1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM
  3. Phóng hỏa quán cà phê làm 11 người chết

2 hình thức tích hợp, điều chỉnh thông tin trên thẻ căn cước

Thế Kha

(Dân trí) - Bộ Công an đề xuất 2 hình thức để công dân yêu cầu tích hợp, cập nhật, điều chỉnh thông tin trên thẻ căn cước.

Luật Căn cước sẽ có hiệu lực từ ngày 1/7 tới. Để kịp thời hướng dẫn luật, Bộ Công an vừa gửi tới Bộ Tư pháp hồ sơ dự thảo Nghị định quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành luật này.

Theo dự thảo, công dân có thể tạo yêu cầu tích hợp, cập nhật, điều chỉnh thông tin của thẻ căn cước trên ứng dụng định danh quốc gia.

Sau khi yêu cầu được phê duyệt, công dân chuyển thẻ căn cước đến cơ quan quản lý để thực hiện tích hợp, cập nhật, điều chỉnh thông tin.

Trong thời hạn 3 ngày làm việc, kể từ ngày nhận được thẻ căn cước, cơ quan quản lý thực hiện tích hợp, cập nhật, điều chỉnh thông tin vào thẻ căn cước của công dân và thu lệ phí. Nếu công dân có nhu cầu nhận thẻ căn cước tại nơi cư trú thì phải nộp thêm phí chuyển phát trả thẻ.

2 hình thức tích hợp, điều chỉnh thông tin trên thẻ căn cước - 1

Từ 1/7 tới sẽ đổi tên thẻ căn cước công dân thành thẻ căn cước (Ảnh: Ngọc Hân).

Ngoài ra, công dân có thể trực tiếp đến cơ quan quản lý căn cước đề nghị cập nhật, điều chỉnh thông tin.

Trong thời hạn 7 ngày làm việc (kể từ ngày nhận được yêu cầu), cơ quan quản lý phải thực hiện xác thực, phê duyệt thông tin tích hợp, cập nhật, điều chỉnh.

Trường hợp thông tin cần tích hợp, điều chỉnh không được xác thực thành công với cơ sở dữ liệu quốc gia, cơ sở dữ liệu chuyên ngành, Bộ Công an yêu cầu cơ quan quản lý gửi thông báo tới công dân để kiểm tra và cung cấp lại thông tin.

Công dân không cung cấp lại thông tin sẽ bị từ chối yêu cầu tích hợp, cập nhật, điều chỉnh thông tin trên thẻ căn cước.

Về việc đổi, cấp lại thẻ căn cước, dự thảo quy định công dân đến cơ quan quản lý căn cước để thực hiện thủ tục và cung cấp thông tin số định danh cá nhân để người tiếp nhận kiểm tra đối chiếu thông tin trong Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư.

Trong trường hợp công dân đề nghị cấp, cấp đổi, cấp lại thẻ căn cước trên Cổng dịch vụ công quốc gia, Cổng dịch vụ công Bộ Công an thì lựa chọn dịch vụ, kiểm tra thông tin của mình được khai thác trong Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư.

Khi thông tin chính xác, người dân đăng ký thời gian, địa điểm đề nghị cấp thẻ căn cước. Hệ thống sẽ tự động chuyển đề nghị đó về cơ quan công an nơi công dân đề nghị cấp, cấp đổi, cấp lại thẻ căn cước.

Nếu thông tin trong Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư chưa có hoặc có sai sót, công dân phải thực hiện thủ tục thu thập, cập nhật, điều chỉnh thông tin trong cơ sở dữ liệu tại cơ quan quản lý căn cước thuộc công an cấp huyện, cấp tỉnh hoặc công an cấp xã nơi cư trú.

"Sau khi xác định thông tin người đề nghị cấp, cấp đổi, cấp lại thẻ căn cước là chính xác thì thực hiện trình tự thủ tục cấp thẻ căn cước theo quy định tại Điều 23 Luật Căn cước. Trường hợp cấp đổi từ chứng minh nhân dân, căn cước công dân sang thẻ căn cước hoặc cấp đổi thẻ căn cước, người tiếp nhận có trách nhiệm thu lại chứng minh nhân dân, thẻ căn cước công dân, thẻ căn cước đang sử dụng", dự thảo nêu rõ.

Dự thảo nghị định này dự kiến sẽ được ban hành trong thời gian tới để có hiệu lực cùng thời điểm với Luật Căn cước (1/7).

Thẻ căn cước công dân được cấp trước ngày luật có hiệu lực có giá trị sử dụng đến hết thời hạn in trên thẻ. Công dân khi có nhu cầu thì được cấp đổi sang thẻ căn cước.

Chứng minh thư nhân dân còn thời hạn sử dụng được sử dụng đến hết ngày 31/12/2024.

Thẻ căn cước công dân, chứng minh nhân dân hết hạn sử dụng từ ngày 15/1/2024 đến trước ngày 30/6/2024 tiếp tục có giá trị sử dụng đến hết ngày 30/6/2024.

Giấy chứng nhận căn cước có thời hạn sử dụng 2 năm

Bộ Công an đề xuất, giấy chứng nhận căn cước được cấp đổi trong các trường hợp sau: Bị hư hỏng không sử dụng được; thay đổi thông tin về căn cước; có sai sót về thông tin trên giấy chứng nhận; khi người gốc Việt Nam chưa xác định được quốc tịch có yêu cầu.

Người gốc Việt Nam chưa xác định được quốc tịch bị mất giấy chứng nhận căn cước sẽ được cấp lại.

Giám đốc công an tỉnh, thành phố thuộc thành phố trực thuộc trung ương có thẩm quyền cấp, cấp đổi, cấp lại giấy chứng nhận căn cước.

Theo dự thảo, thời hạn cấp lần đầu giấy chứng nhận căn cước cho người gốc Việt Nam chưa xác định được quốc tịch không quá 15 ngày kể từ ngày tiếp nhận hồ sơ. 

Giấy chứng nhận căn cước có thời hạn sử dụng 2 năm kể từ ngày cấp.