1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM
  3. Phóng hỏa quán cà phê làm 11 người chết

40 năm hải chiến Hoàng Sa qua góc nhìn ngoại giao

(Dân trí) - Chính quyền Sài Gòn bằng cách này hoặc cách khác đã khẳng định chủ quyền của Việt Nam đối với quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa, lên án Trung Quốc trước cộng đồng quốc tế chiếm đóng trái phép quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam sau sự kiện 19/1/1974.

Các nhà nước Việt Nam từ thời kỳ phong kiến cho đến nay đã khai phá, xác lập, thực thi và bảo vệ chủ quyền quốc gia đối với 2 quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa, cũng như những vùng biển đảo khác trong Biển Đông. Việt Nam có đầy đủ cơ sở lịch sử và pháp lý quốc tế khẳng định chủ quyền đối với 2 quần đảo này; là quốc gia duy nhất đã chiếm hữu, quản lý 2 quần đảo một cách liên tục, hòa bình và phù hợp với các quy định của luật pháp quốc tế.

Trong thời gian 1954-1975, quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam được đặt dưới quyền quản lý của chính quyền đương thời Việt Nam Cộng hòa. Ngày 19/1/1974, Trung Quốc đã dùng vũ lực chiếm đóng trái phép toàn bộ quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam. Tuy nhiên, Chính quyền Sài Gòn bằng cách này hoặc cách khác đã mạnh mẽ khẳng định chủ quyền của Việt Nam đối với quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa, đồng thời lên án Trung Quốc trước cộng đồng quốc về hành động này.

Chỉ còn ít ngày nữa là kỷ niệm 40 năm sự kiện hải chiến Hoàng Sa, Dân trí xin giới thiệu những hoạt động đấu tranh ngoại giao trong thời gian này, đặc biệt vào những thời điểm tranh chấp cụ thể khi Trung Quốc có những hành động chiếm đóng trái phép quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam.


Bốn chiến hạm của Việt Nam Cộng hòa chiến đấu bảo vệ Hoàng Sa năm 1974. (Ảnh: Tư liệu)
Bốn chiến hạm của Việt Nam Cộng hòa chiến đấu bảo vệ Hoàng Sa năm 1974. (Ảnh: Tư liệu)

Đấu tranh ngoại giao trước hải chiến Hoàng Sa 1974

Từ năm 1954 đến năm 1974, bằng con đường ngoại giao, chính quyền Việt Nam Cộng hòa đã có nhiều cố gắng để công luận quốc tế biết rõ chủ quyền của Việt Nam đối với quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa, trên cơ sở phân tích nhiều góc độ khác nhau như: địa lý, lịch sử, quản lý hành chính… Hoạt động thể hiện rõ nét nhất qua việc sử dụng các diễn đàn quốc tế để lên tiếng về Hoàng Sa và Trường Sa; cung cấp sử liệu, chứng cứ cho các hãng thông tấn trong và ngoài nước; ban hành Sách Trắng bằng song ngữ, ra các thông cáo, tuyên cáo ngoại giao… đối với phần lãnh thổ này, theo quy định của công pháp quốc tế.

Trên lĩnh vực thuyền thông, Bộ Ngoại giao Việt Nam Cộng hòa không ngừng cung cấp thông tin một cách kịp thời, xác thực để khẳng định chủ quyền lâu đời của Việt Nam đối với Hoàng Sa, Trường Sa. Cụ thể, ngay sau khi phát hiện Trung Quốc lén lút chiếm đảo Phú Lâm vào năm 1956, Bộ Ngoại giao Việt Nam Cộng hòa đã cung cấp thông tin cho các cơ quan ngoại giao, các hãng thông tấn, báo chí quốc tế nhằm khẳng định tính hợp pháp và sự phù hợp với quy định của Công ước quốc tế về chủ quyền của Việt Nam đối với quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa.

Ngày 1/2/1957, Trung Quốc lại lên tiếng đòi sở hữu 2 quần đảo Spratley và Paracels. Bộ Ngoại giao Việt Nam Cộng hòa liền ra thông cáo ngày 18/2/1957 nhắc lại quan điểm của Việt Nam là 2 quần đảo trên thuộc lãnh thổ Việt Nam.

