1. Dòng sự kiện:
  2. Thực hành chữ "S" trong ESG

Xây dựng tổ chức công đoàn vững mạnh, đội ngũ nhân lực ưu tú

(Dân trí) - Hôm nay (26/9) là ngày làm việc thứ 3 của Đại hội Công đoàn Việt Nam lần thứ XII. Các đại biểu dự Đại hội đã tiến hành thảo luận tại 12 trung tâm về những vấn đề trọng tâm trong hoạt động công đoàn.

Tại trung tâm số 1, các đại biểu tập trung thảo luận liên quan đến nội dung: “Xây dựng tổ chức Công đoàn vững mạnh, góp phần xây dựng Đảng, chính quyền trong sạch, vững mạnh” do ông Bùi Văn Cường- Ủy viên Ban Chấp hành T.Ư Đảng, Chủ tịch Tổng LĐLĐ VN điều hành.

Trong phần trình bày tham luận, bà Mai Thanh Thảo - Chủ tịch Công đoàn Các Khu Công nghiệp Bình Dương -cho biết, thực tế còn nhiều khó khăn trong công tác xây dựng cơ sở công đoàn (CSCĐ) tại doanh nghiệp hiện nay, như: Cán bộ công đoàn đa số là kiêm nhiệm công tác công đoàn, thời gian hoạt động công đoàn ít. Các quy định pháp luật liên quan quyền đại diện cho tập thể người lao động của CĐCS tại doanh nghiệp không được doanh nghiệp thực hiện hoặc làm mang tính hình thức nên làm trở ngại cho thực hiện vai trò, chức năng của công đoàn...

Trong khi đó, tình trạng vi phạm pháp luật, quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của công nhân lao động ở các doanh nghiệp vẫn còn xảy ra, công tác kiểm tra, giám sát, xử lý các vi phạm pháp luật của các cơ quan chức năng chưa được thực hiện thường xuyên ảnh hưởng đến hoạt động CĐCS.

Ông Trương Văn Hiền, Chủ tịch LĐLĐ tỉnh Tiền Giang, cũng cho rằng, hiện nay lực lượng công nhân đa phần tốt nghiệp THPT, hoặc không có bằng cấp, trình độ học vấn, nhận thức còn thấp.

Chính vì vậy, công tác phát triển đoàn viên ưu tú, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ công đoàn gặp nhiều khó khăn. Trước thực tế này, ông Hiền cho rằng cần có chính sách, cơ chế đãi ngộ để bồi dưỡng, chọn từ những sinh viên ưu tú của các trường đại học để có cán bộ công đoàn giỏi.

Các đại biểu tham gia thảo luận liên quan đến nội dung: “Xây dựng tổ chức Công đoàn vững mạnh, góp phần xây dựng Đảng, chính quyền trong sạch, vững mạnh”.
Các đại biểu tham gia thảo luận liên quan đến nội dung: “Xây dựng tổ chức Công đoàn vững mạnh, góp phần xây dựng Đảng, chính quyền trong sạch, vững mạnh”.

Ông Nguyễn Đức Hùng - Chủ tịch Công đoàn Đại học Đà Nẵng, nhận định: Việc phát triển đoàn viên, xây dựng tổ chức công đoàn trong bối cảnh cả nước hướng tới cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 sẽ có nhiều thách thức. Ông Hùng đề xuất, kiến nghị Ban Chấp hành Tổng LĐLĐVN khóa XII ngoài quan tâm đến việc nâng cao tay nghề đội ngũ công nhân hướng tới cách mạng 4.0, thì cần quan tâm cả đến mảng giáo dục đại học.

Tại trung tâm số 5, các đại biểu tham gia thảo luận về vấn đề: Công đoàn tham gia xây dựng, giám sát việc thực hiện và phản biện chính sách, pháp luật.

Ông Đặng Thuần Phong, Phó Chủ nhiệm Ủy ban về các vấn đề xã hội của Quốc hội trình bày tham luận với nội dung: “Đổi mới nội dung và cách thức tham gia xây dựng chính sách, pháp luật của tổ chức Công đoàn Việt Nam”.

Theo ông Phong, trong nhiều nhiệm kỳ qua, đặc biệt là trong nhiệm kỳ XI, Công đoàn Việt Nam đã luôn quan tâm và có nhiều biện pháp tích cực thu hút sự quan tâm của đoàn viên và tổ chức công đoàn các cấp tham gia tích cực vào hoạt động xây dựng chính sách, pháp luật liên quan đến người lao động.

Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, vẫn có một số hạn chế nhất định, đó là: Năng lực nhận diện và tham gia ý kiến về các vấn đề liên quan đến người lao động trong các dự án luật, pháp luật hoặc các văn kiện chính sách không trực tiếp liên quan đến người lao động còn hạn chế.

Ông Phong cho rằng, tổ chức Công đoàn Việt Nam cần phát huy hơn nữa tính chủ động trong tham mưu, đề xuất hoặc góp ý đối với những chính sách mới, nhất là những nội dung phát sinh trong quá trình Việt Nam đang hội nhập ngày càng sâu rộng với thế giới. Tránh tình trạng đưa ra đề xuất nhưng không có phương án giải quyết cụ thể.

