1. Dòng sự kiện:
  2. Thành phố Thủ Đức
  3. Máy bay quân sự rơi ở Bình Định

10 giải pháp công nghệ mới tại cuộc thi Sáng kiến An toàn giao thông

Trường Thịnh

(Dân trí) - Trong 20 bài dự thi bước vào vòng Chung khảo, có 10 giải pháp công nghệ ứng dụng những kỹ thuật mới nhất trong lĩnh vực học máy, khai phá dữ liệu, tối ưu hóa… gây ấn tượng mạnh bởi sự đột phá, có thể giúp ích cho bài toán giao thông ở Việt Nam.

Sức hút tăng dần với nhiều bài thi chất lượng

Bước vào vòng Chung khảo bình chọn trực tuyến, cuộc thi Sáng kiến An toàn Giao thông Việt Nam năm 2022 đang dần trở nên gay cấn và thu hút sự chú ý của độc giả trên khắp cả nước, khi có nhiều giải pháp công nghệ mới mẻ và táo bạo được ban giám khảo công bố tại: https://sangkienatgt.dantri.com.vn/san-pham-du-thi.

Đây là năm đầu tiên cuộc thi được tổ chức bởi Cục Cảnh sát Giao thông, Báo điện tử Dân trí và Công ty Ô tô Toyota Việt Nam phối hợp thực hiện. Từ hôm nay (ngày 12/12), độc giả tham gia bình chọn tác phẩm yêu thích theo 2 hạng mục giải thưởng tại https://sangkienatgt.dantri.com.vn.

Theo bà Nguyễn Phi Lê, Giám đốc điều hành Trung tâm Nghiên cứu quốc tế về trí tuệ nhân tạo BKAI, Đại học Bách Khoa Hà Nội, giám khảo nhóm giải pháp công nghệ An toàn giao thông, các bài thi sáng tạo nhưng vẫn đảm bảo tính chuyên môn rất cao, cho thấy sự đầu tư, nghiên cứu chỉn chu và tâm huyết của nhiều tác giả.

10 giải pháp công nghệ mới tại cuộc thi Sáng kiến An toàn giao thông - 1
Sáng kiến "Hệ thống phát hiện và cảnh báo sớm tài xế ngủ gật khi lái ô tô" (Ảnh: BTC).

Công nghệ đưa ra cũng rất đa dạng, từ thô sơ về mặt cơ khí đến sử dụng công nghệ mới nhất, như khai phá dữ liệu, tối ưu hóa, sử dụng trí tuệ nhân tạo, học máy để dự đoán lưu lượng giao thông, điều khiển đèn tín hiệu, phát hiện vi phạm.

Cụ thể, trong bài thi Hệ thống quản lý giao thông thông minh, tác giả đã đưa ra giải pháp để nhà quản lý có thể theo dõi, đánh giá và kiểm soát lưu lượng giao thông theo thời gian thực. Theo đó, mọi thông tin giao thông, bao gồm bản đồ lưu lượng cung cấp bởi Google Maps, thông tin hệ thống đèn giao thông và dữ liệu từ camera giám sát sẽ được kết nối với hệ thống và hiển thị trên bảng kiểm soát.

Về mặt đánh giá, dữ liệu lưu lượng từ Google Maps và video thời gian thực có thể cho phép phân tích thông tin mật độ ùn tắc đường. Đồng thời, ứng dụng công nghệ học sâu (deep learning) có thể giúp dự đoán trước những khu vực sẽ có nguy cơ tắc trong khoảng thời gian nhất định. Bên cạnh đó, công nghệ trí tuệ nhân tạo sẽ hỗ trợ nhận diện nhanh xe cộ hỏng, hành vi vi phạm, tai nạn giao thông, hay chắn đường thi công.

Từ những tính năng này, nhà quản lý có thể dễ dàng điều khiển giao thông hơn thông qua việc giám sát hệ thống và điều tiết trực tiếp bằng cách cung cấp thông tin điều phối cho người điều khiển giao thông hoặc điều khiển tín hiệu đèn. Hệ thống cũng cho phép liên tục cập nhật và tích hợp thêm các công nghệ, tính năng mới trong tương lai. 