Chính phủ và Bộ Ngoại giao Việt Nam Cộng hòa khá khôn khéo và cương quyết trong việc giải quyết tranh chấp về vấn đề Hoàng Sa và Trường Sa của Việt Nam. Đối với Trung Quốc, nước càng ngày càng bộc lộ rõ dã tâm chiếm đoạt trái phép Hoàng Sa, chính quyền Việt Nam Cộng hòa bắt giữ và trục xuất ngư dân, quân đội giả dạng ngư dân đổ bộ lên Hoàng Sa, sử dụng diễn đàn ngoại giao trong mọi điều kiện để phủ nhận, lên án những đòi hỏi phi lý của Trung Quốc hay gửi công hàm phản đối…

Đầu những năm 1970, khi quan hệ giữa các nước lớn có nhiều thay đổi theo hướng ngày càng phức tạp, sự tranh chấp trên quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa của Việt Nam bắt đầu trở nên quyết liệt.

Tại các diễn đàn Quốc tế về lãnh hải, lãnh thổ, các hiệp ước song phương, đa phương… chính quyền Việt Nam Cộng hòa thường tranh thủ để khẳng định chủ quyền bất khả xâm phạm của mình tại Hoàng Sa, Trường Sa. Điều này được thể hiện rõ qua tuyên bố của các ông Trần Văn Hữu, Vũ Văn Mẫu, các Bộ trưởng Bộ ngoại giao và đại diện các sứ quán Việt Nam Cộng hòa trên khắp thế giới lúc bấy giờ.

Cụ thể, ngày 13/7/1971, Bộ trưởng Ngoại giao Việt Nam cộng hòa Trần Văn Lắm có mặt tại Hội nghị lần thứ VI của Hiệp hội các Quốc gia châu Á-Thái Bình Dương ở Manila (Philippines) đã tái khẳng định chủ quyền của Việt Nam đối với 2 quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa. Tiếp đó, Nha Thông tin báo chí Bộ Ngoại giao đã ra Thông báo số 214/BNG/TTBC/TT ngày 15/7/1971 về chủ quyền của Việt Nam trên các quần đảo Trường Sa và Hoàng Sa.

Nội dung tuyên bố nêu rõ: “Chánh phủ Việt Nam Cộng hòa long trọng xác nhận lại một lần nữa chủ quyền của Việt Nam trên hai quần đảo Trường Sa và Hoàng Sa. Thật vậy, trên căn bản lịch sử và pháp lý, chủ quyền của Việt Nam Cộng hòa trên hai quần đảo này đã được thể hiện từ nhiều thế kỷ nay… Chánh phủ Việt Nam Cộng hòa tuyên bố Việt Nam Cộng hòa có chủ quyền hoàn toàn trên hai quần đảo Trường Sa và Hoàng Sa và bác bỏ tất cả các đòi hỏi của bất cứ một quốc gia nào về vấn đề này” (1).

Dường như đoán được ý đồ của Trung Quốc trong việc đánh chiếm hoàn toàn quần đảo Hoàng Sa, chính quyền Sài Gòn liên tiếp chỉ trích, ra các tuyên bố, gửi công hàm, văn kiện ngoại giao cho Trung Quốc để khẳng định chủ quyền của Việt Nam đối với 2 quần đảo này.

Đấu tranh ngoại giao sau hải chiến Hoàng Sa 1974

Ngày 11/1/1974, khi Trung Quốc tuyên bố mạo nhận quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa thuộc chủ quyền của mình, chiều 15/1/1974, trước đông đảo đại diện báo chí trong nước và ngoài nước, Tổng trưởng Ngoại giao Vương Văn Bắc đã lên tiếng tố cáo trước quốc dân và quốc tế về việc Trung Quốc vi phạm chủ quyền Việt Nam Cộng hòa trên quần đảo Hoàng Sa.

