1. Dòng sự kiện:
  2. Định hướng cải cách tiền lương

Xây dựng thang, bảng lương phải có ý kiến của công đoàn

Khi xây dựng thang lương, bảng lương, doanh nghiệp phải tham khảo ý kiến tổ chức đại diện tập thể lao động tại cơ sở trước khi thực hiện, đối với doanh nghiệp chưa thành lập tổ chức công đoàn cơ sở thì phải tham khảo ý kiến của công đoàn cấp trên trực tiếp cơ sở.

Qua Hệ thống Tiếp nhận, trả lời kiến nghị của doanh nghiệp , Công ty Luật trách nhiệm hữu hạn IPIC hỏi: Ý kiến của công đoàn cơ sở có phải là điều kiện bắt buộc để ban hành thang, bảng lương, quy chế đánh giá mức độ hoàn thành nhiệm vụ không? Nếu không, khi ban hành các văn bản trên thì các văn bản này có hiệu lực không? Trường hợp doanh nghiệp không có công đoàn cơ sở thì xử lý thế nào?

Trên thực tế, theo doanh nghiệp được biết các Phòng Lao động – Thương binh và Xã hội quận, huyện hướng dẫn các doanh nghiệp khi xây dựng thang lương, bảng lương mà chưa có công đoàn cơ sở thì yêu cầu tất cả người lao động ký vào biên bản thông qua thang lương, bảng lương (được hiểu là chính người lao động tự thực hiện quyền của mình mà không cần thông qua đại diện là công đoàn).

Tuy nhiên, trường hợp này chỉ cần trên 50% người lao động đồng ý ký vào biên bản là thang, bảng lương hợp pháp hay là phải đủ 100% người lao động phải ký? Trường hợp có một lao động không đồng ý với thang, bảng lương của doanh nghiệp thì thang, bảng lương đó có được ban hành hợp pháp?

Về vấn đề này, Cục Quan hệ lao động và Tiền lương, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội có ý kiến như sau:

Theo quy định tại Khoản 2, Điều 93 Bộ luật Lao động thì khi xây dựng thang lương, bảng lương, định mức lao động người sử dụng lao động phải tham khảo ý kiến tổ chức đại diện tập thể lao động tại cơ sở và công bố công khai tại nơi làm việc của người lao động trước khi thực hiện, đồng thời gửi cơ quan quản lý Nhà nước về lao động cấp huyện nơi đặt cơ sở sản xuất, kinh doanh của người sử dụng lao động.

Theo quy định tại Khoản 1, Điều 188 của Bộ luật Lao động thì công đoàn cơ sở thực hiện vai trò đại diện, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của đoàn viên công đoàn, người lao động; tham gia, thương lượng, ký kết và giám sát việc thực hiện thỏa ước lao động tập thể, thang lương, bảng lương, định mức lao động, quy chế trả lương, quy chế thưởng, nội quy lao động, quy chế dân chủ ở doanh nghiệp, cơ quan, tổ chức; tham gia, hỗ trợ giải quyết tranh chấp lao động; đối thoại, hợp tác với người sử dụng lao động xây dựng quan hệ lao động hài hoà, ổn định, tiến bộ tại doanh nghiệp, cơ quan, tổ chức.

Theo quy định tại Khoản 3, Điều 188 của Bộ luật Lao động thì ở những nơi chưa thành lập tổ chức công đoàn cơ sở, công đoàn cấp trên trực tiếp cơ sở thực hiện trách nhiệm như quy định tại Khoản 1, Điều 188 của Bộ luật Lao động.

Căn cứ quy định nêu trên, khi xây dựng thang lương, bảng lương, doanh nghiệp phải tham khảo ý kiến tổ chức đại diện tập thể lao động tại cơ sở trước khi thực hiện, đối với doanh nghiệp chưa thành lập tổ chức công đoàn cơ sở thì phải tham khảo ý kiến của công đoàn cấp trên trực tiếp cơ sở.

Theo Chinhphu.vn