1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM
  3. Phóng hỏa quán cà phê làm 11 người chết

10 ý tưởng nổi bật ở chung khảo "Sáng kiến An toàn giao thông"

Tiến Thịnh

(Dân trí) - Tư nhân hóa hệ thống camera, cải tiến đèn tín hiệu giao thông, mở thêm làn đường hoặc phân luồng mới tại điểm ùn tắc ở Hà Nội,… là những ý tưởng được đánh giá cao tại vòng chung khảo cuộc thi Sáng kiến An toàn giao thông.

Được phát động từ tháng 8/2022, cuộc thi Sáng kiến An toàn giao thông 2022 thu hút sự hưởng ứng của cộng đồng, ngay lần tổ chức đầu tiên. Cuộc thi do Cục Cảnh sát Giao thông, Báo điện tử Dân trí và Công ty Ô tô Toyota Việt Nam phối hợp thực hiện.

Sau khi chấm sơ khảo, Đại tá Nguyễn Quang Nhật, Trưởng phòng Hướng dẫn tuyên truyền, điều tra giải quyết tai nạn giao thông, Cục Cảnh sát Giao thông, trưởng ban giám khảo cho biết, nếu được doanh nghiệp, tổ chức, hoặc Nhà nước đầu tư, nhiều ý tưởng và giải pháp rất có tiềm năng phát triển trong thực tế.

Càng về đích, cuộc thi càng gay cấn hơn, khi vào ngày 8/12, ban giám khảo chính thức công bố top 20 sáng kiến (10 ý tưởng và 10 giải pháp công nghệ) xuất sắc nhất bước vào vòng chung khảo bình chọn trực tuyến. Độc giả bình chọn tác phẩm yêu thích theo 2 hạng mục giải thưởng tại https://sangkienatgt.dantri.com.vn.

Những ý tưởng nổi bật tại vòng Chung khảo

Với sự nghiên cứu, đầu tư kỹ lưỡng trong từng bài thi, các tác giả đã cho thấy sự sắc bén trong tư duy, đột phá trong cách tiếp cận vấn đề, qua đó gây ấn tượng mạnh với ban giám khảo và tổ cố vấn chuyên môn.

10 ý tưởng nổi bật ở chung khảo Sáng kiến An toàn giao thông - 1
Có ý kiến cho rằng, mục tiêu của việc tách làn ô tô, xe máy trên đường Nguyễn Trãi rất tốt nhưng tính khả thi thấp (Ảnh: Quân Đỗ).

Với giải pháp Giảm ùn tắc tại ngã tư Nguyễn Xiển - Nguyễn Trãi - Khuất Duy Tiến bằng cách mở thêm làn đường ở giữa và phân luồng lại giao thông, một tác giả đã đưa ý tưởng cắt xén dải phân cách cứng ở giữa Nguyễn Xiển và Khuất Duy Tiến. Điều này giúp có diện tích để mở thêm làn đường cho ô tô và xe máy, chuyển hướng sớm để quay đầu hoặc rẽ trái. Thay vì hiện tại, các xe phải đi thẳng qua nút thắt rồi mới chuyển làn rẽ trái gây ùn tắc và xung đột với làn xe từ cầu vượt trên cao xuống.

Ở chiều ngược, tác giả đưa ý tưởng mở thêm làn đường bên trong để tránh nút thắt cổ chai chỗ lối lên cầu vượt; đồng thời, chặn bớt một điểm quay đầu xe dưới gầm để tránh xe cắt ngang.

Tác giả thường xuyên di chuyển và chứng kiến cảnh ùn tắc nghiêm trọng ở ngã tư Nguyễn Xiển - Nguyễn Trãi - Khuất Duy Tiến (Hà Nội) mỗi ngày. Với việc phân luồng lại giao thông trước ngã tư, áp dụng nguyên lý theo vòng xuyến, ô tô, xe máy đi làn dưới thấp từ hướng Nguyễn Xiển - Khuất Duy Tiến nếu rẽ trái sẽ chuyển hướng sớm đi vào làn mới độc lập, không gây ảnh hưởng tới làn xe đi thẳng và rẽ phải. Xe ô tô đi làn đường cầu vượt trên cao xuống nếu quay đầu hoặc rẽ trái thì chuyển sang làn mới bên trái, nếu đi thẳng thì tiếp tục di chuyển trên làn cũ. Ở chiều đối diện, các xe có thể di chuyển theo 2 nhánh trái và phải bên cạnh lối lên cầu vượt đường trên cao.

"10 ý tưởng được đi tiếp vào chung khảo đều đầu tư rất nghiêm túc. Đột phá sáng tạo đi đôi với thực tiễn và đảm bảo tính hiệu quả, khả thi khi giải quyết vấn đề… gây ấn tượng với chúng tôi sau khi chấm điểm vòng sơ khảo vừa qua", đại diện ban giám khảo chia sẻ.

10 ý tưởng nổi bật ở chung khảo Sáng kiến An toàn giao thông - 2
Ý tưởng "Cải tiến đèn tín hiệu giao thông" tách riêng đèn tín hiệu cho xe 2 bánh và ô tô (Ảnh: BTC).

Trong đó có thể kể đến ý tưởng Cải tiến đèn tín hiệu giao thông, tách riêng đèn tín hiệu giao thông cho từng loại phương tiện, giúp tách rời xe 2 bánh và ô tô với nhau.

Tác giả cho rằng, các cơ quan quản lý cần quy định và thiết kế lại các làn đường dành cho riêng cho từng loại xe dừng chờ, phù hợp theo từng loại đường, có độ rộng và các loại phương tiện lưu thông khác nhau với độ dài từ khoảng 50 - 100m tùy vào mật độ giao thông và loại phương tiện giao thông trên đường.

