1. Dòng sự kiện:
  2. 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ

Đề xuất 4 trường hợp hủy, xác lập lại số định danh cá nhân

Thế Kha

(Dân trí) - Bộ Công an đề xuất quy định 4 trường hợp phải hủy, xác lập lại số định danh cá nhân. Số định danh cá nhân đã bị hủy được lưu vào thông tin của công dân và không được cấp cho người khác.

Dự thảo Nghị định của Chính phủ quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Căn cước đang được Bộ Tư pháp thẩm định, đề xuất 4 trường hợp hủy, xác lập lại số định danh cá nhân.

Số định danh cá nhân đã bị hủy không được cấp cho người khác

Thứ nhất, được xác định lại giới tính, năm sinh theo quy định pháp luật về đăng ký hộ tịch và pháp luật khác có liên quan.

Thứ hai, có sai sót về thông tin nơi đăng ký khai sinh, năm sinh, giới tính của công dân khi thu thập vào Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư.

Thứ ba, cơ quan quản lý căn cước phát hiện, xử lý đối với hành vi sử dụng giấy tờ, tài liệu, dữ liệu giả, cung cấp thông tin, tài liệu giả để được thu thập, cập nhật thông tin dân cư, cấp chứng minh nhân dân, căn cước công dân, thẻ căn cước.

Thứ tư, cơ quan đăng ký hộ tịch thu hồi, hủy bỏ giấy khai sinh cấp trái quy định của pháp luật.

Đề xuất 4 trường hợp hủy, xác lập lại số định danh cá nhân - 1

Mỗi công dân được xác lập 1 số định danh cá nhân duy nhất, không trùng lặp với người khác (Ảnh: Ngọc Hân).

Nếu công dân yêu cầu hủy, xác lập lại số định danh cá nhân theo trường hợp thứ nhất và thứ hai, dự thảo quy định phải nộp hồ sơ đề nghị tới công an cấp xã nơi cư trú.

Trong thời hạn 7 ngày làm việc (từ ngày nhận được đề nghị), công an cấp xã có trách nhiệm kiểm tra, xác minh tính chính xác của hồ sơ và gửi đề nghị hủy, xác lập lại số định danh đó tới cơ quan quản lý căn cước Bộ Công an.

Thủ trưởng cơ quan quản lý căn cước Bộ Công an quyết định việc hủy, xác lập lại số định danh cá nhân.

Theo quy định được đề xuất, số định danh cá nhân đã bị hủy được lưu vào thông tin của công dân trong Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư và không được sử dụng để cấp cho người khác.

Mỗi người có 1 số định danh duy nhất

Theo dự thảo, mỗi công dân Việt Nam khi được thu thập thông tin vào Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư được cơ quan quản lý căn cước Bộ Công an xác lập 1 số định danh cá nhân duy nhất, không trùng lặp với người khác.

Cơ quan quản lý, đăng ký hộ tịch, quản lý cơ sở dữ liệu hộ tịch điện tử (thuộc Bộ Tư pháp) có trách nhiệm chuyển ngay các thông tin của người được đăng ký khai sinh cho Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư.

Những thông tin cần thu thập để xác lập số định danh cá nhân gồm: Họ, chữ đệm và tên khai sinh; ngày, tháng, năm sinh; giới tính; nơi đăng ký khai sinh; quê quán; dân tộc; quốc tịch; họ, chữ đệm và tên, quốc tịch của cha, mẹ hoặc người đại diện hợp pháp; trừ trường hợp chưa xác định được cha, mẹ hoặc người đại diện hợp pháp.

Thủ trưởng cơ quan quản lý căn cước Bộ Công an có trách nhiệm kiểm tra thông tin nhận được và xác lập, chuyển ngay số định danh cá nhân cho cơ quan quản lý, đăng ký hộ tịch.

Bộ Công an (cơ quan soạn thảo) đề xuất người đã đăng ký khai sinh nhưng chưa được cấp số định danh cá nhân phải đến cơ quan đăng ký cư trú thực hiện thu thập thông tin vào Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư.

Đề xuất 4 trường hợp hủy, xác lập lại số định danh cá nhân - 2

Bộ Công an đề xuất quy định 4 trường hợp phải hủy, xác lập lại số định danh cá nhân (Ảnh: Đỗ Linh).

Với người bị tước quốc tịch Việt Nam, cho thôi quốc tịch Việt Nam, hủy bỏ quyết định cho nhập quốc tịch Việt Nam mà được cơ quan thẩm quyền cho trở lại quốc tịch Việt Nam, dự thảo nêu rõ "cơ quan quản lý căn cước có trách nhiệm xác lập, cấp lại số định danh cá nhân đã cấp".

Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, Cơ sở dữ liệu căn cước được sao lưu thường xuyên tại cơ quan quản lý căn cước Bộ Công an và lưu trữ dự phòng, bảo mật tại trung tâm sao lưu dự phòng.

Hai cơ sở dữ liệu này được phục hồi khi bị phá hủy, tấn công mạng, truy nhập trái phép.

Luật Căn cước sẽ có hiệu lực từ ngày 1/7. Thẻ căn cước công dân được cấp trước ngày luật có hiệu lực có giá trị sử dụng đến hết thời hạn in trên thẻ. Công dân khi có nhu cầu thì được cấp đổi sang thẻ căn cước.

Chứng minh thư nhân dân còn thời hạn sử dụng được sử dụng đến hết ngày 31/12.

Thẻ căn cước công dân, chứng minh nhân dân hết hạn sử dụng từ ngày 15/1đến trước ngày 30/6 tiếp tục có giá trị sử dụng đến hết ngày 30/6.