Tác giả cho biết, tại Singapore, các phần mềm quản lý và phát hiện giao thông đã góp phần rất lớn vào cải thiện tình trạng giao thông. Đề tài giao thông thông minh cũng phát triển ở Ấn Độ và khu vực châu Âu lẫn Bắc Mỹ. Thay vì đi sâu vào từng bài toán cụ thể, hướng đi xây dựng hệ thống quản lý giao thông sẽ giúp mở rộng việc phát triển đề tài này ở Việt Nam, đồng thời là bước đệm để tích hợp các công nghệ mới trong tương lai.

Mạng lưới đường bộ là một trong những bộ phận lớn nhất của cơ sở hạ tầng mà các thành phố và cơ quan giao thông vận tải phải quản lý. Do đó, khi các giải pháp quản lý giao thông thông minh được đưa vào ứng dụng trong đời sống không chỉ là công cụ quan trọng đối với các cơ quan giao thông vận tải, mà còn góp phần xây dựng các thành phố thông minh.

10 giải pháp công nghệ mới tại cuộc thi Sáng kiến An toàn giao thông - 2

Phần mềm Traffic Việt Nam giúp cảnh báo tai nạn, sự cố, điều hướng các tuyến đường hợp lý cho người dùng tránh rơi vào điểm ùn tắc (Ảnh: BTC).

Với giải pháp công nghệ Cảnh báo tai nạn giao thông trên tuyến đường Hồ Chí Minh đoạn qua địa bàn tỉnh Đắk Nông, tác giả đã đưa ra ứng dụng di động thông minh giúp cập nhật dữ liệu "điểm đen", điểm nguy hiểm trên trang quản trị. Phần mềm phát cảnh báo bằng giọng nói khi gần đến các điểm đen trên địa bàn, giúp tài xế nâng cao cảnh giác. Các điểm đen được ứng dụng chủ động cập nhật theo từng thời điểm. Thông qua số lượng xe đã cài đặt ứng dụng, nhà quản lý có thể giám sát online mật độ xe, tốc độ xe khi lưu thông trên địa bàn tỉnh.

Sản phẩm cũng có yêu cầu đơn giản về thiết bị với một máy chủ chuyên dụng chạy hệ điều hành CentOS có cấu hình tối thiểu 8CPU/16GB,  đường truyền internet IP tĩnh tốc độ tối thiểu 200Mbps, cùng các cơ sở dữ liệu như MySQL, Oracle, Google Map API, phần mềm webserver NodeJS.        

"Nhiều bài thi có sáng kiến cụ thể vào từng vấn đề. Các ý tưởng này có mô tả đơn giản, đầu tư cũng dễ dàng với chi phí thấp, quy trình thực hiện không phức tạp, nên khả năng nhân rộng và tính hiệu quả cao, rất khả thi với điều kiện thực tế tại nước ta", Trung tá Tạ Thị Hạnh Lê, cán bộ phòng Hướng dẫn tuyên truyền, điều tra giải quyết tai nạn giao thông, Cục Cảnh sát giao thông cho biết.

10 giải pháp công nghệ mới tại cuộc thi Sáng kiến An toàn giao thông - 3
Sáng kiến "Hệ thống cảm biến tránh đạp nhầm chân ga giúp hạn chế tai nạn giao thông" (Ảnh: BTC).

Trong 10 giải pháp công nghệ vào vòng chung khảo, được đánh giá có thể giúp ích cho bài toán giao thông ở Việt Nam còn có: Hệ thống phát hiện và cảnh báo sớm tài xế ngủ gật khi lái ô tô; Hệ thống cảm biến tránh đạp nhầm chân ga giúp hạn chế tai nạn giao thông; Website ứng dụng AI phát hiện phương tiện lấn chiếm lòng đường; Phần mềm Traffic Việt Nam hỗ trợ điều hướng các tuyến đường hợp lý cho người dùng tránh rơi vào điểm ùn tắc,...