Khi phát triển, giải pháp sẽ sử dụng công nghệ AI kết hợp với hệ thống Camera AI giám sát để điều khiển hệ thống đèn tín hiệu tự động. Hệ thống căn cứ vào từng thời điểm để thay đổi thời gian đèn tín hiệu cho các loại phương tiện di chuyển. Hiện nay, cảnh sát giao thông tự điều khiển qua hệ thống tại chỗ ở các ngã tư, vòng xoay mỗi khi ùn tắc đường.

Với ý tưởng "Tư nhân hóa hệ thống camera hỗ trợ giám sát, xử lý vi phạm giao thông trong đô thị", tác giả cho rằng, sẽ mang lại lợi ích không chỉ về an toàn giao thông mà còn đảm bảo an ninh, trật tự trong khu vực nội thành, đô thị.

Theo đó, hình ảnh, video vi phạm sẽ báo về hệ thống quản lý xác nhận (Nhà nước phụ trách và tư nhân giám sát). Sau đó, chuyển hình ảnh, video cho tổ tuần tra gần nhất để xử lý.

Tổ tuần tra nhận thông tin và tiến hành xử phạt hoặc có thể dựa vào hình ảnh đó để phạt nguội, hạn chế tối đa trường hợp đuổi bắt gây mất an toàn giao thông. Với góp sức của tư nhân, giải pháp được kỳ vọng sẽ đồng bộ hệ thống camera trên khắp các tuyến đường thay vì chỉ tập trung ở một số điểm.

Bên cạnh đó, top 10 ý tưởng còn có nhiều sáng kiến như: Thiết kế tổ chức phát tờ rơi song ngữ Anh - Việt nhằm tuyên truyền, phổ biến về Luật giao thông đường bộ cho hành khách người nước ngoài trên xe buýt 2 tầng tham quan thành phố. Có thể đặt tờ rơi ở những địa điểm có nhiều người nước ngoài lưu trú, bến du lịch đường thủy, khách sạn, ký túc xá, các trường đại học, cao đẳng… để tiếp cận được nhiều người hơn, nâng cao hiệu quả tuyên truyền.

Giờ đây, không còn là ý tưởng sáng tạo trên giấy, các ý tưởng nói trên sẽ có cơ hội được cùng với hội đồng giám khảo, tổ tư vấn chuyên môn hướng dẫn xây dựng demo thí điểm.

Các tác giả đang đến gần hơn với việc hiện thực hóa ý tưởng và đưa vào sử dụng đại trà nếu sản phẩm mang lại hiệu quả tích cực, trong việc giải quyết các bất cập của giao thông Việt Nam. Những sáng kiến đi đến vòng cuối cùng của cuộc thi có cơ hội nhận bằng khen của Cục Cảnh sát giao thông và nhiều giải thưởng, với tổng giá trị lên đến 300 triệu đồng.

Độc giả có thể bình chọn cho tác phẩm yêu thích tại vòng bình chọn trực tuyến theo các bước sau:

Bước 1: bấm vào ô Đăng nhập hiển thị trên đầu trang, sau đó đăng nhập với tài khoản Google hoặc tài khoản Facebook cá nhân hoặc bằng cách điền thông tin cá nhân để đăng ký tài khoản. 

Bước 2: trong phần Bình chọn sản phẩm sẽ hiển thị hai hạng mục bình chọn về "Sáng kiến ATGT" và "Công nghệ ATGT". Danh sách thông tin 20 tác phẩm vào vòng chung khảo sẽ hiển thị bên dưới mỗi hạng mục. Để bình chọn cho tác phẩm yêu thích, độc giả sẽ có 2 cách để bình chọn: 

Cách 1: bấm vào nút "Bình chọn" trực tiếp ngay bên dưới thông tin tác phẩm dự thi ngoài trang chủ.

Cách 2: chọn mục "Sản phẩm dự thi", bấm vào Tác phẩm mà bạn quan tâm được hiển thị theo hai hạng mục là "Sáng kiến ATGT" và "Công nghệ ATGT" để tìm hiểu thông tin chi tiết của tác phẩm. Để bình chọn cho tác phẩm dự thi, độc giả bấm nút "Bình chọn" ngay vị trí bên dưới cùng nội dung tác phẩm dự thi.

Bước 3: để chia sẻ tác phẩm dự thi lên trang Facebook cá nhân, bấm vào nút "Chia sẻ" bên dưới ổ thông tin tác phẩm trong phần Bình chọn sản phẩm  hoặc bên dưới trang thông tin chi tiết về sản phẩm dự thi trong mục "Sản phẩm sự thi".

Lưu ý: mỗi tài khoản sẽ được bình chọn 1 lần cho một tác phẩm yêu thích ở mỗi hạng mục

Kết thúc vòng chung khảo: ban giám khảo từng hạng mục thi chấm độc lập và làm việc tập thể đánh giá, lựa chọn 5 ý tưởng, tác phẩm xuất sắc nhất của mỗi hạng mục để vào vòng chung kết.

Chương trình Sáng kiến An toàn giao thông Việt Nam năm 2022 do Cục Cảnh sát Giao thông, Báo điện tử Dân trí và Toyota Việt Nam phối hợp thực hiện. Đồng hành cùng Chương trình Sáng kiến An toàn giao thông Việt Nam có đơn vị tài trợ chính Công ty Ô tô Toyota Việt Nam và đơn vị tài trợ Tổng công ty Bảo hiểm PVI.

Để biết thêm thông tin chi tiết về chương trình, độc giả có thể truy cập website https://sangkienatgt.dantri.com.vn.