1. Dòng sự kiện:
  2. Xuyên Việt Oil

Vụ AIC: Các bị can đã nộp lại bao nhiêu tiền để khắc phục hậu quả?

Hải Nam

(Dân trí) - Để khắc phục hậu quả vụ án, Bộ Công an đã đề nghị Ngân hàng Nhà nước, Văn phòng đăng ký đất đai TPHCM rà soát, tạm ngừng giao dịch các tài khoản, sổ tiết kiệm, bất động sản của một số bị can.

Trong vụ án Vi phạm quy định đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng, Đưa, Nhận hối lộ xảy ra tại Công ty cổ phần Tiến bộ quốc tế (AIC), Sở Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT) TPHCM và Trung tâm Công nghệ sinh học (CNSH) TPHCM, Bộ Công an đã tiến hành các biện pháp để thu hồi tài sản.

Cụ thể, ngày 11/12/2023, Cơ quan Cảnh sát điều tra có 2 công văn đề nghị Ngân hàng Nhà nước, Văn phòng đăng ký đất đai TPHCM rà soát, ngăn chặn, tạm ngừng giao dịch các tài khoản, sổ tiết kiệm, bất động sản của ông Dương Hoa Xô (cựu Giám đốc Trung tâm CNSH TPHCM), bà Trần Thị Bình Minh (nguyên Phó Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư TPHCM) và Trần Đăng Tấn (Trưởng đại diện Công ty AIC tại TPHCM).

Theo kết luận điều tra, các bị can, tổ chức, cá nhân liên quan đã nộp tiền vào tài khoản tạm giữ của Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về tham nhũng, kinh tế, buôn lậu để khắc phục hậu quả.

Cụ thể, ông Xô được gia đình nộp 11,35 tỷ đồng, sau 5 lần. Kết luận điều tra cáo buộc bị can này nhận 14,4 tỷ đồng từ AIC. Sau đó, ông Xô chia cho nhiều người và giữ lại 11,35 tỷ đồng để tiêu cá nhân.

Gia đình bị can Nguyễn Đăng Quân (Giám đốc Trung tâm Công nghệ sinh học TPHCM) nộp lại 700 triệu đồng; bà Trần Thị Bình Minh nộp 800 triệu đồng sau 2 lần.

Vụ AIC: Các bị can đã nộp lại bao nhiêu tiền để khắc phục hậu quả? - 1

Ông Dương Hoa Xô (Ảnh: Đ.T.).

Gia đình 3 bị can khác nộp tổng 430 triệu đồng, còn ông Nguyễn Thái Nhi (Chuyên viên Phòng Kinh tế, Sở Kế hoạch và Đầu tư TPHCM) - người không bị xử lý - cũng nộp 10 triệu đồng để khắc hậu quả.

Về phía các công ty "quân xanh", kết luận điều tra cho biết, Công ty Gene Việt nộp tổng gần 10 tỷ đồng; Công ty Technimex nộp gần 1,5 tỷ đồng còn Công ty Vimedimex nộp hơn 580 triệu đồng.

Theo kết luận điều tra, Trung tâm Công nghệ sinh học thuộc Sở Nông nghiệp và phát triển nông thôn TPHCM, do ông Dương Hoa Xô làm giám đốc từ năm 2004 đến năm 2020.

Trung tâm này triển khai thực hiện dự án mua sắm thiết bị cho 12 phòng thí nghiệm với kinh phí là 425 tỷ đồng.

Vụ AIC: Các bị can đã nộp lại bao nhiêu tiền để khắc phục hậu quả? - 2

Bà Trần Thị Bình Minh (Ảnh: Bộ Công an).

Tháng 4/2014, bà Nguyễn Thị Thanh Nhàn là khách mời tham dự lễ khánh thành khu nuôi cấy mô của Trung tâm. Tại đây, bà Nhàn gặp ông Xô.

Sau khi biết Trung tâm đang triển khai dự án 12 phòng thí nghiệm, bà Nhàn đã trực tiếp liên hệ, thỏa thuận với ông Xô để cho Công ty AIC trúng thầu thực hiện 10 gói thầu thuộc dự án 12 phòng thí nghiệm.

Cựu Giám đốc Trung tâm Công nghệ sinh học sau đó đồng ý. Bà Nhàn liền giao cho cấp dưới liên hệ với nhóm cán bộ của Trung tâm, xây dựng danh mục trang thiết bị theo hướng nâng giá để đảm bảo lợi nhuận cho Công ty AIC là 40% giá trị gói thầu.

Sau đó, các cá nhân này thông đồng với Công ty Tư vấn Hồng Hà tư vấn lập hồ sơ mời thầu theo hướng có lợi cho Công ty AIC hoặc công ty do AIC chỉ định.

Từ đó, Công ty AIC và Công ty Mopha (thuộc hệ sinh thái AIC) đã trúng 6 gói thầu và các công ty do AIC chỉ định gồm Công ty Gene Việt, Công ty Việt Á, Công ty Vimedimex trúng 3 gói thầu.

Riêng gói thầu số 1 giai đoạn 1, AIC phải liên danh với Công ty NEAD mới đảm bảo năng lực để trúng thầu. Gói thầu này do Công ty NEAD thực hiện và hưởng lợi nhuận, không thông đồng với AIC và chủ đầu tư để nâng giá gói thầu.

Cơ quan điều tra xác định bà Nguyễn Thị Thanh Nhàn, ông Dương Hoa Xô và các bị can khác đã phạm vào tội vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng.

Cụ thể, bà Nhàn đã cùng các bị can đã thông đồng, nâng giá gói thầu, gian lận, cố ý làm trái quy định pháp luật để tạo điều kiện cho Công ty AIC trúng thầu, gây thiệt hại gần 95 tỷ đồng.

Vụ AIC: Các bị can đã nộp lại bao nhiêu tiền để khắc phục hậu quả? - 3

Bà Nguyễn Thị Thanh Nhàn (Ảnh: AIC).

Theo kết quả điều tra, để được trúng thầu, bà Nguyễn Thị Thanh Nhàn là người trực tiếp điều hành, chỉ đạo Ban Thư ký tài chính Công ty AIC, quyết định phê duyệt, chi tiền "cơ chế", "ngoại giao" cho ông Dương Hoa Xô.

Trước khi đấu thầu, bà Nhàn gặp và đề nghị ông Xô tạo điều kiện cho Công ty AIC trúng thầu và sẽ chi tiền cám ơn.

Tổng cộng, cựu Chủ tịch AIC chỉ đạo cấp dưới 6 lần đưa tổng 14,4 tỷ đồng cho ông Dương Hoa Xô. Nguồn gốc số tiền trên là từ các hợp đồng dự án 12 phòng thí nghiệm.