Theo ban tổ chức, đồng hành cùng cuộc thi Sáng kiến An toàn giao thông năm 2022 là những chuyên gia, đội ngũ kỹ sư công nghệ thông tin giàu kinh nghiệm đến từ Cục Cảnh sát giao thông; Trung tâm Nghiên cứu quốc tế về trí tuệ nhân tạo BKAI, Đại học Bách Khoa Hà Nội sẽ hỗ trợ các tác giả phát triển dự án.

"Trong một tháng tới, nhất là trong ngày thi hackathon với sự giúp đỡ của các mentor, chúng tôi kỳ vọng sẽ có những sản phẩm demo chất lượng, có khả năng áp dụng vào đời sống", bà Nguyễn Phi Lê, Giám đốc điều hành Trung tâm Nghiên cứu quốc tế về trí tuệ nhân tạo BKAI, Đại học Bách Khoa Hà Nội chia sẻ.

Ủng hộ các Sáng kiến An toàn giao thông qua bình chọn trực tuyến

20 tác phẩm vào vòng chung khảo đã được công bố lên trang https://sangkienatgt.dantri.com.vn. Độc giả có thể bình chọn cho tác phẩm yêu thích tại vòng bình chọn trực tuyến theo các bước sau:

Bước 1: bấm vào ô Đăng nhập hiển thị trên đầu trang, sau đó đăng nhập với tài khoản Google hoặc tài khoản Facebook cá nhân hoặc bằng cách điền thông tin cá nhân để đăng ký tài khoản. 

Bước 2: trong phần Bình chọn sản phẩm sẽ hiển thị hai hạng mục bình chọn về "Sáng kiến ATGT" và "Công nghệ ATGT". Danh sách thông tin 20 tác phẩm vào vòng chung khảo sẽ hiển thị bên dưới mỗi hạng mục. Để bình chọn cho tác phẩm yêu thích, độc giả sẽ có 2 cách để bình chọn: 

- Cách 1: bấm vào nút "Bình chọn" trực tiếp ngay bên dưới thông tin tác phẩm dự thi ngoài trang chủ.

- Cách 2: chọn mục "Sản phẩm dự thi", bấm vào Tác phẩm mà bạn quan tâm được hiển thị theo hai hạng mục là "Sáng kiến ATGT" và "Công nghệ ATGT" để tìm hiểu thông tin chi tiết của tác phẩm. Để bình chọn cho tác phẩm dự thi, độc giả bấm nút "Bình chọn" ngay vị trí bên dưới cùng nội dung tác phẩm dự thi.

Bước 3: để chia sẻ tác phẩm dự thi lên trang Facebook cá nhân, bấm vào nút "Chia sẻ" bên dưới ở thông tin tác phẩm trong phần Bình chọn sản phẩm  hoặc bên dưới trang thông tin chi tiết về sản phẩm dự thi trong mục "Sản phẩm dự thi".

Mỗi tài khoản sẽ được bình chọn nhiều tác phẩm yêu thích và chỉ được bình chọn một lần duy nhất. Vòng bình chọn trực tuyến sẽ diễn ra đến hết ngày 26/12. Kết thúc vòng chung khảo: Ban giám khảo từng hạng mục thi chấm độc lập và làm việc tập thể đánh giá, lựa chọn 5 ý tưởng, tác phẩm xuất sắc nhất của mỗi hạng mục để vào vòng chung kết.

Chương trình Sáng kiến An toàn giao thông Việt Nam năm 2022 do Cục Cảnh sát Giao thông, Báo điện tử Dân trí và Toyota Việt Nam phối hợp thực hiện. Đồng hành cùng Chương trình Sáng kiến An toàn giao thông Việt Nam có đơn vị tài trợ chính Công ty Ô tô Toyota Việt Nam và đơn vị tài trợ Tổng công ty Bảo hiểm PVI.

Để biết thêm thông tin chi tiết về chương trình cũng như thể lệ tham gia cuộc thi, độc giả có thể truy cập website của chương trình tại https://sangkienatgt.dantri.com.vn.

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm