1. Dòng sự kiện:
  2. Nổ xưởng gỗ ở Đồng Nai
  3. Kỳ họp thứ 7 Quốc hội khóa XV
  4. TPHCM "khát" cây xanh

3 năm cần mẫn chở đá vá đường

(Dân trí) - Để người dân đi lại thuận lợi, suốt hơn 3 năm qua, không kể trời nắng hay mưa, hễ rảnh rỗi là ông Võ Thanh Tùng ở ấp 5 (Phú Thịnh, Tân Phú, Đồng Nai) lại tự nguyện đi chở đá về vá những ổ gà, ổ voi trên các con đường trong ấp.

3 năm cần mẫn chở đá vá đường  - 1
Một "công nhân làm đường không lương" ở tỉnh Quảng Nam với "thành tích" 7 năm liền tự nguyện đi vá đường. (Ảnh: Báo Đất việt)
 
Các con đường ở ấp 5 là đường cấp phối sỏi đỏ nên khi vào mùa mưa đường trở nên sinh lầy. Thấy vậy, ông Tùng đã tự nguyện mang xe thồ đi nhặt từng hòn đá trong các rẫy vườn xung quanh để vá dặm cho các con đường bằng phẳng trở lại.

 

Người dân ở đây ai cũng thầm cảm ơn ông. Bà con trong ấp cho hay: “Nhờ có ông Tùng đắp vá nên con đường đỡ sình lầy. Vào mùa mưa này, gần như ngày nào mọi người cũng đều thấy ông đẩy xe thồ vào tận trong rẫy lượm đá, chở đi. Cứ chỗ nào bị sình lầy, trũng, đọng nước là ông lại đổ đá xuống. Có nhiều hôm trời mưa, nhưng ông vẫn một mình cặm cụi đẩy cái xe thồ cọc cạch ra tận đường Tà Lài cách đây hơn 4 cây số để rải đá. Ông làm việc ấy như chính làm cho gia đình mình vậy!”.

 

Mặc dù công việc rất bận rộn, với hơn 1 ha đất rẫy, ruộng, lại là lao động chính trong gia đình, con cái đang tuổi đi học, vợ lại yếu, nhưng ông Tùng vẫn dành nhiều thời gian cho việc chở đá vá đường. Ông cho biết: Ở vùng sâu, vùng xa người dân phải chịu nhiều thiệt thòi, nhất là trẻ em khi đến trường thường bị té ngã, lấm lem bùn đất rất tội nghiệp. Ngay cả bọn nhỏ con của ông có nhiều hôm mới đi được nửa đường, bị văng sình, hay trượt té lại phải quay về thay đồ.

 

Ông suy nghĩ: Trong lúc Nhà nước chưa thể đầu tư làm đường hết được, thì bà con mỗi người góp công, góp sức làm đường thì đướng sá trong thôn, ấp mới khá lên được. Thế là ông tự nguyện lấy xe của gia đình để thồ đá lấp những đoạn đường sình này cho tụi nhỏ, bà con trong xóm, ấp đi lại cho dễ dàng.

 

Ông Trần Phước Vĩnh Châu, Phó Chủ tịch HĐND xã Phú Thịnh, cho biết: “Nói về sự tự nguyện, tự giác của anh Năm Thương (bà con thường gọi ông Tùng bằng cái tên thân mật này) thì không thể chê vào đâu được. Mọi việc anh đều đi trước, làm trước. Trong việc làm đường, không riêng gì chính quyền mà bà con hầu như ai cũng thầm cảm ơn anh. Do điều kiện còn hạn hẹp, nên xã chưa thể đầu tư hết các con đường vào những nơi xa xôi này được. Anh Năm tự nguyện chở đá đi vá đường đã làm cho đường bớt sình lầy. Không những thế, sự ý thức cao của anh Năm Thương đã tạo thành một phong trào bảo vệ đường giao thông nông thôn rất tích cực, mọi người nhìn đó để làm theo”.

 

Cách đây gần 2 năm, ở xã Phú Sơn cũng thuộc huyện miền núi Tân Phú cũng có cụ Trần Văn Túc, 89 tuổi ở ấp 6- người duy nhất ngoài ngành giao thông vận tải tỉnh Đồng Nai được Bộ Giao thông vận tải tặng Kỷ niệm chương “Vì sự nghiệp giao thông vận tải” vì có thành tích xuất sắc liên tục 30 năm liên tục bỏ công sức và tiền bạc làm đường giao thông nông thôn liên ấp. Tính ra mỗi năm, cụ Túc bỏ ra hơn 300 ngày công lao động và hàng trăm nghìn đồng để tu bổ con đường; không những thế, cụ lại tự tìm vật liệu, làm cột điện, mua bóng điện, xin xã đưa điện về lắp 2 bên đường cho bà con đi lại ban đêm được sáng sủa, dễ dàng.

 

Nhiều người trong và ngoài xã biết đến việc làm của cụ đã cảm kích ủng hộ thêm kinh phí để cụ làm đường và từ số tiền hỗ trợ này cùng với số tiền tiết kiệm của gia đình thuê thêm thợ bê tông hóa được 300 m đường. Nay, ông Võ Thanh Tùng cũng vậy, ngày nắng cũng như ngày mưa, khi nào rỗi công việc nhà là ông lại cặm cụi vào rẫy nhặt đá rồi chở đi dặm vá cho bằng phẳng các con đường.

 

Minh Hưng

 TTXVN