Suýt bỏ lỡ cơ hội "xuất ngoại" vì hình xăm
(Dân trí) - Hai tuần một lần, Lê Văn Ba tranh thủ ngày cuối tuần được nghỉ học đi bắn laser xóa hình xăm lớn ở cánh tay. Đây là điều kiện để anh có thể sang Nhật Bản làm việc.
Đến nay, chàng trai 32 tuổi quê Đông Sơn, Thanh Hóa đã mất 3 tháng trời đi xóa hình xăm trên cánh tay. Đối với Ba, đó là một hành trình dài, đau đớn nhưng nếu không quyết tâm, anh không thể xuất ngoại tìm kiếm cơ hội đổi đời.
"Đau lắm, nhưng nếu không quyết tâm xóa xăm, tôi sẽ không thể thực hiện ước mơ xuất ngoại lao động, thay đổi cuộc sống cho bản thân và gia đình", Ba nói.
Năm ngoái, Ba tìm kiếm cơ hội xuất ngoại sang Hàn Quốc bởi không cần xóa xăm nhưng huyện Đông Sơn (quê Ba) nằm trong danh sách "cấm cửa" do có nhiều lao động làm việc "chui", ở lại bất hợp pháp. Đầu năm nay, hy vọng sang Hàn làm việc lại lóe lên khi lệnh cấm được gỡ bỏ, nhưng số lượng người đăng ký quá đông khiến Ba lại rơi vào tuyệt vọng.
Sau cùng, Ba quyết định sẽ đi Nhật, nhưng 2 hình xăm trên cánh tay lại là rào cản. Biết không thể qua mặt nhà tuyển dụng, Ba vội vàng tìm kiếm nơi uy tín để xóa xăm. Chàng trai được báo giá 4 triệu đồng, cam kết sau 1 liệu trình 8-10 lần bắn laser sẽ "sạch mực".
"Nếu đơn hàng xây dựng, làm việc ngoài trời thì không cần xóa xăm. Nhưng tôi muốn làm việc ở trong xưởng cho đỡ vất vả, không xóa xăm thì 90% không được nhận", Ba nói.
Đang trong liệu trình xóa xăm thì đầu năm nay, Ba đã may mắn thi đỗ đơn hàng vào một công ty chuyên sản xuất, phân phối cửa nhôm tại Nhật Bản.
"Còn 1 tháng nữa là xong liệu trình, vừa đúng thời điểm tôi sang Nhật. Nghiệp đoàn kiểm tra hình xăm từng tháng, ai không quyết tâm xóa xăm sẽ bị hủy hợp đồng. Mới đầu tôi khá lo lắng bởi có xóa hình xăm thì cơ hội chỉ 50/50, còn phụ thuộc công ty bên Nhật có nhận hay không.
Thời gian này, tôi vừa học vừa về quê xóa xăm. Mỗi lần về quê tốn kém nhưng phải quyết tâm. Ở đây nhiều người không kiên trì đã bị hủy hợp đồng, phải tìm một trung tâm khác", Ba chia sẻ.
Mỗi lần tia laser lướt qua, Ba lại phải gồng mình chịu đựng cơn bỏng rát cùng mùi cháy khét khó chịu. Dù đã được ủ thuốc tê, cảm giác đau đớn vẫn như xé da thịt nam lao động. Chỗ xăm sau khi được xóa vẫn để lại những vết sẹo dài, lồi lõm.
"Chấp nhận như vậy còn có cơ hội xuất ngoại, hơn là ở nhà ôm khoản nợ, công việc bấp bênh", anh nói.
Dự kiến tháng 6 Ba sẽ bay sang Nhật đoàn tụ cùng vợ. Vợ anh cũng mới sang Nhật hồi đầu năm 2023.
"Vợ tôi làm việc tại tỉnh Nigata. Muốn sang gần chỗ vợ làm nhưng vì hình xăm nên tôi không có sự lựa chọn. Đỗ được đơn, được doanh nghiệp tiếp nhận là tốt lắm rồi, công việc ở đâu đành chấp nhận.
Lần này thi đỗ đơn hàng này, hai vợ chồng tôi rất mừng. Chấp nhận làm xa nhau để kiếm tiền trả nợ, sau này tích lũy ít vốn rồi về Việt Nam lập nghiệp. Hai vợ chồng động viên nhau cố gắng để con cái sau này có cuộc sống tốt hơn", anh Ba chia sẻ.
Suýt đánh mất cơ hội sang Nhật Bản làm việc, anh Ba nhắn nhủ mọi người phải suy nghĩ, cân nhắc kỹ trước khi xăm hình bởi hình xăm có thể ảnh hưởng đến tương lai mỗi người.
"Nếu lỡ xăm hình mà có nguyện vọng sang Nhật Bản làm việc, mọi người cần thường xuyên cập nhật thông tin từ các nguồn chính thống như Đại sứ quán Nhật Bản, Sở LĐ-TB&XH địa phương hoặc doanh nghiệp phái cử uy tín để nắm được quy định về hình xăm của nước tiếp nhận.
Xóa xăm mất nhiều thời gian, do đó mọi người hãy bắt đầu sớm để đảm bảo có đủ thời gian hoàn thành trước khi đi Nhật. Nếu không thể hoặc không muốn xóa xăm, hãy tìm hiểu kỹ các ngành nghề chấp nhận lao động có hình xăm", anh Ba chia sẻ.
Lý do Nhật Bản "cấm cửa" lao động có hình xăm
Bà Đặng Thị Anh Ngọc, đại diện Văn phòng IM Japan tại Việt Nam cho biết, Chương trình hợp tác giữa Tổ chức IM Japan và Bộ LĐ-TB&XH đưa thực tập sinh đi thực tập kỹ thuật tại Nhật Bản (chương trình IM Japan) hiện nay vẫn giữ nguyên quy định không tiếp nhận người có hình xăm, kể cả hình xăm đã xóa.
Đại diện Văn phòng IM Japan tại Việt Nam cho rằng, việc lao động đi làm việc ở nước ngoài, đặc biệt là Nhật Bản thường kèm điều kiện không xăm mình được cho là xuất phát từ yếu tố văn hóa, lịch sử. Đại đa số người dân Nhật Bản nói chung đều không có ấn tượng tốt đối với những người có hình xăm.
Hình xăm có thể khiến người lao động bị đánh giá là thiếu nghiêm túc, có lối sống lệch lạc hoặc thậm chí là thành phần nguy hiểm, đặc biệt những nơi có định kiến tiêu cực về việc xăm hình như Nhật Bản.
Do đó, hầu hết các đơn hàng đến từ Nhật Bản, các đối tác đều yêu cầu doanh nghiệp phái cử kiểm tra sơ bộ các ứng viên, sau đó phối hợp với bệnh viện kiểm tra sức khỏe, trong đó có việc loại trừ hình xăm.