi xưa tham gia trận chiến nhưng đến nay vẫn chưa có thông tin gì”.

“Sẽ tìm đến khi nhắm mắt xuôi tay”

Ông Bình cho biết, ngoài việc tự mình đi tìm hài cốt của đồng đội đã hy sinh, ông còn liên lạc với những người bạn năm xưa từng chiến đấu để phối hợp tìm kiếm.

Ông bộc bạch: “Chúng tôi đã cùng nhau vào sinh ra tử. Mình may nắm được sống sót trở về, trong khi đồng đội của mình phải nằm xuống nên hơn ai hết, chúng tôi hiểu được sự hy sinh của họ và lòng mong mỏi của người thân những liệt sỹ. Do đó, dù tuổi cao, trí nhớ cũng đã giảm sút nhiều, nhưng chúng tôi vẫn mong mình sẽ góp được phần nào đó để tìm hài cốt liệt sĩ đưa các anh về với gia đình, quê hương”.

Hành trình đưa đồng đội đã hy sinh trở về của ông Bình may mắn được sự ủng hộ và động viên của người vợ- bà Nguyễn Thị Sen.

Bà Sen tâm sự: “Công việc dẫu gian nan, vất vả nhưng đó là ân tình của những người đồng đội, vì vậy từ ngày ông ấy bắt đầu việc tìm kiếm hài cốt liệt sỹ cho tới nay, tôi chưa một lần cấm cản. Tôi chỉ mong sao sức khỏe ông ấy còn dẻo dai, tìm kiếm được nhiều hài cốt để họ sớm được đoàn tụ với gia đình”.

Hiện nay, trong trí nhớ và sổ sách, ông Bình vẫn còn ghi địa chỉ, tên tuổi của 27 liệt sĩ đã hy sinh hoặc mất tích. Gần 90 tuổi, sức đã yếu, dẫu đã cung cấp địa chỉ đồng đội hy sinh cho cơ quan chức năng, nhưng mỗi dịp ghé qua nơi nào đó, ông đều cố gắng hồi tưởng, xác định địa hình để hy vọng tìm được mộ phần các liệt sĩ, đưa đồng đội về nơi an nghỉ đàng hoàng, thực hiện tâm nguyện canh cánh bao nhiêu năm nay.

Nhận xét về việc làm ý nghĩa của ông Bình, bà Trần Ái Lê, Phó trưởng Phòng lao động thương binh và xã hội huyện Cư Jút cho biết: Việc làm của ông Bình không chỉ đơn thuần là thực hiện lời hứa với người đã khuất, thể hiện tình đồng chí, đồng đội mà còn mang đến niềm vui cho những gia đình thân nhân liệt sỹ, tạo động lực cho cơ quan chức năng tiếp tục công tác tìm kiếm.

Dương Phong