Lý do đề xuất giảm thời gian làm việc xuống dưới 48 giờ/tuần
(Dân trí) - Liên quan đến đề xuất giảm giờ làm xuống dưới 48 giờ/tuần của Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, Bộ LĐ-TB&XH sẽ nghiên cứu đầy đủ các cơ sở khoa học, thực tiễn của vấn đề trên.
Tổng Liên đoàn lao động Việt Nam kiến nghị Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội nghiên cứu sớm thực hiện nội dung quy định về giảm thời giờ làm việc bình thường đối với người lao động thấp hơn 48 giờ/tuần.
Lý giải về đề xuất này, bà Hồ Thị Kim Ngân, Phó Trưởng ban Quan hệ lao động (Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam), cho biết, cùng với tăng các quyền lợi của người lao động, đề xuất giảm giờ làm việc là mục tiêu an sinh xã hội luôn được tổ chức công đoàn theo đuổi.
Trước đó, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam đã đề xuất giảm thời gian làm việc từ thời điểm góp ý xây dựng Bộ luật Lao động năm 2019. Khi đó, Quốc hội đã có nghị quyết giao Chính phủ lựa chọn thời điểm thích hợp, khuyến khích doanh nghiệp giảm giờ làm cho người lao động.
Hiện nay, sau Covid-19, các doanh nghiệp có kế hoạch xây dựng hoạt động kinh doanh phù hợp. Theo bà Ngân, từ đây, hoàn toàn có thể cân nhắc việc điều chỉnh thời gian giảm giờ làm việc cho người lao động.
Phó Trưởng ban Quan hệ lao động cho hay, nếu so sánh với nhóm cán bộ, công chức, viên chức, thì công nhân lao động trực tiếp hiện có thời gian làm việc hằng tuần nhiều hơn.
Vì thế, nếu giảm giờ làm, người lao động được tạo điều kiện phục hồi sức khỏe, giảm tai nạn lao động, tăng hiệu quả làm việc. Đồng thời, điều này cũng giúp người lao động có thời gian dành cho gia đình, chăm sóc con cái và tham gia các hoạt động xã hội...
Thực tế, nhiều công nhân lao động lo ngại giảm giờ làm đồng nghĩa với giảm thu nhập. Về vấn đề này, bà Ngân cho rằng, bản chất của làm thêm giờ để có thêm thu nhập là do tiền lương của người lao động thấp và không đảm bảo cho nhu cầu sống tối thiểu của họ.
"Vì vậy, nếu tiền lương trả cho thời gian làm công việc chính đủ để đáp ứng được các nhu cầu của người lao động thì họ sẽ không cần làm thêm, tăng ca", bà Ngân cho biết.
Do đó, theo vị này, vấn đề không chỉ là giảm giờ làm mà còn cần điều chỉnh cả tiền lương của người lao động để chỉ cần làm đủ 8 giờ/ngày, người lao động có đủ thu nhập để chi tiêu. Lúc đó, họ sẽ không cần bán sức lao động để có thêm thu nhập.
Trước đó, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội đã có báo cáo gửi Chính phủ về việc xử lý các kiến nghị của Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam liên quan đến đề xuất giảm thời giờ làm việc bình thường của người lao động xuống thấp hơn 48 giờ/tuần.
Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội cho biết, giảm giờ làm việc bình thường xuống dưới 48 giờ/tuần là một chính sách có tác động lớn đến kinh tế - xã hội.
Vì vậy, Bộ sẽ nghiên cứu đầy đủ các cơ sở khoa học và thực tiễn để bảo đảm tính khả thi khi đề xuất chính sách này trong quá trình sửa đổi, bổ sung Bộ luật Lao động.
Trước đó, đề xuất trên của Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam được tổng hợp từ các kiến nghị của người lao động cả nước dịp Đại hội Công đoàn lần thứ 13.
Công đoàn kiến nghị Chính phủ giao Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội chủ trì, cùng các bộ, ngành sớm nghiên cứu giảm giờ làm của người lao động xuống còn 40 giờ/tuần.
Việc này để đảm bảo công bằng với khu vực hành chính nhà nước. Mục tiêu để người lao động nghỉ ngơi, tái sản xuất sức lực, chăm lo cho gia đình.