33 cán bộ thi hành án dân sự ở tỉnh Kiên Giang xin nghỉ việc, nghỉ hưu sớm
(Dân trí) - 33 cán bộ thuộc Cục Thi hành án dân sự tỉnh Kiên Giang có đơn xin nghỉ việc, nghỉ hưu sớm, trong đó 5 chi cục trưởng, 3 phó chi cục trưởng xin nghỉ theo Nghị định 178/2024 của Chính phủ.
Thông tin với phóng viên Dân trí, đại diện Cục Thi hành án dân sự tỉnh Kiên Giang cho biết, cơ quan này được Tổng cục Thi hành án dân sự (Bộ Tư pháp) phê duyệt 185 biên chế nhưng hiện nay mới có 159 biên chế.
Thực hiện chủ trương sắp xếp lại tổ chức bộ máy của Trung ương, 33 trường hợp đã xin nghỉ sớm (17 công chức đủ điều kiện nghỉ hưu, 7 trường hợp nghỉ thôi việc, 9 hợp đồng lao động).

Ông Nguyễn Văn Vũ, Cục trưởng Cục Thi hành án dân sự tỉnh Kiên Giang (Ảnh: Thế Kha).
"5 chi cục trưởng và 3 phó chi cục trưởng đã nộp đơn xin nghỉ chế độ theo Nghị định 178/2024 của Chính phủ về chính sách, chế độ đối với cán bộ, công chức, viên chức, người lao động trong thực hiện sắp xếp tổ chức bộ máy", đại diện cơ quan thi hành án cho hay.
Sau khi bỏ cấp huyện, Cục Thi hành án dân sự tỉnh Kiên Giang sẽ thành lập 8 thi hành án khu vực; đồng thời tiến hành sáp nhập với Cục Thi hành án dân sự tỉnh An Giang.
Ông Nguyễn Văn Vũ, Cục trưởng Cục Thi hành án dân sự tỉnh Kiên Giang, yêu cầu nắm bắt "tâm tư, nguyện vọng của anh em" trong giai đoạn sắp xếp, sáp nhập.
Dù vậy, trong giai đoạn này, ông Vũ nhấn mạnh các đơn vị phải đảm bảo chỉ tiêu, nhiệm vụ thi hành án được diễn ra liên tục, đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp của người dân, doanh nghiệp.
"Phải dẹp ngay những tư tưởng trông chờ, chờ ngày nghỉ, chờ ngày về. Bên cạnh đó, đánh giá lại chỉ tiêu, nhiệm vụ của từng chấp hành viên, đặc biệt ở những cơ quan có chi cục trưởng nộp đơn xin nghỉ theo Nghị định 178", ông Vũ nhấn mạnh tại cuộc họp mới đây.
Sau khi hợp nhất với Cục Thi hành án dân sự tỉnh An Giang, ông Vũ cho rằng phải thống kê toàn bộ số lượng án đang thi hành, số lượng việc và số lượng tiền phải thi hành án từ nay tới cuối năm.
"Tài sản, cơ sở vật chất cần được thống kê cụ thể để làm sao khi sáp nhập anh em đảm bảo nơi làm việc ổn định", ông Vũ cho hay.
Báo cáo tổng kết 7 tháng qua cho thấy, Cục Thi hành án dân sự tỉnh Kiên Giang phải giải quyết trên 19.000 việc (năm 2024 chuyển sang 8.745 việc) với tổng số tiền gần 6.700 tỷ đồng (năm trước chuyển sang trên 3.650 tỷ đồng, trừ số theo dõi riêng). Đến nay đã thi hành xong trên 1.865 tỷ đồng (đạt 46%).
Thi hành án tỉnh Kiên Giang đang rà soát biên chế trước và sau sáp nhập, trụ sở làm việc, kho vật chứng và đề xuất nhu cầu trụ sở cơ quan khi sắp xếp theo mô hình mới, gửi Tổng cục Thi hành án dân sự.
Diện tích và dân số lớn nhất Đồng bằng sông Cửu Long
HĐND tỉnh Kiên Giang và An Giang đã thông qua 2 đề án sáp nhập tỉnh An Giang và Kiên Giang, lấy tên gọi là tỉnh An Giang có diện tích, dân số lớn nhất Đồng bằng sông Cửu Long với hơn 4,9 triệu người.
Tỉnh An Giang mới sẽ có diện tích 9.888,91km2, gồm 102 xã, phường và đặc khu, tổng biên chế 29.911 người. Trung tâm hành chính của tỉnh mới sẽ đặt tại TP Rạch Giá.