Ngày 16/10/1974, Bộ Ngoại giao Việt Nam Cộng hòa ra Tuyên bố về việc Trung Quốc vi phạm chủ quyền Việt Nam Cộng hòa trên các quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa. “Ngày 11/1/1974, Bộ Ngoại giao Trung Cộng bỗng nhiên lên tiếng mạo nhận chủ quyền trên các quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa của Việt Nam Cộng hòa. Ngay ngày hôm sau phát ngôn viên của Bộ Ngoại giao Việt Nam Cộng hòa đã bác bỏ sự đòi hỏi vô căn cứ đó.

Trước những sự vi phạm thô bạo đó, Chính phủ và nhân dân Việt Nam Cộng hòa rất công phẫn và quyết không dung thứ. Sự kiện các quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa là những phần bất khả phân của lãnh thổ Việt Nam Cộng hòa là một sự kiện hiển nhiên và không thể chối cãi được, căn cứ trên những dữ kiện địa lý lịch sử và pháp lý quốc tế” (2).

Sau vụ hải chiến Hoàng Sa, chính quyền Việt Nam Cộng hòa liên tiếp ra các tuyên bố, đề nghị lên Hội đồng Bảo an Liên Hiệp quốc và kêu gọi các nước, lực yêu chuộng hòa bình trên thế giới ủng hộ chủ quyền chính đáng của Việt Nam đối với quần đảo Hoàng Sa.

Ngày 20/1/1974, sau khi Trung Quốc dùng vũ lực cưỡng chiếm Hoàng Sa, lập tức Bộ trưởng Ngoại giao Việt Nam Cộng hòa cũng đã gọi điện và gửi thư cho Chủ tịch Hội đồng Bảo an và Tổng thư ký LHQ đề nghị những biện pháp cần thiết, trước tình hình khẩn cấp này và nêu rõ hành động Trung Quốc dùng vũ lực đánh chiếm quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam Cộng hòa, đã vi phạm Điều 2 của Hiến chương LHQ.

Trước các hành động đó, các nước như Liên Xô, Hà Lan, New Zealand, Indonesia…, các tổ chức quốc tế như Tổng Liên đoàn Lao động thế giới, các lực lượng thanh niên Italia, Hội đồng công dân Australia, Viện Nghiên cứu xã hội Australia, Ủy ban Đại học Australia bảo vệ Đông Dương… đã lên tiếng phản đối hành động xâm lược lãnh thổ bằng vũ lực của Trung Quốc. Trong thời gian này, Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam công bố lập trường của mình rằng: “… các nước có liên quan cần xem xét vấn đề này theo tinh thần bình đẳng, tôn trọng lẫn nhau, hữu nghị và láng giềng tốt, và giải quyết bằng thương lượng”.

Ngày 21/1/1974, Bộ Ngoại giao Việt Nam Cộng hòa đã gửi công hàm cho các thành viên ký kết định ước của Hội nghị quốc tế về Việt Nam, để tố cáo Trung Quốc xâm phạm quần đảo Hoàng Sa thuộc lãnh thổ Việt Nam khẩn thiết kêu gọi các đoàn thể luật gia trên thế giới tích cực trợ giúp Việt Nam Cộng hòa trong việc tái lập chủ quyền trên quần đảo Hoàng Sa.
 
Ngày 14/2/1974, Chính phủ và Bộ Ngoại giao Việt Nam Cộng hòa đã ra Tuyên cáo của Chính phủ Việt Nam Cộng hòa về chủ quyền trên những hòn đảo ở ngoài khơi bờ biển Việt Nam Cộng hòa. Tuyên cáo khẳng định: Chừng nào còn một hòn đảo thuộc phần lãnh thổ ấy của Việt Nam Cộng hòa bị nước ngoài chiếm giữ bằng bạo lực thì chừng ấy Chính phủ và nhân dân Việt Nam Cộng hòa còn đấu tranh để khôi phục những quyền lợi chính đáng của mình” (3).
 
Ngày 30/3/1974, tại Hội đồng Kinh tài Viễn Đông ở Colombia, Bộ Ngoại giao Việt Nam Cộng hòa tiếp tục công bố văn kiện ngoại giao khẳng định chủ quyền Việt Nam đối với quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa.

“Việt Nam Cộng hòa không đi tìm một cuộc chiến tranh với Trung Quốc hay bất kỳ một quốc gia nào khác. Bởi vậy không có vấn đề thành lập hoặc tìm cách thành lập một liên minh quân sự với một số quốc gia để chống lại các quốc gia khác… Tuy nhiên, tại Hoàng Sa hay bất kỳ một nơi nào, Chính phủ và nhân dân phải bảo vệ lãnh thổ; Việt Nam Cộng hòa có chủ quyền trên các đảo Hoàng Sa và Trường Sa, Việt Nam Cộng hòa không có ý định chia sẻ chủ quyền các đảo này; Việt Nam Cộng hòa lúc nào cũng sẵn sàng theo phương thức thương nghị ôn hòa để giải quyết tranh chấp quốc tế.

Chánh Phủ Việt Nam Cộng Hòa trân trọng kêu gọi các Thành Viên đặc biệt lưu ý đến điều 1 của Hiệp định Paris và điều 4 của định Ước của Hội Nghị Quốc Tế Paris, cả hai đều long trọng công nhận rằng sự bất khả phân lãnh thổ của Việt Nam phải được tích cực tôn trọng bởi mọi Quốc Gia và bởi các Thành Viên của Định Ước.” (4).

Ngày 14/2/1975, Chính phủ Việt Nam Cộng hòa đã ra Tuyên bố về việc ra mắt “cuốn sách trắng” với đầy đủ dữ kiện chứng minh chủ quyền trên 2 quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa.

Nhờ những hoạt động mạnh mẽ của chính quyền Việt Nam Cộng hòa, trong năm 1974, Hội đồng bảo an Liên Hiệp Quốc đã thông qua Nghị quyết 3314 định nghĩa về hành vi xâm lược bằng vũ lực. Chủ tịch Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc lúc này là tiến sĩ G.J. Facio (cũng là Ngoại trưởng Costarica), sau khi được Việt Nam Cộng hòa thông báo nội tình và thể theo lời yêu cầu, trước đó (25/1/1974), ông đã mở một cuộc tham khảo sôi nổi vào ngày và đề nghị đưa vụ Hoàng Sa vào Nghị trình của Hội đồng Bảo an.

Tuy việc triệu tập một phiên họp của Hội đồng Bảo an không thành vì Trung Quốc là hội viên thường trực có quyền phủ quyết. Nhưng Việt Nam Cộng hòa đã đạt được thắng lợi ngoại giao đáng kể.

Như vậy, trong từng điều kiện, hoàn cảnh lịch sử khác nhau, dù tình hình chính trị ở miền Nam Việt Nam có nhiều biến động, song chính quyền Việt Nam Cộng hòa vẫn kiên quyết đấu tranh, bảo vệ chủ quyền quốc gia tại quần đảo Hoàng Sa.

Và, trên trường ngoại giao Quốc tế, Việt Nam có đầy đủ tính pháp lý và lịch sử lâu đời về chủ quyền đối với 2 quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa; phần chính nghĩa, sự ủng hộ của Quốc tế đối với Việt Nam vẫn là dòng chủ lưu.

Võ Hà - Viết Hảo

(1). Công văn số 394-HC/3M ngày 31/01/1964 gửi Tổng trưởng Bộ Nội vụ tại Sài Gòn về tình trạng hiện hữu của đảo Hoàng Sa

(2). Tuyên bố của Bộ Ngoại giao Việt Nam Cộng hòa về việc Trung Cộng vi phạm chủ quyền Việt Nam Cộng hòa trên các quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa ngày 16/01/1974.

(3). Tuyên cáo của Chính phủ Việt Nam Cộng hòa về chủ quyền trên những hòn đảo ở ngoài khơi bời biển Việt Nam Cộng hòa ngày 14/02/1974.

(4). theo Bộ Dân vận Sài Gòn (1974), “Hoàng Sa lãnh thổ Việt Nam Cộng hòa”, Sài Gòn.