Liên quan đến vấn đề cải cách hành chính của tổ chức Công đoàn Việt Nam đáp ứng yêu cầu trong tình hình mới, tại trung tâm thảo số 8, các đại biểu đã đưa ra nhiều nội dung thảo luận quan trọng.

Các đại biểu thảo luận liên quan đến vấn đề cải cách hành chính của tổ chức Công đoàn Việt Nam đáp ứng yêu cầu trong tình hình mới.
Các đại biểu thảo luận liên quan đến vấn đề cải cách hành chính của tổ chức Công đoàn Việt Nam đáp ứng yêu cầu trong tình hình mới.

Ông Võ Thanh Tòng, Ủy viên Ban Chấp hành Tổng LĐLĐVN khoá XII, Chủ tịch LĐLĐ tỉnh Cà Mau trình bày tham luận “Hoàn thiện quy trình xây dựng và ban hành văn bản của tổ chức công đoàn đảm bảo tính hợp pháp, tính đồng bộ, cụ thể và khả thi”.

Theo ông Võ Thanh Tòng, thực tế hiện nay, các văn bản của Công đoàn nội dung còn dàn trải, hiệu quả mang lại trong thực hiện có mặt hạn chế, chế tài chưa đủ mạnh, trong điều kiện phát triển kinh tế thị trường, việc triển khai quản triệt thực hiện còn nhiều khó khăn...

Riêng đối với Cà Mau, các doanh nghiệp có đông công nhân là doanh nghiệp chế biến thuỷ sản, lao động không ổn định, có doanh nghiệp thường ký hợp đồng theo mùa vụ, ngắn hạn, hoán đổi công nhân giữa các doanh nghiệp, để tránh né đóng BHXH, bảo hiểm thất nghiệp và đóng công đoàn phí...

Trong khi đó, Luật Công đoàn và các văn bản dưới luật chưa có chế tài đủ mạnh để xử lý các vi phạm, điều này dẫn đến tình trạng nhiều doanh nghiệp kéo dài thời gian thành lập tổ chức công đoàn, không trích nộp kinh phí công đoàn, nhưng việc xử lý gặp khó khăn. Chủ tịch LĐLĐ tỉnh Cà Mau cho rằng, về công tác tổ chức bộ máy công đoàn hiện nay quy định cũng chưa thống nhất.

Bà Phan Thị Thu Hằng, Chủ tịch LĐLĐ quận Long Biên, Hà Nội đưa ra góp ý về cải cách thủ tục hành chính, trong đó, Chủ tịch LĐLĐ quận Long Biên nhấn mạnh việc cải cách thủ tục hành chính là nhiệm vụ quan trọng của hệ thống tổ chức công đoàn.

Để tinh giản được, theo bà Hằng, hệ thống văn bản của tổ chức công đoàn cần ngắn gọn, dễ nhớ và cần phải có quy trình rõ ràng. Trong công tác điều hành thì nên tin học hóa bằng cách sử dụng các phần mềm như: quản lý văn bản thông suốt ở 2 cấp, Tổng LĐLĐVN, LĐLĐ thành phố và cấp trên trực tiếp với cơ sở, cấp trực tiếp cơ sở với cơ sở.

Phát biểu kết thúc phiên thảo luận của Trung tâm số 8, Phó Chủ tịch Thường trực Tổng LĐLĐVN khóa XI Trần Thanh Hải đánh giá những ý kiến khách quan, tâm huyết, sâu sắc của những đại biểu tham gia thảo luận không chỉ góp phần khẳng định tầm quan trọng của công tác cải cách hành chính của tổ chức công đoàn mà còn làm sáng rõ hơn nhận thức mới từ yêu cầu nâng cao chất lượng, hiệu quả trong phòng trào công nhân, viên chức lao động và hoạt động công đoàn.

Qua đó, đồng chí Trần Thanh Hải kiến nghị 5 vấn đề chính sau:

Đổi mới phương thức hoạt động với tinh thần cốt lõi là cấp trên phục vụ cấp dưới, tổ chức công đoàn phục vụ đoàn viên, người lao động thật sự cần thiết là một trong ba đột phá của Công đoàn Việt Nam trong giai đoạn 2018-2023.

Tổng LĐLĐVN có trách nhiệm hoàn thiện bộ thủ tục hành chính của tổ chức công đoàn với ba bộ phận cấu thành theo tinh thần phục vụ cho đoàn viên, cán bộ công đoàn và điều hành hoạt động công đoàn.

Quy trình xây dựng, ban hành văn bản của tổ chức công đoàn cần tiếp tục hoàn thiện, đảm bảo tính hợp pháp, tính đồng bộ, cụ thể và khả thi để tạo sự phát triển vừa mạnh mẽ, vừa bền vững của phong trào công nhân, viên chức, lao động và hoạt động công đoàn.

Cải cách tổ chức bộ máy phải gắn liền với đổi mới tổ chức và hoạt động công đoàn.

Nâng cao tinh thần trách nhiệm, đạo đức nghề nghiệp của cán bộ công đoàn đang trở thành yêu cầu cấp thiết, trong đó, đạo đức nghề nghiệp của cán bộ công đoàn lần đầu tiên chính thức được đè cập, thể hiện nhận thức mới của tổ chức công đoàn theo hướng chuyên nghiệp hơn.

Hà Trang