1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM

10 năm chống tham nhũng giống như củi to, củi ướt chưa cháy được

(Dân trí) - Đại biểu Nguyễn Chiến cho rằng, 10 năm thi hành Luật Phòng chống tham nhũng giống như xây lò, nhưng củi to, củi ướt chưa cháy được. Do vậy, sửa luật này cần phải đảm bảo củi to, củi nhỏ, củi ướt… đều phải cháy.

Chiều 21/11, Quốc hội tiếp tục thảo luận tại hội trường về dự thảo luật Phòng chống tham nhũng sửa đổi. Phát biểu tại đây, đại biểu Nguyễn Chiến (đoàn TP Hà Nội) cho rằng, vấn đề phòng chống tham nhũng chưa bao giờ “nóng” như giai đoạn hiện nay, toàn Đảng, toàn dân đều xác định đây là quốc nạn, là giặc nội xâm cần phải chống một cách triệt để.

“Tuy nhiên, 10 năm qua thi hành luật, giống như xây lò nhưng củi to, củi ướt chưa cháy được. Vậy sửa luật này phải sửa, gia cố để đảm bảo củi to, củi nhỏ, củi ướt, củi khô đều phải cháy”, đại biểu Nguyễn Chiến nói.

Theo đại biểu, sửa luật phải toàn diện, hiệu quả, nhưng không dàn trải, pha loãng để không chống tham nhũng. Đại biểu đưa ví dụ chống tham nhũng giống như lò than đốt cùng lúc nhiều loại củi thì nó không tăng nhiệt mà có thể làm tắt lửa.

Đại biểu Nguyễn Chiến cho rằng, việc sửa luật cần phải làm cho củi to, củi ướt... đều phải cháy
Đại biểu Nguyễn Chiến cho rằng, việc sửa luật cần phải làm cho củi to, củi ướt... đều phải cháy

“Do vậy, cần phải xác định ai có thể lấy được tiền bạc của Nhà nước? Đó là người có chức vụ, quyền hạn, được trực tiếp được giao trách nhiệm quản lý tài sản, đó là những chủ thể đặc biệt”, đại biểu đoàn TP Hà Nội cho hay.

Cho ý kiến tại hội trường, đại biểu Lê Thị Thủy - Phó Chủ nhiệm Uỷ ban Kiểm tra Trung ương (đoàn Hải Dương) nhấn mạnh, Đảng, Nhà nước luôn quan tâm tới phòng chống tham nhũng, từ hoàn thiện thể chế đến điều tra, tuy tố, xét xử, nhiều vụ án tham nhũng được xử lý nghiêm minh. Tuy nhiên, đại biểu Thủy cũng thừa nhận, công tác phòng chống tham nhũng chưa đạt yêu cầu, chưa bao quát nguy cơ tham nhũng.

Dẫn thực tế qua điều tra, truy tố, xét xử các vụ án liên quan đối tượng ngoài Nhà nước, thậm chí là các đại án diễn ra ở khu vực ngoài nhà nước cho thấy, tham nhũng không dừng lại quan niệm truyền thống ở khu vực công mà là tệ nạn chung. Do vậy, theo Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Trung ương, việc mở rộng phạm vi ra khu vực ngoài nhà nước là hết sức cần thiết.

Về đối tượng có nghĩa vụ kê khai tài sản, bà Lê Thị Thủy cho rằng, cả hai phương án đều phải cân nhắc. Bởi lẽ, nếu mở rộng đối tượng thì theo nghiên cứu cho thấy giải pháp đảm bảo minh bạch còn mang tính hình thức do đối tượng kê khai quá đông. Còn thu hẹp thì lại chưa phù hợp với chủ trương tiến tới tất cả cán bộ công chức viên chức là đảng viên đều phải kê khai tài sản.

Phát biểu tiếp thu, giải trình ý kiến đại biểu, Tổng Thanh tra Lê Minh Khái làm rõ những vấn đề liên quan đến về việc mở rộng đối tượng áp dụng Luật Phòng, chống tham nhũng sang khu vực ngoài nhà nước. Theo Tổng Thanh tra, việc mở rộng này đã bám sát chủ trương của Đảng. Phương án này còn xuất phát từ đòi hỏi của chính các tổ chức, doanh nghiệp ngoài nhà nước.

Tổng Thanh tra Chính phủ cho rằng, để từng bước mở rộng hoạt động phòng, chống tham nhũng, trước mắt cần lựa chọn những tổ chức, doanh nghiệp mà trong mô hình quản trị có nguy cơ cao làm phát sinh hành vi lợi dụng chức vụ, quyền hạn và hành vi đó gây ra hậu quả nguy hiểm cho xã hội, cá nhân, tổ chức có liên quan.

Tổng Thanh tra Chính phủ Lê Minh Khái báo cáo trước Quốc hội
Tổng Thanh tra Chính phủ Lê Minh Khái báo cáo trước Quốc hội

Dự thảo luật quy định, áp dụng đối với tổ chức xã hội, công ty đại chúng, tổ chức tín dụng và quỹ đầu tư, tập trung vào việc thực hiện các biện pháp phòng ngừa và kiểm soát tài sản, thu nhập của người giữ vị trí lãnh đạo, quản lý.

Cũng theo Tổng Thanh tra, kết quả tổng kết 10 năm thực hiện Luật Phòng, chống tham nhũng cho thấy, nguyên nhân dẫn đến việc kiểm soát chưa có hiệu quả không phải vì diện kê khai rộng mà do chưa quản lý được dữ liệu kê khai, chưa kiểm soát được biến động và xác minh được tài sản, thu nhập.

“Việc quy định các cơ quan, tổ chức kiểm soát tài sản, thu nhập là cần thiết nhằm hình thành, quản lý hệ thống cơ sở dữ liệu về tài sản, thu nhập của người có chức vụ, quyền hạn”, Tổng Thanh tra nhấn mạnh.

Tổng Thanh tra Chính phủ cũng cho rằng, cần giao cho các cơ quan, tổ chức chức năng, nhiệm vụ cụ thể để góp phần nâng cao hiệu quả phát hiện, xử lý tham nhũng thông qua kiểm soát tài sản, thu nhập của cán bộ, công chức, viên chức; bám sát chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước và bảo đảm tính khả thi.

Quang Phong